Hạn chế xe máy, thu phí ô tô: Khoan hãy ‘ném đá’!

28/10/2021 14:05 GMT+7

Báo cáo phương án thu phí ô tô vào nội đô của tư vấn với Sở GTVT Hà Nội đang được cho là thiếu thuyết phục. Tuy nhiên, nếu chờ vận tải công cộng phát triển mới hạn chế xe cá nhân thì càng khó khả thi hơn.

Theo kết quả xây dựng đề án "thu phí phương tiện vào nội đô nhằm giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường" mà đơn vị tư vấn đã báo cáo với Sở GTVT TP.Hà Nội, hiện nay số lượng phương tiện tham gia giao thông trên địa bàn Hà Nội đã tăng lên 6,4 triệu phương tiện, trong đó xe máy là 5,6 triệu xe và ô tô gần 1 triệu xe.

Đơn vị tư vấn cũng cho rằng, theo đề án quản lý xe cá nhân, đến năm 2030, TP.Hà Nội sẽ dừng hoạt động xe máy tại các quận nội thành. Nhưng do số lượng ô tô hiện nay đang tăng cao hơn cả xe máy, mỗi năm thêm 10,2%, nên việc đưa ra phương án thu phí xe vào nội đô để giảm lượng ô tô trong khu vực trung tâm là rất cần thiết.

Cảnh ùn tắc giờ cao điểm cuối tuyến vành đài 2 ra Ngã Tư Sở

ngọc thắng

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam, chủ trương thu phí ô tô, cấm xe máy nhằm giảm phương tiện cá nhân của Hà Nội cần giải nhiều bài toán trước khi có thể triển khai.

Về lý thuyết, để hạn chế được xe cá nhân thì Hà Nội phải có một tỷ lệ lớn phương tiện công cộng, đủ giải quyết trên 50% nhu cầu đi lại của người dân. Song hiện tại, phương tiện công cộng của Hà Nội (xe buýt gồm cả BRR) mới đáp ứng được khoảng 15% nhu cầu đi lại của người dân. Các tuyến đường sắt đô thị tới nay của thành phố vẫn chưa chính thức đi vào vận hành. Vì thế, theo chuyên gia này, đề xuất thu phí xe vào nội đô rất khó nhận được sự ủng hộ từ phía người dân.

Đơn vị tư vấn đề xuất xác định ranh giới thu phí từ vành đai 3 trở vào trung tâm. Dự kiến, xe ô tô con cá nhân là đối tượng chính chịu phí nhằm hạn chế phương tiện cá nhân, thay đổi hành vi lựa chọn phương tiện đi lại nhằm hạn chế ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trong khu vực thu phí. Taxi quan điểm ưu tiên là phương thức vận tải bán công cộng, xe tải sẽ không chịu phí hoặc với mức phí thấp. Xe ô tô khách thương mại sẽ áp dụng các mức phí khác nhau theo hướng thấp hơn so với xe con cá nhân. Xe ô tô của người dân, cơ quan, tổ chức trong khu vực thu phí có chính sách miễn giảm.

Theo ông Quyền, không nên thu phí với xe chở hàng hóa, vận tải khách vì các phương tiện này đã không được vào nội đô giờ cao điểm, nếu phải trả phí lưu thông vào giờ thấp điểm thì sẽ thành lạm thu, trong khi đây là các phương tiện phục vụ kinh doanh của người dân.

Lộ trình thực hiện rất dài

Từ góc độ khác, theo TS Lương Hoài Nam, nên có cái nhìn bình tĩnh hơn về đề xuất thu phí vào nội đô của đơn vị tư vấn gửi Sở GTVT Hà Nội. Theo ông, đề án này chỉ là một "tiểu đề án" của đề án lớn hơn là "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội gia đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030".

Đây cũng là đề án đã được HĐND Hà Nội biểu quyết thông qua vào tháng 7.2017. Để cụ thể hoá đề án trên, Sở GTVT cũng đã đặt hàng cho các đơn vị tư vấn xây dựng các đề án nghiên cứu riêng, trong đó có thu phí ô tô và dừng hoạt động xe máy ở các quận nội thành từ sau năm 2030.

Mặt khác, theo ông Nam, việc thu phí ô tô vào nội đô được đề xuất thực hiện thí điểm trên một số tuyến từ năm 2025, sau đó tổng kết tới 2030 mới triển khai toàn diện. Lộ trình sẽ cần ít nhất 5 - 10 năm tới.

