'Hai vụ án nghiêm trọng có xyanua, quản lý mua bán hóa chất nguy hiểm chưa chặt'

12/09/2024 14:01 GMT+7

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới dẫn chứng hóa chất xyanua trong 2 vụ án tại Đồng Nai và vụ người Việt tại Thái Lan, cho rằng việc quản lý mua, bán hóa chất nguy hiểm chưa chặt chẽ.

Sáng 12.9, tại phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự án luật Hóa chất sửa đổi, dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp 8 vào tháng sau. Nêu ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới, đề cập vấn đề quản lý hóa chất đặc biệt, hóa chất nguy hiểm như xyanua. Theo ông Tới, thực tế thời gian qua cho thấy, việc quản lý các hóa chất cần kiểm soát đặc biệt "chưa chặt chẽ".

'Hai vụ án nghiêm trọng có xyanua, quản lý mua bán hóa chất nguy hiểm chưa chặt'- Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới góp ý tại phiên họp

ẢNH: GIA HÂN

"Vừa qua, chúng ta xảy ra 2 vụ án rất nghiêm trọng liên quan chất xyanua ở Đồng Nai vụ án người Việt tại Thái Lan. Dù lượng rất nhỏ thôi nhưng vụ án rất nghiêm trọng, ảnh hưởng quốc phòng - an ninh", ông Tới dẫn chứng.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh, dự thảo luật có điều 33 về kiểm soát mua bán hóa chất cần kiểm soát đặc biệt, song thực tế việc quản lý mua bán rất khó khăn.

Ông Tới phân tích, với việc mua bán hóa chất này, dự thảo luật chỉ quy định về phiếu kiểm soát, có xác nhận của bên mua, bên bán. Tuy nhiên, hiện nay, người mua, bán chỉ đặt hàng qua điện thoại, qua mạng và giao ở một địa điểm nào đó.

"Chúng ta để lọt việc quản lý này trong khi hiện nay tình hình mạng, công nghệ rất phát triển. Đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu thêm quản lý các hóa chất đặc biệt nguy hiểm, điển hình như xyanua, các hóa chất khác", ông Tới đề nghị.

'Hai vụ án nghiêm trọng có xyanua, quản lý mua bán hóa chất nguy hiểm chưa chặt'- Ảnh 2.

Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải nêu ý kiến tại phiên họp

ẢNH: GIA HÂN

Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cũng bày tỏ băn khoăn đến việc quản lý hóa chất nguy hiểm, chất độc tại dự thảo luật Hóa chất (sửa đổi).

Bà Hải cho biết, thời gian bà làm Trưởng ban Dân nguyện, có vấn đề nổi lên là chất tạo nạc Salbutamol trong chăn nuôi.

Trong chăn nuôi đây là chất cấm, nếu chất này tồn dư trong cơ thể gây ung thư. Người mua cũng không phân biệt được bằng mắt thường, chỉ có thể quản lý trong quá trình nuôi, kinh doanh. Ngược lại, trong y học Salbutamol là chất chữa bệnh hen xuyễn. Dùng trong y tế liều lượng thấp, nhỏ, còn chất tạo nạc trong chăn nuôi hàm lượng lớn.

Một chất khác cũng trong "tình trạng" tương tự, theo bà Hải, là Dinitơ oxit (N2O) là chất có tác dụng an thần, giảm đau trong y tế và nhiều ngành công nghiệp, chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, nếu lạm dụng sử dụng trong vui chơi thì ảnh hưởng tới tinh thần, thể chất, gây ảo giác mà người ta vẫn gọi là "bóng cười".

"Nghĩa là hàm lượng này thì là chất cấm, hàm lượng khác thì lại là thuốc", bà Hải nói, và đặt câu hỏi: Trong trường hợp chất Salbutamol hay Dinitơ oxit được nhập thì cơ quan nào kiểm soát việc này?

"Đối với y tế thì là thuốc chữa bệnh, nông nghiệp thì là chất cấm. Nhập thì quản lý thế nào, trách nhiệm của bộ nào. Dự thảo luật có giải quyết vấn đề này không?", bà Hải nói.

Cùng đó, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng phản ánh tình trạng vi phạm kinh doanh hóa chất đang diễn ra phổ biến, đặc biệt là sử dụng sai mục đích, sản xuất chế biến thực phẩm gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

'Hai vụ án nghiêm trọng có xyanua, quản lý mua bán hóa chất nguy hiểm chưa chặt'- Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên báo cáo dự án luật Hóa chất (sửa đổi)

ẢNH: GIA HÂN

Dự thảo luật Hóa chất (sửa đổi) dành mục 3, từ điều 30 đến điều 37 và mục 4, từ điều 38 đến điều 44 quy định hóa chất kiểm soát đặc biệt và hóa chất cấm.

Theo đó, hóa chất cần kiểm soát đặc biệt sẽ có danh mục do Chính phủ ban hành, bao gồm hóa chất thuộc đối tượng kiểm soát để thực thi điều ước quốc tế về hóa chất mà Việt Nam là thành viên và hóa chất có khả năng gây hại đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, sức khỏe con người, sinh vật, tài sản và môi trường.

Với việc mua bán hóa chất cần kiểm soát đặc biệt, dự thảo luật quy định cần phải có phiếu kiểm soát, có xác nhận của bên mua, bên bán.

Phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất cần kiểm soát đặc biệt bao gồm các thông tin về tên hóa chất, số lượng hóa chất, mục đích sử dụng; tên tổ chức, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, đại diện bên mua và bên bán; giấy phép kinh doanh hóa chất cần kiểm soát đặc biệt của bên bán; địa điểm và thời điểm giao hàng.

Dự thảo luật cũng quy định, việc lập và xác nhận phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất cần kiểm soát đặc biệt được thực hiện qua cơ sở dữ liệu hóa chất trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ thời điểm giao hàng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.