Đây là thông tin đáng chú ý được đưa ra tại hội thảo "Sống chung với hạn mặn vùng ĐBSCL" do Báo Tiền Phong phối hợp cùng Đại học Cần Thơ tổ chức ngày 27.3.
Hạn, mặn khó lường… không thể chủ quan
Ông Lê Ngọc Quyền, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ (Tổng cục Khí tượng, Bộ TN-MT) cho biết, từ nửa cuối tháng 12.2023 tới nay, ĐBSCL gần như không mưa. Cũng từ tháng 12.2023 đến nay, nhiều đợt xâm nhập mặn tiếp tục xảy ra, trong đó đỉnh điểm là tháng 3 với ranh mặn 4‰ vào sâu 40-66 km, có nơi sâu hơn. Tính đến nay, mức độ xâm nhập mặn ở Sóc Trăng, Long An, Trà Vinh, Tiền Giang phổ biến cao hơn trung bình nhiều năm, xấp xỉ năm 2016, năm được xem là hạn mặn kỷ lục ở ĐBSCL. Riêng tại tỉnh Bến Tre, trên sông Cổ Chiên, mặn đã lấn sâu hơn năm 2016.
Ở Cà Mau, ông Đỗ Minh Điền, Chi cục phó Chi cục Thủy lợi (Sở NN-PTNT) thông tin: "Cà Mau là tỉnh duy nhất trong 13 tỉnh ĐBSCL không có nguồn nước ngọt bổ sung. Do vậy tình trạng thiếu nước sinh hoạt, sản xuất, sụt lún, khó khăn trong vận chuyển hàng hóa càng trầm trọng. Tại vùng nam Cà Mau, khi hạn hán kéo dài thì độ mặn tăng cao trên các dòng kênh, làm giảm năng suất nông nghiệp, đặc biệt như nuôi tôm".
Ngay TP.Cần Thơ dù cách xa biển 80km nhưng ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ thừa nhận, thành phố luôn phải cảnh giác với tình hình hạn mặn đã và đang diễn ra khắp ĐBSCL. Khoảng 15 năm trở lại đây, TP.Cần Thơ ghi nhận có 2 đợt xâm nhập mặn theo đường sông Hậu vào đến cảng Cái Cui thuộc phường Tân Phú, quận Cái Răng (giáp ranh tỉnh Hậu Giang) vào năm 2016 và 2020. "Điều này cho thấy tác động của biến đổi khí hậu, tác động của thiên tai cả nhân tai ngày càng cực đoan, gay gắt, không theo quy luật và xâm nhập mặn ngày càng khó lường", ông Hè nói.
Những con số thiệt hại khổng lồ
Thông tin tại hội thảo, nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập Báo Tiền Phong nhận định: Hạn hán, xâm nhập mặn đang là vấn đề nóng và cấp thiết tại ĐBSCL. Nhưng nhìn rộng hơn, trong một thập kỷ qua, ĐBSCL đã trải qua 3 mùa khô có mức độ hạn, mặn rất nghiêm trọng là các năm 2025-2016, 2019-2020 và 2023-2024. Theo nhận định của các chuyên gia, chúng ta có thể phải đối mặt với nhiều mùa hạn mặn khốc liệt như năm nay hoặc hơn thế nữa trong tương lai.
Mới đây, các nhà khoa học của Viện Khoa học Tài nguyên nước tiến hành nghiên cứu, lập bản đồ thiệt hại do xâm nhập mặn gây ra tại khu vực ĐBSCL. Kết quả cho thấy, với kịch bản hiện trạng, tổng mức thiệt hại do xâm nhập mặn ở ĐBSCL khoảng 70.168 tỉ đồng. Đây là thiệt hại gây ra với hoạt động sản xuất gồm cây ăn quả, hoa màu, lúa và thủy sản. Các nhà khoa học cũng xây dựng kịch bản thiệt hại do xâm nhập mặn tại ĐBSCL ở các năm 2030, năm 2040 và năm 2050 với mức thiệt hại lần lượt 72.385 tỉ đồng, 73.530 tỉ đồng và 76.485 tỉ đồng.
Chia sẻ về nguyên nhân hạn mặn gay gắt, PGS - TS Nguyễn Hiếu Trung, Phó hiệu trưởng Đại học Cần Thơ nói: Những năm gần đây, hạn, mặn thường diễn biến khá phức tạp, xâm nhập sâu vào các hệ thống kênh rạch, với độ mặn lớn nhất thường xuất hiện chủ yếu vào tháng 4 hoặc tháng 5 do ảnh hưởng của thủy triều ở Biển Đông và Biển Tây cũng như tình trạng suy giảm của nguồn nước đến từ thượng nguồn.