Việc thu phí ô tô vào nội đô mục tiêu lớn nhất không phải là thu phí mà nhằm giảm ùn tắc giao thông, nên sẽ không thu phí tất cả xe trên mọi tuyến đường, mà chỉ thu trên những tuyến ùn tắc vào giờ cao điểm để điều tiết xe sang các tuyến khác.

Về lo ngại dựng các “trạm thu phí” như hình dung của nhiều người, theo ông Nam, sẽ không có chuyện chắn đường thu tiền, mà thu phí bằng công nghệ không dừng, ô tô sẽ phải lắp thiết bị thu phí tự động.

Chưa đủ dữ liệu nhận xét báo cáo thu phí vào nội đô khả thi hay không

Trao đổi với Thanh Niên, ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, cho biết hiện chưa thể thông tin cụ thể về đề án. Thực tế, đây không phải lần đầu tiên Hà Nội có ý tưởng hay báo cáo liên quan đến việc thu phí ô tô vào nội đô hay hạn chế xe máy. Trong hơn 10 năm qua, hàng loạt đề án, nghiên cứu đã được đưa ra sau đó xếp lại, vì vấp phải phản ứng từ dư luận.

Ngay cả đề án hạn chế xe cá nhân, dù đã được HĐND TP thông qua từ tháng 7.2017, sau hơn 3 năm, cũng mới chỉ có một báo cáo sơ bộ của đơn vị tư vấn về việc thu phí nội đô.

Theo một chuyên gia trong ngành, từ báo cáo sơ bộ của đơn vị tư vấn đến lập đề án cụ thể để xây dựng thành dự án còn trải qua rất nhiều khâu cũng như nhiều cấp duyệt, đánh giá cụ thể số lượng xe, đo lượng xe trên từng tuyến đường vào các khung giờ cao điểm, thấp điểm...

“Đánh giá đối tượng chịu tác động thế nào, mức phí dự kiến ra sao... tất cả đều chưa có, nên rất khó để nhận xét báo cáo thu phí vào nội đô khả thi hay không. Tuy nhiên, nếu đề xuất nào đưa ra cũng bị phản đối thì sẽ chẳng cơ quan quản ý nào dám nói gì hay làm gì. Với tốc độ phát triển phương tiện cá nhân nhanh như hiện nay, nếu không có các bước thực hiện ngay từ thời điểm này thì sẽ tới lúc Hà Nội hay TP.HCM, kể cả xe máy hay ô tô cũng không thể nhúc nhích nổi trên đường”, chuyên gia này nói.

Theo tư vấn, đây là loại phí mới (gọi tắt là “Phí giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường”), không nằm trong danh mục các loại phí và lệ phí. Căn cứ vào Nghị quyết số 115/2020 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù với TP.Hà Nội, để đảm bảo thực thi loại phí này cần phải xây dựng Nghị quyết trình HĐND TP thông qua.

Đơn vị tư vấn đã đưa ra 87 vị trí để lập trạm thu phí xe vào nội đô, ranh giới để xác định giữa khu vực nội đô và ngoại thành là đường vành đai 3 đã được khép kín, bao gồm các tuyến đường, cầu đã được cơ quan tư vấn lên danh sách: Vành đai 3 (dưới thấp) - cầu Thanh Trì - Pháp Vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - Tây Hồ Tây - Võ Chí Công - cầu Nhật Tân - Hoàng Sa - Trường Sa - Lý Sơn - Nguyễn Văn Linh - Vành đai 3.

Thời gian đề xuất thu phí xe vào nội thành là ban ngày, từ 5 giờ đến 21 giờ, trong đó có phân biệt mức phí giữa giờ cao điểm và giờ thấp điểm. Phương án thu dự kiến theo 3 giai đoạn: từ năm 2021 - 2025 nghiên cứu, hoàn thiện đề án và các điều kiện triển khai thu phí. Từ năm 2025 - 2030 xây dựng dự án và tổ chức thí điểm thực hiện thu phí điểm tại một số vị trí, sau đó có tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm. Từ năm 2030 xây dựng dự án và bổ sung các điểm thu phí theo danh sách để dần khép kín vành đai thu phí theo mục tiêu của đề án. Công nghệ thu phí hiện đại không dừng, đồng bộ với hệ thống thu phí quốc lộ và cao tốc hiện nay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.