Dự án khôi phục tuyến QL1 (dự án PMU1) thực hiện từ những năm 1994 - 1998 để mở rộng nền đường và hành lang an toàn giao thông. Để thực hiện dự án này, tỉnh Nghệ An đã tiến hành thu hồi đất để giải phóng mặt bằng với chiều dài tuyến 83,8 km. Tuy nhiên, thời điểm đó những hộ dân bị thu hồi đất chỉ được bồi thường tài sản trên đất (cây cối, nhà cửa), diện tích đất đã cấp cho người dân sử dụng ven QL1 đều không được bồi thường.
Cá biệt, tại P.Quỳnh Xuân (TX.Hoàng Mai), hàng trăm hộ dân bị thu hồi đất nhưng đơn vị trích đo lại không thực hiện đo đạc đối với những gia đình không có tài sản trên đất. Đây cũng là nguyên nhân gây rắc rối cho việc xác định diện tích đất bị thu hồi để thực hiện bồi thường hiện nay.
QL1 qua P.Quỳnh Xuân (TX.Hoàng Mai, Nghệ An) mở rộng mặt đường và hành lang từ hơn 26 năm qua nhưng chưa bồi thường đất cho người dân |
KHÁNH HOAN |
Không còn hồ sơ lưu trữ
Gia đình ông Nguyễn Đình Trợi được cấp đất ở từ năm 1976 với diện tích 531 m2 ở khối 11, P.Quỳnh Xuân. Năm 1994, khi mở rộng QL1 lần 1, diện tích bị giải phóng mặt bằng là 13,5 m từ tim đường kéo vào đất gia đình ông. Thửa đất này có chiều ngang bám QL1 25 m, tương đương với diện tích bị thu hồi khoảng hơn 120 m2. “Họ chỉ đền bù một số cây tôi trồng trên đất bị thu hồi, còn đất không được bồi thường đồng nào nên tôi cũng không biết bị thu hồi bao nhiêu đất. Sau này, khi biết được việc không bồi thường đất là sai quy định, chúng tôi mới làm đơn yêu cầu bồi thường. Đến nay, quyền lợi của chúng tôi vẫn chưa được giải quyết”, ông Trợi nói.
Tương tự, gia đình bà Hồ Thị Bình (khối 11, P.Quỳnh Xuân) được cấp đất ở từ năm 1975 với chiều ngang bám QL1 là 25 m. Thời điểm thu hồi đất vào những năm 1994 - 1998, bà Bình không biết đã bị thu hồi bao nhiêu đất vì không được bồi thường và cũng không ai đo đạc. Mới đây, bà Bình đã làm đơn yêu cầu xác định lại diện tích bị thu hồi và bồi thường diện tích này.
Ông Lê Tiến Dào, công chức địa chính P.Quỳnh Xuân, cho biết trong số 452 hộ dân của phường có đất bị thu hồi để mở rộng QL1 vào thời điểm 1994 - 1998, chỉ có hơn 120 hộ dân có tài sản trên đất được bồi thường và có hồ sơ đo đạc, còn lại không có hồ sơ lưu trữ. Đây là điều gây khó khăn cho việc xác định diện tích bị thu hồi để làm cơ sở bồi thường. “Việc đo đạc lại là không thể vì không còn hiện trạng, chỉ có thể căn cứ vào hành lang giao thông thời điểm chưa mở rộng và sau mở rộng để xác định diện tích thu hồi”, ông Dào nói.
Đề nghị cấp kinh phí đền bù hơn 1.504 tỉ đồng
Sau nhiều năm, những hộ dân bị thu hồi đất phát hiện việc thu hồi đất thuộc dự án PM1 không bồi thường là không đúng quy định nên đã làm đơn đòi quyền lợi. Nhận thấy đòi hỏi của người dân là có cơ sở, UBND tỉnh Nghệ An đã có nhiều văn bản gửi Thủ tướng và các bộ, ngành để xin ý kiến chỉ đạo. UBND tỉnh Nghệ An sau đó thành lập tổ công tác liên ngành phối hợp các địa phương rà soát, xác định các trường hợp đủ điều kiện được bồi thường. Năm 2020, Thủ tướng đồng ý cấp kinh phí bổ sung hơn 222,388 tỉ đồng để chi trả cho người dân bị thu hồi đất ở các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc và TP.Vinh.
Qua rà soát, cơ quan chức năng của tỉnh Nghệ An xác định số hộ dân bị thu hồi nhưng chưa được bồi thường là rất lớn. Ngày 8.4 vừa qua, UBND tỉnh Nghệ An tiếp tục có văn bản gửi Thủ tướng đề nghị bố trí thêm 1.282 tỉ đồng trong năm nay để chi trả bồi thường cho các hộ dân đã bị thu hồi đất từ những năm 1994 - 1998. Để xác định diện tích đất đã bị thu hồi nhưng không có hồ sơ đo đạc lưu trữ, các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã căn cứ vào vị trí hành lang an toàn giao thông các dự án nâng cấp QL1 làm cơ sở tính diện tích đất đã bị thu hồi để bồi thường cho người dân.
Bình luận (0)