Ngày 15.4, ông Trần Việt Tùng, Giám đốc Chi nhánh vận tải đường sắt Nha Trang, cho biết từ hôm xảy ra sự cố sạt lở hầm đường sắt Đèo Cả đến nay, ngành đường sắt đã chuyển tải 6.500 lượt khách từ ga Tuy Hòa (Phú Yên) đến ga Giã (H.Vạn Ninh, Khánh Hòa) và ngược lại bằng ô tô.
Riêng tàu hàng, theo ông Tùng có 5 - 6 đôi tàu đang mắc kẹt, phải chờ hầm đường sắt Bãi Gió được thông. Các tàu này đang dừng ở ga Hòa Huỳnh (TX.Ninh Hòa, Khánh Hòa), ga Hòa Đa (Phú Yên) và ga Diêu Trì (Bình Định).
Để đảm bảo hàng hóa đông lạnh, dễ hỏng trên các tàu hàng không bị hư, ngành đường sắt đã chuyển tải hàng sang xe chuyên dụng để vận chuyển kịp giao cho khách hàng.
Cập nhật vụ sạt lở hầm đường sắt Đèo Cả- Chưa biết khi nào thông tàu
"Đây là sự cố không mong muốn, việc chuyển tải bằng ô tô chi phí sẽ đội lên rất nhiều, ngành đường sắt sẽ chịu hoàn toàn để đảm bảo hàng hóa vận chuyển nhanh nhất", ông Tùng thông tin.
Hôm qua (14.4), Khu Quản lý đường bộ 3 (Cục Quản lý đường bộ) có phương án phân luồng giao thông do sạt lở hầm đường sắt Bãi Gió qua Đèo Cả.
Theo Khu Quản lý đường bộ 3, hầm đường sắt Bãi Gió trên đường sắt bắc - nam bị sụt lún đất đá từ đỉnh vòm hầm và đang tiếp tục sụt lún, diễn biến phức tạp. Tuyến hầm đường sắt giao chéo bên dưới với QL1 khu vực Đèo Cả gây ảnh hưởng đến an toàn công trình đường sắt, đường bộ và ảnh hưởng an toàn giao thông tại khu vực.
Trong thời gian chờ khắc phục, để đảm bảo an toàn công trình đường sắt, đường bộ, an toàn giao thông cho phương tiện giao thông đường bộ, cơ quan chức năng đã cấm tất cả các phương tiện (trừ xe hai bánh) lưu thông trên QL1 đoạn qua Đèo Cả từ chiều 14.4.
Ô tô các loại lưu thông qua hầm đường bộ Đèo Cả (trừ một số loại phương tiện không được lưu thông qua hầm đường bộ theo quy định).
Khu Quản lý đường bộ 3 tổ chức phân luồng cho các phương tiện giao thông đường bộ không được lưu thông qua hầm đường bộ Đèo Cả, từ 13 giờ ngày 14.4.
Cụ thể, phương án một, các loại phương tiện không được phép lưu thông qua hầm đường bộ Đèo Cả, gồm xe chở hàng độc hại, hóa chất độc hại, dễ cháy, chất nổ, hàng hóa nguy hiểm… và các loại phương tiện có chiều cao lớn hơn 4,95 m, xe quá khổ có bề rộng từ 3,5 m trở lên, mô tô, xe máy, xe thô sơ.
Các phương tiện đi theo hướng bắc - nam chọn một trong ba lộ trình, gồm di chuyển trên QL1 đến ngã ba Diêu Trì (H.Tuy Phước, Bình Định) rẽ phải vào QL19C, đi theo đường Trường Sơn Đông. Khi đến Km 521 thì rẽ trái tại Km 67 vào QL26, sau đó đi theo tuyến nút giao QL26 và QL1 rẽ phải để nhập vào QL1 và tiếp tục đi vào nam.
Phương án hai, di chuyển trên QL1 giao với QL25 (TP.Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên), khi đến Km 46 rẽ trái đi theo QL19C, đi theo đường Trường Sơn Đông. Đến Km 521 rẽ trái đi theo tuyến QL26, đến nút giao rẽ phải để nhập vào QL1 để tiếp tục đi vào nam.
Phương án cuối cùng, di chuyển trên QL1 đến vị trí nút giao với QL29 thuộc H.Đông Hòa, Phú Yên. Sau đó rẽ phải đi theo QL29 đến nút giao với QL19C thì rẽ trái đi theo đường Trường Sơn Đông. Đến Km 521 rẽ trái vào QL26 đi đến nút giao với QL1 thì rẽ phải nhập làn để tiếp tục đi vào nam.
Đối với phương tiện lưu thông hướng nam - bắc di chuyển theo chiều ngược lại. Việc phân luồng trên áp dụng đến khi khắc phục xong sự cố, đảm bảo điều kiện an toàn để lưu thông trên QL1 khu vực Đèo Cả.
Như Thanh Niên đã đưa tin, khoảng 12 giờ 45 ngày 12.4, trần hầm đường sắt Bãi Gió qua Đèo Cả bất ngờ sạt lở khoảng 180 mét khối đá, bịt kín cửa hầm, kéo dài khoảng 5 m. Sự cố trên khiến tuyến đường sắt bắc - nam bị tê liệt.
Ông Lê Quang Vinh, Giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt Phú Khánh, cho biết lực lượng chức năng đã huy động hơn 200 công nhân, kỹ sư cùng các phương tiện máy móc để khắc phục sự cố trên, nhằm thông tàu trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên trần hầm tiếp tục sạt lở, không gian hẹp gây khó khăn cho công tác khắc phục nên chưa xác định được thời gian sẽ thông hầm.
Bình luận (0)