Những năm gần đây, việc đổ tiền "tái chế" những bộ phim hoạt hình kinh điển "của nhà trồng được" là xu hướng và kế sách hái ra tiền hiệu quả của Disney. Hàng loạt bộ phim hoạt hình gắn liền với tuổi thơ nhiều thế hệ như Lọ lem, Aladdin, Người đẹp và quái vật, Maleficent, Lion king, Mulan… lần lượt được triển khai bản live-action (người đóng). Có phim tạo được tiếng vang nhờ sự sáng tạo, đổi mới độc đáo, cũng có phim rơi vào lối mòn, bị dán mác "copy - paste". Năm nay, Nhà Chuột lại tiếp tục cho trình làng một bộ phim live-action được đầu tư "khủng" - Nàng tiên cá (tựa gốc: The little mermaid).
Sản phẩm từ nhà máy 'tái chế' Disney
Dẫu có cố gắng đưa vào nhiều thay đổi, tiêu biểu là quyết định táo bạo chọn nữ diễn viên da màu Halle Bailey vào vai tiên cá Ariel, Disney thực sự vẫn đang khá lười nhác với The little mermaid live-action. Phim đẹp, mãn nhãn, dễ chịu nhưng vẫn là một tác phẩm điện ảnh rất công nghiệp. Về cơ bản, cốt truyện không có gì khác biệt so với bản hoạt hình năm 1989. Ta có thể cảm nhận sự tương đồng trong từng phân cảnh, nhịp dựng và tiết tấu của phim.
Phim vẫn kể về công chúa tiên cá Ariel, con gái út của Vua thủy tề Triton. Nàng xinh đẹp, sở hữu giọng hát mê hồn và có niềm say mê đặc biệt với thế giới loài người bên trên mặt biển. Ariel luôn khát khao thoát khỏi sự kìm kẹp của cha. Sau khi cứu mạng hoàng tử Eric trong một vụ đắm tàu, Ariel đem lòng cảm mến anh. Nàng quyết định tìm đến phù thủy Ursula, đổi giọng nói, hát để lấy đôi chân, lên đất liền khám phá và chinh phục trái tim hoàng tử.
Cảm giác bao trùm lên khán giả xuyên suốt thời lượng 2 tiếng 20 phút của Nàng tiên cá live-action là "déjà vu" (hiện tượng tâm lý đã thấy, đã trải qua cảm xúc, quang cảnh này). Thứ được hời là khoái cảm về mặt thị giác khi được chứng kiến "phép màu" của công nghệ CGI và VFX. Ở nửa đầu, phim có tạo được hứng khởi nơi người xem nhờ cách khắc họa thế giới đại dương một cách cầu kỳ, tỉ mẩn. Những rặng san hô rực rỡ, đáy vực sâu, bãi đắm tàu cùng hệ thống thủy sinh đa dạng đưa khán giả vào một chuyến phiêu lưu biển cả mãn nhãn. Bữa tiệc CGI bày biện ra trước mắt ta một thế giới sống động, lắm màu sắc nhưng cũng vô cùng bí hiểm.
Tuy nhiên, kể từ khi Ariel lên bờ, phần hình ảnh trở nên kém hấp dẫn hơn khi thế giới trên cạn, vương quốc của hoàng tử Eric hiện lên một cách cũ kỹ, kém hấp dẫn. Nó chưa đủ vi diệu để khiến Ariel phải mê mẩn, chấp nhận đánh đổi tất cả để được ở lại. So với bản gốc, phim live-action cho Ariel và Eric nhiều thời gian để tìm hiểu nhau hơn. Ngặt nỗi, sự bất tương xứng về năng lượng, ngoại hình giữa hai diễn viên khó lòng tạo nên sự tâm đầu ý hợp hay lãng mạn mà khán giả tìm kiếm.
Khi đứng riêng lẻ, Halle Bailey (vai tiên cá Ariel) và Jonah Hauer-King (vai hoàng tử Eric) đều tỏa sáng và làm tốt vai trò của mình. Nhưng khi ở cạnh nhau, họ không có "phản ứng hóa học" nào. Sự xuất hiện của Vanessa (lốt cải trang của phù thủy Ursula) do người đẹp Jessica Alexander thủ vai bên cạnh hoàng tử lại trở nên mê hoặc hơn hẳn.
