Hàn Quốc-Triều Tiên tiếp tục đàm phán giải quyết căng thẳng

23/08/2015 09:54 GMT+7

(TNO) CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc nhất trí tiến hành vòng đàm phán thứ hai vào hôm nay 23.8 sau cuộc đàm phán kéo dài gần 10 giờ trong ngày 22.8 nhằm giải quyết những bất đồng có thể đẩy hai nước đến bờ vực chiến tranh.

(TNO) CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc nhất trí tiến hành vòng đàm phán thứ hai vào hôm nay 23.8 sau cuộc đàm phán kéo dài gần 10 giờ trong ngày 22.8 nhằm giải quyết những bất đồng có thể đẩy hai nước này đến bờ vực chiến tranh.

Binh lính Hàn Quốc canh gác lối vào khu vực Bàn Môn Điếm, ngày 22.8.2015 - Ảnh: Reuters
Cuộc đàm phán diễn ra tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm ở khu vực biên giới hai nước bắt đầu vào chiều ngày 22.8, ngay sau khi kết thúc thời hạn 48 giờ Triều Tiên đưa ra, yêu cầu Hàn Quốc phải chấm dứt chiến dịch tuyên truyền bằng loa phóng thanh dọc theo biên giới hai nước, nếu không Bình Nhưỡng sẽ có hành động quân sự trả đũa, theo AFP.
Cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Kim Kwan-jin và Cố vấn an ninh quốc gia Triều Tiên Hwang Pyong-so dẫn đầu phái đoàn đàm phán hai bên.
Hai bên nhất trí tạm nghỉ vào rạng sáng ngày 23.8 sau gần 10 giờ thảo luận và tiếp tục cuộc đàm phán vào lúc 15 giờ (tức 13 giờ theo giờ VN) cùng ngày nhằm “làm hạn chế những bất đồng”, ông Min Kyung-wook, người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc, cho biết.
“Hai phía đã thảo luận nhiều biện pháp nhằm giải quyết tình hình căng thẳng hiện tại và cải thiện quan hệ liên Triều”, ông Min nói.
Các nhà phân tích dự đoán hai bên khó đạt được bất kỳ thỏa hiệp nào vì cả hai đề sợ mất mặt, nhất là điều kiện hai phía đưa ra, theo AFP.
Seoul từng tuyên bố sẽ tắt các loa phát thanh tuyên truyền chống Triều Tiên, với điều kiện Bình Nhưỡng xin lỗi về vụ lính Triều Tiên bị cáo buộc cài mìn ở khu vực biên gới khiến hai lính biên phòng Hàn Quốc trong lúc đi tuần tra biên giới bị thương nặng mới đây.
Triều Tiên thì bác bỏ cáo buộc của Hàn Quốc về vụ nổ mìn biên giới và cáo buộc Hàn Quốc tự tô vẽ chứng cứ trong vụ việc này.
“Để hai bên đạt được thỏa hiệp rõ ràng là điều khó khăn, nhưng ít nhất họ đã nhất trí mở lại đàm phán”, giáo sư Hàn Quốc Yang Moo-jin, chuyên nghiên cứu về Triều Tiên, nhận định.
Theo chỉ đạo của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, quân đội Triều Tiên được đặt vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu kể từ ngày 21.8, sau khi Hàn Quốc-Triều Tiên nã pháo qua lại ở khu vực biên giới vào ngày 20.8 (nhưng không có thương vong). Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Triều Tiên ngày 22.8 cảnh báo tình hình “đạt tới mức bên bờ vực chiến tranh” và “khó có thể kiểm soát”.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA sáng 23.8 đưa tin trên 1 triệu thanh niên ở khắp Triều Tiên sẵn sàng gia nhập quân đội để chiến đấu. Tuy nhiên chính quyền Hàn Quốc lại cho biết chính phía Triều Tiên đưa ra đề nghị đàm phán trước.
Hàng ngàn người dân Hàn Quốc sống gần biên giới hoặc gần những đơn vị tuyên truyền của quân đội đã được lệnh sơ tán sau vụ nã pháo hôm 20.8. Người dân Hàn Quốc mặc dù biết được thông tin về tình hình căng thẳng hai bên nhưng hiện không có dấu hiệu nào cho thấy họ hoảng loạn hay sợ hãi trước nguy cơ chiến tranh giữa hai bên, theo AFP.
Về mặt lý thuyết, Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn còn trong tình trạng chiến tranh, vì cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953) kết thúc bằng thỏa thuận ngừng bắn, chứ không phải bằng hiệp ước hòa bình.
Liên Hiệp Quốc (LHQ) theo dõi sát sao tình hình căng thẳng Hàn Quốc-Triều Tiên. Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã kêu gọi hai bên kiềm chế; và Mỹ đề nghị Bình Nhưỡng tránh có thêm những hành động làm gia tăng căng thẳng.
Theo AFP, có gần 30.000 lính Mỹ đang đồn trú tại Hàn Quốc, và quân đội Mỹ hôm 22.8 tái khẳng định cam kết của Washington về việc bảo vệ đồng minh Seoul. Trung Quốc, đồng minh của Triều Tiên, cũng lên tiếng kêu gọi hai bên kiềm chế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.