Như Thanh Niên đã đưa tin, sáng 15.3, gần 400 cháu học sinh trong độ tuổi từ 1 - 10 tuổi ở xã Thanh Khương (H.Thuận Thành, Bắc Ninh) được phụ huynh đưa tới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư và Viện sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng T.Ư (Hà Nội) để xét nghiệm ký sinh trùng sán dây lợn sau vụ việc trường mầm non T.K trên địa bàn bị phát hiện dùng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh thực phẩm để chế biến món cho các cháu.
tin liên quan
Phụ huynh phản ánh bị đe dọa vì phát hiện thịt lợn trong trường mầm non nhiễm sánSau khi chạy mẫu xong cho 282 cháu, các bác sĩ đã phát hiện 57 trường hợp dương tính với sán dây lợn, các trường hợp còn lại vẫn đang tiếp tục chạy kết quả.
Trước đó, một số phụ huynh có con học tại Trường mầm non T.K cho biết trong ngày 20.2, trước khi chế biến, các cô nuôi phát hiện thịt lợn có xuất hiện nhiều hạch, tật, nhà trường lại báo cho phía cung ứng là Công ty H.T để đơn vị này trực tiếp đổi lại thực phẩm cho nhà trường..
Công an sớm vào cuộc điều tra làm rõ trách nhiệm
Theo luật sư (LS) Nguyễn Thị Minh Trang (thuộc Đoàn LS TP.HCM), cơ quan công an cần sớm vào cuộc điều tra làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân liên quan đến việc cung cấp thực phẩm không đảm bảo an toàn cho các trường học.
Theo LS Trang, điều 6 tại Thông tư 13/2016 của liên Bộ Y tế, GD-ĐT đã quy định trường học phải đảm bảo các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Trong đó, đối với những trường học có bếp ăn nội trú, bán trú, yêu cầu vệ sinh đối với hoạt động bảo quản, chế biến thực phẩm phải đảm bảo điều kiện là chỉ sử dụng các lương thực, thực phẩm có nguồn gốc và bảo đảm an toàn thực phẩm. Trường hợp sử dụng dịch vụ cung cấp thức ăn sẵn, phải lựa chọn các cơ sở có đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định.
“Trường học đã ký hợp đồng với Công ty Hương Thành, công ty này lại cung cấp thực phẩm không đảm bảo ATTP để chế biến bữa ăn cho các học sinh, thức ăn đó là nguyên nhân dẫn đến hàng chục học sinh bị nhiễm sán dây lợn. Vậy Công ty H.T phải chịu trách nhiệm theo quy định, song song đó là trách nhiệm của nhà trường”, LS Trang nói.
Xử lý hình sự với mức phạt cao nhất 20 năm tù
Trả lời câu hỏi về trách nhiệm để xảy ra vụ sự việc trên, LS Huỳnh Công Thư (Phó chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Long An) phân tích cần làm rõ trách nhiệm của Công ty H.T và trách nhiệm của nhà trường, đứng đầu là hiệu trưởng. Người cung cấp thực phẩm bẩn vào nhà trường phải chịu trách nhiệm hình sự vì họ biết rõ thực phẩm của họ không đảm bảo an toàn, gây thiệt hại sức khỏe, tính mạng của học sinh nhưng vẫn đưa thực phẩm đó cung cấp cho nhà trường.
"Trong trường hợp Ban giám hiệu nhà trường biết rõ hoặc làm ngơ cho thực phẩm bẩn vào bếp ăn gây hậu quả cho học sinh thì phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình với vai trò đồng phạm", LS Thư nhấn mạnh.
LS Thư phân tích, theo điều 5 của luật An toàn vệ sinh thực phẩm năm 2010, những hành vi bị cấm gồm: đưa thức ăn không đảm bảo an toàn vệ sinh tiêu thụ ra thị trường, sử dụng nguyên liệu không thuộc loại dùng cho thực phẩm để chế biến thực phẩm; Sử dụng nguyên liệu thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc không bảo đảm an toàn để sản xuất, chế biến thực phẩm; Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân, bị tiêu hủy để sản xuất, kinh doanh thực phẩm; cấm sản xuất, kinh doanh thực phẩm bị biến chất.
tin liên quan
Thêm gần 1.000 gia đình Bắc Ninh ồ ạt đưa trẻ đi xét nghiệm sán lợn"Với những hành vi đưa thực phẩm bẩn vào trường học, theo điều 5 sẽ bị xử lý nghiêm theo Điều 6 Luật an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo đó, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, mức phạt được áp dụng không quá 7 lần giá trị thực phẩm vi phạm. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật", LS Huỳnh Công Thư nhấn mạnh.
LS Thư nói thêm, đối với người lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm quy định của luật này hoặc các quy định khác của pháp luật về ATVSTP thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, hành vi chế biến, cung cấp, bán thực phẩm mà biết là thực phẩm không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 5 đến 20 người, hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm theo Điểm e Khoản 1 Điều 317 Bộ luật Hình sự tội vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, tùy vào mức độ nguy hiểm của hành vi mà mức phạt có thể lên đến 20 năm tù. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm. "Dư luận thời gian qua bức xúc trước vụ việc hàng chục học sinh dương tính với bệnh sán dây lợn. Vì vậy cơ quan công an cần sớm điều tra làm rõ vụ việc này", LS Thư nhấn mạnh.
Bình luận (0)