Thật đáng tiếc khi âm hưởng dí dỏm, đáng yêu của bản hoạt hình, chủ yếu đến từ các người bạn động vật: Sebestian, Flounder, Scuttle dường như không còn tồn tại trong phiên bản live-action. Dẫu các diễn viên lồng tiếng đã rất cố gắng nhưng khi áp dụng kỹ xảo lên hình mẫu các con vật thật, gương mặt của chúng dường như vô hồn, nhất là cá chỉ vàng Flounder.
Việc chọn diễn viên da màu Halle Bailey vào vai tiên cá Ariel là lựa chọn đột phá có ý nghĩa duy nhất của ê kíp dành cho bộ phim. Những thay đổi còn lại rất nhỏ nhặt, chỉ mang tính trình hiện bề mặt, có cũng được, không có cũng chẳng sao. Disney đang cố nhồi nhét quá nhiều thông điệp về tính đa dạng sắc tộc và bảo vệ môi trường biển vào The little mermaid live-action. Phim cho các chị em của Ariel mỗi người một màu da, sắc tộc, cai quản mỗi vùng biển khác nhau. Hoàng hậu - mẹ của hoàng tử Eric cũng là người da màu do anh chỉ là con nuôi… Tóm lại, cách thực hiện bộ phim đang bị nửa vời, bám sát nguyên tác cũng không, mà dứt khoát đổi mới cũng chưa tới.
Giải oan cho tiên cá da màu Halle Bailey
The little mermaid có lẽ là bộ phim live-action gây tranh cãi nhiều nhất của Disney khi hãng này công bố nữ diễn viên được chọn vào vai nàng tiên cá Ariel lại là một cô gái da màu. Nàng là Halle Bailey, sở hữu làn da sậm màu khỏe khoắn, khuôn diện góc cạnh, cá tính cùng mái tóc tết dreadlock đậm đà bản sắc châu Phi. Trong khi đó, Ariel của bản hoạt hình kinh điển năm 1989 lại sở hữu làn da trắng ngần cùng mái tóc đỏ bồng bềnh mê hoặc đã đi sâu vào tiềm thức của bao thế hệ. Những lời phàn nàn, chê bai bắt đầu xuất hiện tràn lan trên internet, cộng đồng mạng còn tạo hẳn một hashtag #NotMyAriel để bày tỏ sự bất bình trước lựa chọn của Disney.
Một số khán giả ác ý còn đoán rằng Halle Bailey sẽ là "hố đen" của Nàng tiên cá live-action. Tuy nhiên, trên phim, nữ diễn viên sinh năm 2000 tỏa sáng hơn những gì đã thể hiện qua hình ảnh "nhá hàng", teaser, trailer. Ở độ tuổi 20, kỹ thuật diễn xuất của cô không thuộc hàng xuất chúng nhưng thần thái, năng lượng lại rất đúng với tinh thần mạo hiểm, khát khao tự do của nàng Ariel. Còn giọng hát của Halle Bailey thì quả thật xứng tầm với tiếng hát người cá mê hoặc lòng người trong truyền thuyết. Khi nhìn Halle Bailey trên màn ảnh rộng, cô bé tỏa ra phẩm chất của một ngôi sao tương lai.
So với cả dàn nhân vật bị "sao y bản chính" thì Ariel da màu tất nhiên trở nên nổi bật và thú vị hơn hẳn. Màn trình diễn của Halle Bailey không thuộc kiểu "nức lòng người hâm mộ" nhưng ít nhất nó cũng cho khán giả sự tò mò, một trải nghiệm khác, cách diễn giải khác về một nhân vật hư cấu có đầy dị bản từ văn học đến điện ảnh, truyền hình. Và nếu không bàn về Halle Bailey, không khám phá Halle Bailey thì The little mermaid live-action đúng là khó lòng tạo nên dòng dư luận, thu hút sự chú ý dành cho bộ phim.
Nhìn chung, The little mermaid live-action là tác phẩm giải trí dành cho gia đình, đủ sáng sủa, tích cực nhưng sẽ khó lòng để tạo dựng giá trị bất hủ vượt thời gian của một tác phẩm nghệ thuật. Nó mang giá trị hoài niệm nhiều hơn là sáng tạo. Xét về lợi ích "tiền đẻ ra tiền", đáp ứng nhu cầu "ngấu nghiến" nội dung của khán giả thời đại thì việc Disney thực hiện các bộ phim live-action một cách an toàn như trên cũng là điều dễ hiểu.
Nàng tiên cá (The little mermaid) bản live-action sẽ được công chiếu từ ngày 26.5.2023.
Bình luận (0)