Duy Xuyên là một trong những địa bàn chịu ảnh hưởng nặng nề. Vụ hè thu 2020, toàn huyện dự kiến sản xuất hơn 3.500 ha lúa, nhưng từ tháng 5 nắng nóng gay gắt và lượng mưa cũng thấp hơn trung bình nhiều năm từ 10 - 25% nên gây ra mối đe dọa về lưu lượng dòng chảy trên sông Thu Bồn thiếu hụt từ tháng 5 đến tháng 9. Hơn 1.500 ha lúa đang nằm trong nhóm nguy cơ bị bỏ hoang. Ông Trần Huy Tường, Trưởng phòng
NN-PTNT H.Duy Xuyên, cho biết để ứng phó với hạn mặn, địa phương đã chuẩn bị hơn 3 tỉ đồng trữ nhiên liệu và mua máy móc cần thiết khác cho các trạm bơm. “Nếu trong thời gian tới không có mưa, các hồ chứa trên địa bàn không cung cấp đủ nước thì sẽ phải huy động các trạm bơm lấy nước từ sông Thu Bồn. Trong trường hợp vẫn không đủ nước, đành phải chấp nhận cắt một số diện tích”, ông Tường nói.
TX.Điện Bàn cũng dự tính gieo trồng khoảng 5.400 ha lúa hè thu. Theo ông Nguyễn Đức Chơi, Trưởng phòng NN-PTNT TX.Điện Bàn, độ nhiễm mặn trên các sông có thời điểm đã lên rất cao. Để ứng phó, địa phương cho đắp 2 đập ngăn mặn ở P.Điện Ngọc và gần cầu Câu Lâu.
Ông Đỗ Văn Tùng, Giám đốc Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Quảng Nam, cho biết từ cuối năm 2019, nhiều hồ chứa trên địa bàn Quảng Nam không tích đầy nước vì mưa rất ít. “Nếu trong thời gian tới không có mưa, lượng nước các hồ này cung cấp không đủ, chúng tôi sẽ phải cắt giảm 460 ha. Những diện tích này nếu không chuyển đổi qua cây trồng khác vì thiếu nguồn nước thì đành phải bỏ hoang”, ông Tùng nói.
Ông Trương Xuân Tý, Phó giám đốc Sở NN-PTNT, cũng xác nhận nếu tình hình thời tiết cực đoan tiếp tục kéo dài và không có mưa bổ sung thì nhiều địa phương đối diện nỗi lo lớn về nguồn nước. Đáng chú ý, 17 hồ chứa có quy mô vừa và lớn thuộc sự quản lý của Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Quảng Nam hiện mới trữ nước đạt 71% dung tích thiết kế. Trong tổng số 56 hồ chứa nhỏ do chính quyền các địa phương quản lý, nhiều hồ cũng xuống thấp.
Nắng nóng kết hợp với thủy triều dâng cũng làm gia tăng nguy cơ mặn xâm nhập sâu vào hạ lưu các con sông Vu Gia, Thu Bồn, Vĩnh Điện, Bàn Thạch, Bà Rén... với nồng độ rất cao. Để triển khai cấp bách các biện pháp phòng chống hạn và xâm nhập mặn, địa phương khuyến khích sử dụng những giống lúa ngắn và trung hạn có sức chịu hạn tốt; phối hợp với các nhà máy thủy điện xây dựng kế hoạch vận hành phù hợp; tính toán, xây dựng bài bản kế hoạch cấp nước tưới phù hợp tại các hồ thủy lợi… “Vụ hè thu 2020, toàn tỉnh sẽ sản xuất 42.000 ha lúa. Nếu không có mưa bổ sung, mặn xâm nhập sâu thì có đến khoảng 10.000 ha cần phải thực hiện các biện pháp chống hạn, xâm nhập mặn”, ông Tý nói.
Bình luận (0)