Bên cạnh đó, do biến đổi khí hậu nên lượng mưa giảm, lượng nước bị bốc hơi cao cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình hạn hán, xâm nhập mặn. Tuy nhiên, ngoài một số yếu tố tự nhiên thì yếu tố con người cũng góp phần không nhỏ gây ra xâm nhập mặn. Việc quản lý và khai thác nguồn tài nguyên nước dưới đất chưa phù hợp, dẫn đến tình trạng sụt lún đồng bằng cũng như tình trạng khai thác cát lòng sông dẫn đến tình trạng hạ thấp đáy sông đã tạo điều kiện thuận lợi cho cho mặn xâm nhập sâu trong nội đồng. Việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất không phù hợp cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc đưa nước mặn vào sâu trong nội đồng.
Trong khi đó, ông Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam nêu thực trạng: "Hạn mặn và phèn đang gây ra một nghịch lý ở ĐBSCL đó là sống trên nước nhưng lại thiếu nước". Cụ thể với khoảng 18.000 - 19.000 giếng khoan khắp đồng bằng đã khiến cho nước mặn ngấm xuống tầng nước ngầm, nước ngầm không còn là của để dành. Câu hỏi khó là mặn bao lâu, độ mặn thế nào, cần phải có những tính toán tổng thể để đảm bảo nước cung cấp nước cho cả dân cư đô thị, công nghiệp, sinh hoạt và sản xuất.
Xưa sống chung với lũ thì nay sống với hạn, mặn
Theo TS Trần Hữu Hiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, nhìn lại lịch sử ĐBSCL có thể thấy ngay từ đầu người dân đã chọn sống chung với tự nhiên nhưng tùy thời điểm nhận thức và có giải pháp thích ứng. "Chúng ta một thời sống chung với lũ và bây giờ sống chung với hạn mặn, nhưng sống chung thế nào phải từ yêu cầu thực tiễn và có giải pháp thích ứng thuận thiên", ông Hiệp chia sẻ.
Từ thực tiễn, ông Hiệp cho rằng nên tập trung vào "3 cần - 4 có". Đó là, cần có dự báo sớm, ngoài các kênh thông tin, mạng xã hội để tiếp cận đến mọi người dân; chủ động thích ứng; xem hạn hán xâm nhập mặn là đặc tính chu kỳ và có thể có đề xuất để xây dựng kịch bản kinh tế, tổ chức đời sống dân cư cho phù hợp và tăng cường liên kết vùng giữa các địa phương. Bốn có, như công bố cập nhật thường xuyên bản đồ hạn mặn; chủ động điều tiết hệ thống thủy lợi theo cơ chế vận hành nghiêm ngặt. Bên cạnh những giải pháp cấp bách, xử lý tình huống thì cần giải pháp công trình, nhưng phải đặt ra yêu cầu nguyên tắc "không hối tiếc"; tăng cường hợp tác quốc tế, tận dụng định chế của Ủy hội sông Mekong…
Ông Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam (Bộ NN-PTNT) cũng cho rằng: "Cần xem hạn mặn đã là thuộc tính của ĐBSCL, xảy ra hằng năm, chỉ khác nhau là cao hay thấp. Cần quan tâm công tác dự báo, để chủ động. Cùng với đó là chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, giải pháp công trình hỗ trợ, phục vụ nhu cầu chuyển đổi, để không phải lo đi chống hạn mặn".
Dẫn Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL, nhà báo Lê Xuân Sơn, nhấn mạnh quan điểm thuận thiên. Trong đó chỉ ra, việc phát triển vùng ĐBSCL phải tôn trọng quy luật tự nhiên và phát triển bền vững với phương châm chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn; nghiên cứu, xây dựng các kịch bản và có giải pháp ứng phó hiệu quả với thiên tai như bão, lũ, hạn mặn, với các tình huống bất lợi nhất do biến đổi khí hậu và phát triển thượng nguồn sông Mê Kông… "Các ý kiến từ đại diện các cơ quan, các địa phương, chuyên gia và doanh nghiệp tại hội thảo hôm nay sẽ được ban tổ chức tập hợp gửi đến các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý nhằm góp phần giúp ĐBSCL thích ứng với hạn mặn gây ra", ông cho biết.
Hạn mặn kéo dài tới tháng 5
Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ dự báo, nắng nóng vẫn gay gắt, lượng nước bốc hơi mạnh, nguồn nước từ thượng nguồn thấp nên mặn vẫn tiếp tục xảy ra tại các tỉnh ĐBSCL. Từ nay đến cuối tháng 5, ĐBSCL còn diễn ra các đợt xâm nhập mặn tăng cao. Do đó, việc theo dõi, dự báo để có giải pháp phối hợp ứng phó với hạn mặn ĐBSCL cần được quan tâm, để các tỉnh thành chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, phát triển kinh tế và an sinh xã hội trong toàn khu vực.
Bình luận (0)