Hàng châu Âu vào Việt Nam chưa nhiều

08/10/2020 06:19 GMT+7

Sau hơn 2 tháng Hiệp định EVFTA có hiệu lực, trong khi hàng hóa từ Việt Nam đi EU có nhiều dấu hiệu khởi sắc, ở chiều ngược lại, hàng hóa từ EU vào Việt Nam vẫn khá khiêm tốn.

Đồ hộp gan ngỗng, xúc xích, thịt nguội “nhích nhẹ”

Tại tọa đàm của “Cục Hải quan TP.HCM và doanh nghiệp đồng hành thực hiện EVFTA” tại TP.HCM, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPP), ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã đưa thông điệp EVFTA đang “mở ra cơ hội rất lớn cho ngành hàng tiêu dùng và người tiêu dùng tại Việt Nam”, mua được hàng hiệu giá mềm nhờ thuế suất thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng thời trang từ EU vào Việt Nam sẽ giảm từ 30% xuống 0%.

Khi hàng không quốc tế mở rộng, đặc biệt khách du lịch đến nhiều hơn, các nhóm thực phẩm chế biến từ EU sẽ được nhập nhiều hơn vì giá tốt. Song nếu tăng phải chờ hết hết quý 1/2021, khi thế giới có vắc xin chống dịch Covid-19.

Ông Trường An

Ngày 7.10, trả lời Thanh Niên, một số đại lý làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa từ EU vào TP.HCM thông tin, hàng hiệu, ô tô, máy móc từ EU chưa thấy tăng, nhưng hàng thực phẩm chế biến, đặc biệt nhóm hàng gan ngỗng đóng hộp của Pháp, xúc xích của Đức đơn hàng nhập khẩu có tăng nhẹ do thuế nhập khẩu về 0. Đại diện Công ty TNHH SeaAir Global cho biết giá mặt hàng gan ngỗng nhập khẩu khoảng 7 euro/hộp 140 gr, thuế suất thuế nhập khẩu trước khi có EVFTA là 30%, nay về 0%. Cộng thêm các chi phí phân phối, quản lý, lãi... thì giá bán cũng giảm 2,3 euro/ hộp (tương đương gần 65.000 đồng/hộp). Tương tự, thịt nguội và xúc xích... nhập khẩu từ Ba Lan, Đức, Pháp... thuế nhập khẩu từ 22% về 0% nên lượng nhập có tăng.
“Nếu mua số lượng lớn, mức chênh lệch này đáng kể, nhất là trong kinh doanh nhà hàng quán ăn”, vị này cho biết và bổ sung, một số công ty cũng đang hỏi SeaAir Global thủ tục nhập đồ nội thất, thiết bị nhà bếp từ thị trường EU về Việt Nam vì thuế nhập khẩu giảm mạnh. Cụ thể, thuế nhập khẩu ghế trung bình 25%, nếu đáp ứng các tiêu chuẩn theo EVFTA đưa ra, sẽ là 0%. Hay bộ đồ nhà bếp từ Đức có thuế 22% nay chỉ còn 10%.
“Do ảnh hưởng dịch Covid-19, nên các mặt hàng gia dụng nhập khẩu nói chung còn chậm, nhưng tình hình sẽ tăng do người tiêu dùng Việt ưa chuộng dụng cụ làm bếp của Đức vì vừa đẹp, bền, tinh xảo. Nếu giá mềm hơn, tội gì không mua?”, đại diện SeaAir Global nói.
Ngược lại, một đại lý làm thủ tục hải quan khác ở khu vực cảng Cát Lái (TP.HCM) cho biết hàng máy móc công nghiệp, thiết bị y tế, vải… từ thị trường EU không tăng mà đang giảm mạnh. Ông Thắng, chủ đại lý làm thủ tục hải quan tại cảng này, nói cụ thể, nếu so cùng kỳ năm ngoái, các mặt hàng máy móc quan trọng nhập khẩu từ EU vào Việt Nam giảm khoảng 15 - 20%. Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến tháng 9 năm nay, các khoản thu thuế nhập khẩu của cảng Cát Lái đạt khoảng 74% so kế hoạch. Nếu so cùng thời điểm này năm ngoái, nguồn thu giảm khoảng 14 - 17%. Nguyên nhân ngoài việc cắt giảm thuế nhập khẩu theo lộ trình Việt Nam tham gia ký kết các FTA, nguyên nhân chính là do Covid-19.

Hàng xịn giá chờ sau dịch

Đại diện Hội Doanh nghiệp cơ khí điện TP.HCM cho rằng chính Covid-19 đã làm “chững” lại nhiều kế hoạch mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp, nên nhóm hàng máy móc nhập khẩu từ EU về để làm gia công hầu nhưng không tăng. Đặc biệt, do Covid-19, một số nhà máy của các công ty đang đầu tư mở rộng cũng bị dang dở do không có chuyên gia từ EU về hướng dẫn, đào tạo... Trước đó, trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Intimex Group, cũng thông tin, dây chuyền sản xuất cà phê hòa tan của công ty nhập từ Thụy Sĩ cũng bị ngưng lại vì Covid-19, chuyên gia từ EU không về nghiệm thu dự án để đưa vào sản xuất được.
Theo ông Nguyễn Lý Trường An, chuyên gia logistics, Việt Nam thường nhập khẩu các mặt hàng có giá trị cao từ EU như máy móc, thiết bị y tế, tân dược. Trong khó khăn chung của toàn cầu vì Covid-19, mặt hàng này không tăng, thậm chí giảm là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, ông Trường An nhấn mạnh trong thời gian tới, máy móc thiết bị chắc chắn sẽ tăng, vì sau dịch, nhu cầu mở rộng đầu tư, củng cố sản xuất của các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam chắc chắn sẽ tăng. Máy móc tốt từ EU vào Việt Nam thuế về 0% là lợi thế cho doanh nghiệp.
“Hiện thuế nhập khẩu chiếc máy ép dùng sản xuất ván ép hay máy khoan của Đức trước 2% nay đã là 0%. Tỷ lệ 2% tuy thấy ít, nhưng vài chiếc máy với trị giá 100.000 euro thì con số 2% đó không hề nhỏ. Hoặc máy pha cà phê, máy từ EU là “số dách”, thuế nhập khẩu trước đây là 25%, nay còn 11,4%. Mức giảm khá hấp dẫn. Quan trọng hơn, nhà đầu tư làm hàng chế biến xuất khẩu sang EU có tâm lý mua máy móc từ thị trường đó, làm hàng xuất đi cùng thị trường sẽ có sự tương xứng hơn. Máy móc các loại từ thị trường EU không rẻ, nhưng tâm lý nhà đầu tư nay có khác, thiên về chất lượng hơn, họ có xu hướng mua máy “xịn” để làm hàng ra thị trường thế giới nhiều hơn”, ông Nguyễn Lý Trường An phân tích và bổ sung, về lâu dài, hàng tiêu dùng như giày dép, túi xách, nhóm hàng thời trang từ EU sẽ tăng mạnh sau dịch vì... thuế nhập khẩu hàng áo quần từ EU về Việt Nam từ 20% về 0%, giày dép từ 30% về 0% và túi xách từ 25% về 11,4% trong năm nay...
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.