Các cuộc đấu súng giữa lực lượng an ninh Haiti và các băng nhóm tiếp tục làm rung chuyển Port-au-Prince trong ngày 1.3. Cùng ngày, thủ lĩnh băng nhóm Jimmy Cherizier, biệt danh "Barbecue" (thịt nướng), cảnh báo rằng ông sẽ tiếp tục nỗ lực nhằm lật đổ Thủ tướng Haiti Ariel Henry và yêu cầu các gia đình không cho con cái đến trường để "tránh thiệt hại gián tiếp" giữa lúc bạo lực gia tăng ở thành phố.
Bạo lực tiếp diễn
Reuters cho biết tiếng súng dữ dội và tình trạng gián đoạn giao thông được ghi nhận ở nhiều khu vực của Port-au-Prince hôm 1.3. Xe buýt bị phóng hỏa nằm trơ khung trên đường phố và rào chắn bốc cháy khiến không khí tràn ngập khói xám dày đặc. Ngày càng nhiều người phải rời bỏ nhà cửa gần nơi xảy ra giao chiến.
"Trận chiến sẽ kéo dài chừng nào còn cần thiết. Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu với Ariel Henry", ông Cherizier nói trong một cuộc họp báo. Từng là cảnh sát trước khi trở thành thủ lĩnh xã hội đen, nhân vật này đã dẫn đầu một liên minh băng nhóm và gây ra hỗn loạn trên khắp Haiti khi phong tỏa kho dầu lớn nhất nước này vào năm 2022. Ông đã bị cả Liên Hiệp Quốc và Bộ Tài chính Mỹ áp lệnh trừng phạt.
Đến cuối ngày 1.3, thông tin chưa được xác nhận cho hay một nhóm có vũ khí đã cố gắng chiếm quyền kiểm soát cảng container chính của thủ đô Haiti, trong khi các băng nhóm đe dọa tấn công thêm nhiều đồn cảnh sát ở thành phố. Trong khi đó, video lan truyền trên mạng xã hội cho thấy 2 cảnh sát bị sát hại. Lãnh đạo liên đoàn cảnh sát SYNAPOHA xác nhận 2 người này nằm trong số 4 sĩ quan thiệt mạng ngày 29.2.
Trong một tuyên bố, Văn phòng Thủ tướng Henry bày tỏ "sự phẫn nộ trước hành động bạo lực và khủng bố do những tên cướp có vũ trang gây ra", đồng thời gửi lời chia buồn tới gia đình các nạn nhân, cũng như cho biết chính phủ sẽ tiếp tục nỗ lực giải quyết xung đột.
Vai trò của Kenya
Bạo lực gia tăng khi ông Henry đang ở Kenya, quốc gia đi đầu trong nỗ lực hỗ trợ Haiti chống lại các băng nhóm. Tổng thống Kenya William Ruto ngày 1.3 cho biết 2 nước đã ký một thỏa thuận an ninh "có qua có lại" để Nairobi có thể triển khai cảnh sát tới Haiti, theo AFP. Chi tiết thỏa thuận chưa được công bố nhưng Kenya hồi tháng 7.2023 thông báo nước này sẵn sàng điều 1.000 cảnh sát đến Haiti để dẫn dắt lực lượng đa quốc gia được Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn.
Chiến dịch 'sắt máu' chống băng nhóm tội phạm nào đang truyền cảm hứng ở Trung Mỹ?
Dù vậy, hiện vẫn chưa rõ liệu thỏa thuận này có thể được thực thi hay không. Trước đó, một tòa án cấp cao ở Nairobi ra phán quyết cho rằng việc Kenya triển khai lực lượng như vậy tại Haiti là vi hiến vì không có một "thỏa thuận có qua có lại" giữa hai bên.
Haiti đã chìm trong bất ổn suốt nhiều năm nay và Thủ tướng Henry lên nắm quyền sau vụ ám sát tổng thống cuối cùng của nước này vào năm 2021. Ông Henry vốn cam kết từ chức vào đầu tháng 2 nhưng việc này đã không diễn ra. Haiti tổ chức bầu cử lần cuối vào năm 2016.
Liên Hiệp Quốc ước tính xung đột đã làm thiệt mạng gần 5.000 người và khiến khoảng 300.000 người phải rời bỏ nhà cửa tại Haiti trong năm 2023.
Những quốc gia nào cam kết hỗ trợ Haiti ?
Người phát ngôn Liên Hiệp Quốc Stephane Dujarric hôm 29.2 cho biết Bahamas, Bangladesh, Barbados, Benin và Chad đã chính thức thông báo cho Liên Hiệp Quốc về ý định đóng góp nhân sự cho lực lượng quốc tế nhằm giúp cảnh sát Haiti chống lại các băng nhóm, theo Reuters.
Hiện tại, Bahamas cam kết triển khai 150 nhân sự còn Benin đề nghị đưa 2.000 quân đến Haiti; ngoài ra, Jamaica cũng như Antigua và Barbuda cho biết họ sẵn sàng hỗ trợ. Trong khi đó, Mỹ và Canada đưa ra các cam kết về tài chính cho lực lượng.
Bình luận (0)