Nhà máy điện hạt nhân Barakah do Hàn Quốc xây tại Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) vào năm 2009 |
ảnh chụp màn hình hankyung |
Hãng Yonhap ngày 31.10 đưa tin Hàn Quốc và Ba Lan vừa ký thỏa thuận nhằm xúc tiến kế hoạch xây một nhà máy điện hạt nhân ở Ba Lan, mở ra hy vọng xuất khẩu nhà máy điện hạt nhân lần đầu tiên trong hơn 1 thập niên của Hàn Quốc.
Theo Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc, Công ty Điện hạt nhân và Thủy điện Hàn Quốc (KHNP) và tập đoàn năng lượng tư nhân Ba Lan ZE PAK cùng công ty điện nhà nước Ba Lan PGE đã ký bản ghi nhớ tại Seoul.
Theo đó, các bên sẽ cùng nhau làm việc về kế hoạch phát triển một nhà máy điện hạt nhân tại Patnow. Khu vực này nằm cách Warsaw khoảng 240 km về phía tây và việc xây dựng dựa trên công nghệ APR1400, mô hình lò phản ứng thế hệ tiếp theo do Hàn Quốc phát triển, với công suất lớn hơn, tuổi thọ cao hơn và tiết kiệm chi phí.
Ba Lan sẽ mua vũ khí Hàn Quốc nào sau khi viện trợ quân sự Ukraine? |
Các bên dự định sẽ đưa ra kế hoạch phát triển sơ bộ cho việc xây dựng trước thời điểm cuối năm nay.
Thỏa thuận được ký kết vài ngày sau khi Ba Lan chọn công ty năng lượng hạt nhân Mỹ Westinghous xây một nhà máy điện hạt nhân khác, nơi KHNP và công ty EDF của Pháp cũng dự thầu.
Nếu đạt thỏa thuận sau cùng cho dự án Patnow, đây sẽ là lần đầu tiên Hàn Quốc xuất khẩu nhà máy điện hạt nhân kể từ dự án Barakah năm 2009 tại Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE).
Bộ Công nghiệp Hàn Quốc còn ký với Bộ Tài sản nhà nước Ba Lan một bản ghi nhớ về việc tích cực hỗ trợ dự án và thúc đẩy hợp tác song phương trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân.
“Việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Patnow có thể hỗ trợ chương trình năng lượng hạt nhân của Ba Lan, vốn trọng yếu đối với chúng tôi trên quan điểm quốc gia”, theo ông Jacek Sasin, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài sản nhà nước Ba Lan.
Việc nghiên cứu tính khả thi cho thỏa thuận dự kiến sẽ mất khoảng 1 năm và thỏa thuận có thể trị giá tối thiểu khoảng 7 tỉ USD, theo một nguồn tin.
Chính phủ Hàn Quốc cam kết thúc đẩy lĩnh vực năng lượng hạt nhân bằng cách đảo ngược chính sách của chính phủ tiền nhiệm, đồng thời đặt mục tiêu xuất khẩu 10 lò phản ứng hạt nhân trước năm 2030.
Bình luận (0)