Hãng bay Việt gánh thêm chi phí hàng chục nghìn USD/tuần do vùng cấm bay qua Nga

26/03/2022 12:55 GMT+7

Chiến sự Nga - Ukraine khiến nhiên liệu cũng như chi phí bay của các hãng hàng không tăng vọt.

Báo cáo Bộ GTVT, Cục Hàng không cho biết, chiến sự Nga - Ukraine kéo theo việc EU, Mỹ, Anh, Canada đóng cửa bầu trời với Nga bao gồm cả việc cất hạ cánh và bay qua không phận các nước. Nga cũng có các động thái tương tự với các quốc gia này.

Dù không liên quan trực tiếp, song các hãng hàng không Việt Nam cũng phát sinh chi phí vài chục đến hơn 100.000 USD/tuần do ảnh hưởng vùng cấm bay bởi chiến sự Nga - Ukraine

CAA

Việc này gây ảnh hưởng trực tiếp lên hành khách, các hãng hàng không và làm tăng chi phí bay, do máy bay phải thay đổi lộ trình khai thác, phát sinh các vấn đề bảo hiểm, thanh toán, dự phòng rủi ro...

Mới nhất, Vietnam Airlines đã công bố tạm dừng khai thác đường bay đi, đến Nga. Vietnam Airlines và Bamboo Airways đang khai thác các đường bay đi châu Âu và Mỹ, có sử dụng các đường bay không lưu quá cảnh qua Nga. Việc cấm các hãng hàng không khai thác các đường bay không lưu qua Nga, khiến hoạt động khai thác của 2 hãng bị tác động lớn.

Cụ thể, các chuyến bay đi, đến châu Âu phải thay đổi đường bay tránh Nga qua Trung Quốc, Kazakhstan hoặc qua Bắc Phi.

Thời gian bay dự kiến tăng thêm từ 60 phút/chuyến bay đến 120 phút/chuyến bay, kéo theo chi phí phát sinh từ khoảng 10.600 USD/chuyến bay đến 21.200 USD/chuyến bay.

Vietnam Airlines đang khai thác 6 chuyến bay mỗi tuần giữa Việt Nam và châu Âu, như vậy chi phí phát sinh khoảng từ 70.000 - 130.000 USD mỗi tuần, Bamboo Airways khai thác 3 chuyến mỗi tuần giữa Việt Nam và châu Âu, chi phí phát sinh từ 35.000 - 65.000 USD mỗi tuần.

Các chuyến bay đi, đến Mỹ phải điều chỉnh đường bay tránh không phận Nga kéo dài thời gian bay từ 20 - 30 phút/chuyến bay tùy từng giai đoạn khai thác. Vietnam Airlines đang khai thác 4 chuyến bay/tuần đi Mỹ, dự kiến chi phí phát sinh khoảng 20.000 - 40.000 USD mỗi tuần tùy từng giai đoạn.

Các hãng hàng không cũng gặp khó khăn do không sử dụng được sân bay dự bị trong lãnh thổ Nga. Sự thiếu hụt nguồn cung từ Nga và Ukraine cũng làm tăng giá nhiên liệu, làm tăng thêm gánh nặng chi phí.

Ngoài ra, việc cấm vận hàng không dẫn đến các hãng hàng không phải chọn đường bay dài hơn, chi phí tăng, áp lực gia tăng lên hệ thống vận chuyển logistics toàn cầu và giá cả hàng hóa.

Chưa rõ thời điểm bay lại Nga

Đáng chú ý, theo Cục Hàng không, Vietnam Airlines khai thác máy bay thân rộng A350/B787 đến Nga. Tuy nhiên, gần 80% đội máy bay thân rộng của hãng là đi thuê. Tất cả các hợp đồng thuê máy bay đều có các quy định chung về nguyên tắc bên thuê không được khai thác đến các nước và vùng đang bị cấm vận, chịu lệnh trừng phạt của Mỹ và EU nếu việc khai thác này dẫn đến vi phạm của các bên liên quan của hợp đồng đối với lệnh cấm vận, trừng phạt nói trên.

Theo Cục Hàng không, khả năng khai thác lại đường bay đến Nga của Vietnam Airlines rất khó khăn nếu các chủ máy bay của Vietnam Airlines yêu cầu không bay đến Nga trong thời gian có chiến sự.

Trong trường hợp máy bay phát sinh kỹ thuật tại Nga, do việc cấm vận của EU và Mỹ, các hãng hàng không không thể vận chuyển vật tư khí tài từ các điểm châu Âu sang Nga mà phải vận chuyển từ Việt Nam qua.

Bên cạnh đó, bộ phận hỗ trợ kỹ thuật của Boeing tại Nga đã bị ngắt kết nối, không thể hỗ trợ các hãng hàng không, trong đó có các hãng hàng không Việt Nam, Airbus cũng thông báo việc hỗ trợ kỹ thuật, vận chuyển vật tư khắc phục hỏng hóc tại Nga rất khó khăn.

Các rủi ro này sẽ làm mất nhiều thời gian và phát sinh thêm chi phí cho các hãng hàng không, chưa kể các rủi ro phát sinh do máy bay nằm tại Nga trong khi chờ sửa chữa, thay thế phụ tùng...

Một rủi ro khác liên quan đến vấn đề bảo hiểm. Cụ thể, tỷ lệ tái bảo hiểm cho đội máy bay của Vietnam Airlines tại các công ty bảo hiểm có quốc tịch Mỹ, Anh và EU ở mức gần 90%.

Thời điểm trước dịch Covid-19 (năm 2019), thị trường hàng không Việt Nam - Nga có 10 hãng hàng không của hai nước khai thác các chuyến bay chở hành khách và hàng hóa thường lệ và không thường lệ từ Nga đi, đến Hà Nội, TP.HCM, Phú Quốc và Nha Trang, trong đó bao gồm: Vietnam Airlines của Việt Nam và các hãng hàng không Aeroflot, Air Bridge Cargo, Azur Air, Globus LLC, Seberia Airlines, Nordwin, Pegas Fly, IrAero và Royal Flight Airlines của Nga.

Sản lượng vận chuyển hành khách, hàng hóa giữa Việt Nam và Nga năm 2019 đạt 1,47 triệu khách và 18.700 tấn hàng hóa, tăng tương ứng 20% về hành khách và 50% về hàng hóa so với năm 2018.

Do dịch Covid-19 bùng phát vào giai đoạn năm 2020 nên Việt Nam và Nga đã áp dụng chính sách hạn chế người nước ngoài nhập cảnh, các hãng hàng không dừng khai thác hoặc khai thác hạn chế về tần suất các chuyến bay giữa hai nước. Sản lượng vận chuyển năm 2020 đạt 468.000 khách và 4.900 tấn hàng hóa.

Từ năm 2021 đến nay, chỉ có Việt Nam khai thác các đường bay giữa Việt Nam - Nga, các hãng hàng không của Nga đã dừng khai thác từ tháng 3.2020.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.