Tại hội nghị của Ủy ban Đánh bắt Cá voi Quốc tế (IWC) diễn ra ở Panama hôm 4.7, chính phủ Hàn Quốc đã thông báo sẽ tiến hành đánh bắt loài cá này nhằm phục vụ cho nghiên cứu “khoa học”.
Được biết, một quy định của IWC ký kết vào năm 1986 cho phép đánh bắt cá voi với mục đích nghiên cứu khoa học và thịt của những con cá bị đánh bắt sẽ được đem ra tiêu thụ sau đó.
Nhật Bản là quốc gia đang khai thác triệt để “lổ hổng pháp lý” này.
Nhiều nước chỉ trích Seoul dựa vào cớ “nghiên cứu khoa học” để đánh bắt cá voi với mục đích thương mại. Úc và New Zealand đã bày tỏ quan ngại về quyết định nói trên của Hàn Quốc.
Thủ tướng Úc Julia Gillard nói với phóng viên trong nước rằng bà "rất thất vọng với quyết định của Hàn Quốc” và cho biết Úc “hoàn toàn phản đối việc đánh bắt cá voi”.
Ngoại trưởng New Zealand Murray McCully thì phát biểu rằng không nhất thiết phải sát hại cá voi mới có thể tiến hành các cuộc nghiên cứu.
Tổ chức Hòa bình xanh miêu tả việc đánh bắt cá voi nhằm mục đích nghiên cứu khoa học chính là “sự ngụy trang cho việc đánh bắt thương mại”.
|
Trưởng đoàn Hàn Quốc tham dự hội nghị IWC, ông Kang Joon-Suk, cho biết việc tiêu thụ thịt cá voi “phổ biến trong lịch sử” nước mình và số lượng cá voi mũi nhọn (minke whale) đã được phục hồi đáng kể từ năm 1986.
Hàn Quốc cho biết sẽ thông báo về số lượng và thời điểm đánh bắt cá voi trong vùng biển nước mình, nhưng khẳng định họ không cần sự cho phép của các quốc gia khác.
Được biết, theo quy định, quyết định của Hàn Quốc phải chờ IWC xem xét, nhưng dường như nước này phớt lờ quy định này.
Hoàng Uy
>> Phục dựng bộ xương cá voi lớn nhất VN
>> Phát hiện nghĩa địa cá voi 2 triệu năm tuổi
>> Lợi ích vô vàn từ xác cá voi
>> Săn bắn cá voi: Nhật và Úc lại căng thẳng
>> Nhật Bản: Hamburger cá voi đắt hàng
>> Chiến tranh cá voi tại Hàn Quốc
>> Na Uy vào mùa săn cá voi
Bình luận (0)