Báo cáo về việc thiếu hụt máy bay tại hội nghị giao ban công tác quý I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm quý II/2024 của Bộ GTVT chiều 1.4, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này.
Thứ nhất do lỗi sản xuất động cơ, nhà sản xuất phía Mỹ đã ra lệnh triệu hồi tàu bay Airbus A321 neo. Theo đó, có 42 máy bay của 2 hãng hàng không Vietjet và Vietnam Airlines trong diện triệu hồi.
Đến nay đã có 22 máy bay của các hãng đã tháo động cơ và kiểm tra sửa chữa. Trong năm nay, 42 máy bay A321 neo của hai hãng sẽ phải dừng toàn bộ.
Theo kế hoạch nhà sản xuất, động cơ tháo đi, bảo dưỡng, thay thế trung bình 18 tháng sau khi tháo khỏi máy bay. Thời gian bảo dưỡng kéo dài hết năm 2026, thậm chí sang đến năm 2027.
Hãng bay than khó thuê máy bay dù đang thiếu | CDKT
Bên cạnh đó, các hãng hàng không thua lỗ nặng, phải đàm phán, tái cơ cấu nợ. Các chủ nợ quyết định rút tàu ra và cho thuê giá cao, khiến Pacific Airlines phải trả hết máy bay, trong khi Bamboo Airway cũng chỉ còn 5 chiếc.
Nguyên nhân thứ 3 do nhiều máy bay phải bảo dưỡng định kỳ sau dịp cao điểm Tết 2024. Theo tính toán, cao điểm hè năm nay, tải cung ứng cần khoảng 24 - 26 triệu ghế. Với cách vận hành thông thường, số máy bay còn thiếu để phục vụ đợt cao điểm dự kiến thiếu từ 24 - 26 chiếc.
Đáng chú ý, theo lãnh đạo Cục Hàng không, hiện việc thuê máy bay vừa khan hiếm, vừa tăng giá. Nếu thời điểm trước Tết, giá thuê máy bay A321 là 2.300 USD/giờ thì hiện tại con số này đã chạm ngưỡng 4.000 USD/giờ. "Các hãng dù tích cực đàm phán cũng rất khó thuê", ông Thắng cho hay.
Về giải pháp khắc phục, để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, Vietnam Airlines đã cam kết sẽ thêm số lượng thời gian trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 9.2024.
Ngoài ra, trong khoảng tháng 7 đến tháng 9, Vietjet cũng sẽ tăng số lượng tàu bay. Một số giải pháp sẽ được tính toán thêm như tăng thời gian khai thác, giảm thời gian quay đầu. Đơn cử, máy bay A320, A321 của Vietnam Airlines đang có thời gian khai thác bình quân 9 - 10 tiếng/ngày, Vietjet khoảng 12 - 13 tiếng/ngày, thời gian này sẽ được tính toán, điều chỉnh.
Thời gian quay đầu ở sân bay của tàu bay A321 cũng sẽ nghiên cứu kéo giảm từ 45 phút xuống khoảng 30 - 35 phút. Phương án đưa tàu bay thân rộng vào khai thác nội địa cũng sẽ được tính toán đến dù rất tốn kém.
Giá vé máy bay chưa "chạm trần"
Tại cuộc họp, ông Đặng Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines, cho biết ngay tháng 5 tới đây, hãng sẽ tiếp nhận máy bay thân rộng thứ 30 là dòng Boeing 787-10.
Đến tháng 7, Vietnam Airlines sẽ tiếp nhận thêm một tàu bay, nâng tổng số tàu bay lên 31 chiếc. Hãng bay này cũng đang cố gắng tính toán đưa 4 tàu bay thuê ướt (thuê máy bay cùng phi hành đoàn hoàn chỉnh) vào dịp cao điểm hè.
Đáng chú ý, theo đại diện Vietnam Airlines, tính đến hết quý 1/2023, giá vé bình quân toàn mạng nội địa của Vietnam Airlines chỉ đạt 76% trong khung giá, dưới mức giá trần khá xa. Đơn cử, giá vé chặng Sài Gòn - Vân Đồn chỉ đạt khoảng 43%, chặng Sài Gòn - Phú Quốc chỉ đạt 83% so với giá trần.
Ở một số thời điểm, có tình trạng giá vé cao so với những năm trước đây, nhưng các hãng đều phải cân đối giá vé, chưa tăng tối đa để đảm bảo hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và quyền lợi của người dân.
Theo Thông tư 34/TT-BGTVT, với đường bay từ 500 km đến dưới 850 km có mức giá trần là 2,25 triệu đồng/vé/chiều (giá cũ là 2,2 triệu đồng/vé/chiều).
Đường bay có khoảng cách từ 850 km đến dưới 1.000 km có giá vé tối đa là 2,89 triệu đồng/vé/chiều (giá cũ là 2,79 triệu đồng/vé/chiều). Đường bay từ 1.000 km đến dưới 1.280 km có giá trần là 3,4 triệu đồng/vé/chiều (giá cũ là 3,2 triệu đồng/vé/chiều).
Đường bay có khoảng cách từ 1.280 km trở lên là 4 triệu đồng/vé/chiều (giá cũ là 3,75 triệu đồng/vé/chiều). Mức giá tối đa đã bao gồm toàn bộ chi phí hành khách phải trả cho một vé máy bay, trừ thuế giá trị gia tăng và các khoản thu hộ cho cảng hàng không (bao gồm giá phục vụ hành khách và giá đảm bảo an ninh hành khách, hành lý; khoản giá dịch vụ với các hạng mục tăng thêm).
Bình luận (0)