Nhà văn, ca sĩ, nhạc sĩ Hamlet Trương đã có những chia sẻ thú vị tại buổi tọa đàm “Thích ứng linh hoạt, chuyển đổi đa chiều” do CLB Kỹ năng Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM tổ chức tại Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM chiều ngày 29.9.
Thường xuyên trò chuyện với bản thân
Khi được đặt vấn đề: “Được mọi người biết đến ở nhiều vai trò, vị trí khác nhau, vậy mỗi khi bắt đầu với một công việc mới thì anh phải như thế nào?”, Hamlet Trương cho biết đối với những công việc mới, con người mới thì bản thân anh thường dành thời gian tìm hiểu về nó trước. “Trước khi bắt đầu vào viết sách cũng đi tìm hiểu một vòng xung quanh xem những gì mình còn chưa hiểu về nghề. Và điều quan trọng hơn là khi mình bắt đầu vào nghề, bắt đầu một cái gì mới thì tuyệt đối phải bỏ qua bên nỗi sợ. Vì nỗi sợ là rào cản lớn nhất, nó sẽ ngăn cản chúng ta rất nhiều. Và nếu muốn làm những điều mình chưa bao giờ làm thì hãy làm từng bước, đi từng bước, bước đi chập chững đầu tiên sẽ dạy cho những bước đi tiếp theo của chúng ta vững hơn”.
Hamlet Trương cũng cho rằng chắc chắn trên con đường đó chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn và nhiều khi cứ nghĩ sẽ không tìm được cách để vượt qua. Nhưng cách tốt nhất là phải thường xuyên nói chuyện với bản thân mình.
|
Anh kể khoảng từ hơn 2 năm nay gần đây anh đã có thói quen tự hỏi bản thân mình. “Ví dụ như lúc Trương biết được mình đang ghen tỵ với một ai đó thì mình phải biết và công nhận điều đó. Khi mà mình gọi tên được cảm xúc thì sẽ cân bằng được cảm xúc, tâm trạng đó. Từ từ sẽ hình thành thói quen và ta sẽ hiểu bản thân mình nhiều hơn từ đó sẽ sắp xếp và quán triệt những vấn đề mình gặp phải hằng ngày. Khi mình hiểu được bản thân thì có thể cân được cả thế giới”, anh chia sẻ.
Nguyễn Thị Thanh Hương, sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, hỏi: “Đảm đương nhiều công việc cùng một lúc sẽ rất áp lực, vậy làm thế nào để cân bằng được khi làm nhiều việc?”.
Về vấn đề này, Hamlet Trương thẳng thắn thừa nhận: “Điều Trương cảm thấy may mắn nhất cho đến thời điểm hiện tại là Trương không phải làm những việc mà mình không thích. Tất cả những việc Trương làm đều là những việc Trương thích và rất đam mê, chính vì vậy chưa bao giờ có cảm giác là mình đang làm việc. Vì công việc yêu thích luôn luôn cho mình sự hứng thú và hưng phấn. Từ đây anh mong những bạn trẻ hãy tìm được đam mê thật là sớm để có thể chọn lựa được cho mình một tương lai tốt và đúng hướng hơn”.
Những lúc mệt mỏi hãy nén mình vào một thế giới khác
Đề cập đến câu chuyện làm công việc mình đam mê, Trận Đại Minh, sinh viên Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, trăn trở: “Cả gia đình đều theo quân đội nên từ nhỏ gia đình cũng hướng cho em vào ngành này. Em có đam mê của riêng mình nhưng ba mẹ buộc em phải thi vào quân đội. Không thể cãi lời cha mẹ nên em đi thi và cũng đậu nhưng ngày nộp hồ sơ em quyết tâm đổi nguyện vọng. Lúc ba mẹ biết em chuyển nguyện vọng thì ba từ em luôn. Em không biết là theo con đường này có thành công hay không, nhưng em chắc chắn một điều là nếu không sống được với đam mê của mình thì cũng sẽ không làm gì thành công được. Em không biết mình có đi đang đi đúng đắn không, em thấy có lỗi với ba mẹ nhưng thật sự em muốn tốt cho bản thân em hơn?”.
Nghe xong câu chuyện của Minh, anh Hamlet Trương bày tỏ: “Bạn thật sự dũng cảm, đúng với một thanh niên của thế hệ mới”.
Rồi anh dẫn dụ: “Ngày xưa các bạn có nhớ câu chuyện của nàng công chúa bị lạc trong rừng, gặp bà lão và được nằm trên một lớp nệm bông rất là dày nhưng hôm sau vẫn bị đau lưng vì dưới những lớp nệm bông đó là những hạt đậu. Ước mơ đối với Trương nó cũng giống như vậy. Những lớp nệm bông cho dù mình chất lên đó rất là nhiều, nằm trên đó êm ái nhưng mà giấc mơ của mình cũng như những hạt đậu nằm dưới kia, luôn làm mình đau nhức và mình không hiểu tại sao”.
|
Hamlet Trương khuyên: “Hiện tại bạn có sự dũng cảm nhưng lại thiếu sự mềm mỏng với gia đình. Bản thân Trương ngày xưa muốn đi theo nghệ thuật cũng phải thuyết phục gia đình rất là nhiều, và cuối cùng mới đưa ra được thỏa thuận là nếu học xong bằng cử nhân thì Trương có thể làm được những điều Trương muốn làm. Nên mình nghĩ là bạn đang thiếu một bước trò chuyện thực sự với ba mẹ của mình. Không có người bố nào mà muốn từ mặt con. Tại sao bố lại cảm thấy đau khổ khi con không làm theo ý mình, vì bố cũng muốn bảo vệ mình, bản thân là con thì hãy thử một lần thật sự trò chuyện với bố mẹ để tìm ra hướng giải quyết tốt hơn”.
tin liên quan
Đừng lãng phí năng lượng tích cực
Còn Trần Thị Mỹ Ngọc, sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, thì hỏi: “Làm sao để có được thời sinh viên rực rỡ nhất và để sau này không hối tiếc điều gì?”
“Mình tặng cho bạn một chữ kết nối. Chúng ta hãy bắt đầu bằng một sự kết nối thật sự sâu sắc, cho dù chỉ cần với một người bạn, không cần là phải nói chuyện với quá nhiều người. Hãy có một người bạn thật là tuyệt vời để có thể kết nối trong mối quan hệ bạn bè đó, nếu có người yêu thì cũng tốt. Và phải có sự kết nối với một môn học mình thật sự yêu thích. Rồi kết nối thật sự với những ngày ở trên giảng đường, vì khi bước vào một ngôi trường thì mình phải thật sự hiện diện với nó, có mặt ở thực tại đó. Khi có sự kết nối được rồi thì tự bản thân sẽ thấy có động lực và dần dần về sau sẽ có muốn có nhiều những kết nối hơn nữa. Từ đó mọi thứ tự nhiên sẽ rực rỡ hơn”, anh Hamlet Trương khuyên.
“Vậy những lúc yếu lòng, mệt mỏi thì phải làm gì để vượt qua?”, Nguyễn Thị Thanh Trâm, sinh viên Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, hỏi.
Anh Hamlet Trương chia sẻ: “Thường thì Trương sẽ nén mình vào một thế giới khác như xách ba lô lên và đi đến những miền đất mới, gặp những con người mình chưa bao giờ gặp và tiếp sau đó mới có một cuộc nói chuyện sâu với một người thân nhất để được chia sẻ”.
Bình luận (0)