“Tôi không thể sống theo cách này, làm việc trên 20 giờ một ngày, ngủ chỉ 2 - 3 tiếng đồng hồ rồi lại đi làm tiếp”. Đó là nội dung thư tuyệt mệnh của nhà sản xuất phim Lee Han-bit để lại trước khi tự sát hồi tháng 10.2016 ở tuổi 27, theo tờ The Korea Herald (Hàn Quốc).
Vào thời điểm kết liễu đời mình, Lee vừa hoàn thành một dự án phim dài tập trên truyền hình. Trường hợp của anh được các nghiệp đoàn lao động của Hàn Quốc và giới truyền thông nhắc lại trong đợt đánh giá hơn 3 tháng thực thi đạo luật mới về giới hạn giờ làm việc để bảo vệ người lao động.
Cũng như ở Nhật Bản, hiện tượng chết vì làm việc quá sức, được gọi là “gwarosa”, đã gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội và nền kinh tế Hàn Quốc trong nhiều thập niên qua. Tờ The New York Times dẫn số liệu từ chính phủ cho thấy mỗi năm tại nước này có khoảng 1.000 trường hợp tự sát hoặc tử vong liên quan đến áp lực công việc. Luật sư Kim Woo-tark, chuyên hỗ trợ các gia đình đòi bồi thường cho trường hợp người thân chết do làm việc quá mức, nhận định gwarosa là tàn dư của Chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953). “Vì Hàn Quốc phải nhanh chóng tự đứng dậy sau chiến tranh nên tạo ra mô hình làm việc buộc lao động nỗ lực hết sức mình. Mô hình này dần trở thành văn hóa, phong tục và cả áp lực xã hội đè lên vai từng cá nhân, đặc biệt là nam giới”, ông Kim nói với CNN.
Theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Hàn Quốc là nước có tỷ lệ tự sát lẫn số giờ làm việc trung bình một tuần cao thứ hai trong số 36 quốc gia thành viên nhưng hiệu quả lao động chỉ xếp thứ ba từ dưới lên. “Xã hội Hàn Quốc yêu cầu người đàn ông trụ cột gia đình phải làm việc đến kiệt sức và không được kêu ca. Mọi người nghĩ rằng làm việc với thời gian dài mới cho ra năng suất cao”, CNN dẫn lời bà Park Hyun-suk ngậm ngùi nói. Chồng bà là ông Chae Soo-hong đột quỵ và qua đời ngay trong văn phòng hồi tháng 8.2017 sau khi phải làm việc tổng cộng hơn 180 giờ trong 3 tuần liên tiếp.
Khi lên cầm quyền vào tháng 5.2017, Tổng thống Moon Jae-in cam kết khống chế giờ làm và cải thiện điều kiện lao động. Đến tháng 7.2018, chính phủ Hàn Quốc bắt đầu thực thi luật mới giới hạn giờ làm việc từ 68 giờ xuống còn 52 giờ/tuần, trong đó có 12 giờ làm thêm được trả tiền. “Đây sẽ là cơ hội quan trọng để biến một xã hội làm việc quá mức sang xã hội dành thời gian cho gia đình”, Yonhap dẫn lời Tổng thống Moon nhấn mạnh. Bên cạnh đó, thống kê cập nhật từ Bộ Lao động Hàn Quốc cho thấy nước này có thêm khoảng 43.000 công việc mới vì nhiều công ty phải thuê thêm người chứ không còn ép nhân sự hiện hữu làm thêm giờ.
Tuy nhiên, không phải tất cả doanh nghiệp đều tuân thủ luật mới. Trong đó, giới chức bị cho là “mắt nhắm mắt mở” đối với ngành bưu chính, vốn chịu áp lực rất lớn để phục vụ giao nhận hàng cho nền thương mại điện tử cực kỳ sôi động ở Hàn Quốc. Anh Jeong Hak-dong, nhân viên bưu điện ở TP.Ilsan (tây bắc thủ đô Seoul), cho CNN hay: “Thực tế thì chúng tôi vẫn làm từ 8 giờ sáng đến 20 giờ mỗi ngày mà vẫn không hết việc”.
Bình luận (0)