Học sinh không đủ điều kiện học trực tuyến
Nói về năm học mới, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD- ĐT TP.HCM nhìn nhận, đây là một năm học khó khăn, học sinh phải thực hiện hình thức học trực tuyến ngay từ đầu năm học. Việc tổ chức dạy học trực tuyến cho học sinh sắp tới rất phức tạp, bởi hệ thống dạy học trực tuyến hiện nay không đồng bộ và hạn chế về phần mềm dạy học.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều phụ huynh phản ánh muốn mua thiết bị điện tử cho con em nhưng không có nơi bán hoặc muốn sửa nhưng không có nơi sửa.
Cũng theo người đứng đầu ngành Giáo dục TP.HCM, sau khi các trường tiểu học, THCS, THPT thực hiện việc rà soát thì có khoảng 4% học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 không có điều kiện tham gia việc học trực tuyến và bậc tiểu học thì có khoảng 8.5%.
Cụ thể trong tổng số gần 700.000 học sinh trung học thì có khoảng 17.000 học sinh không có thiết bị, không có đường truyền internet, hơn 5.000 học sinh có thiết bị nhưng lại không có internet.
Còn ở bậc tiểu học, theo cán bộ phụ trách của sở này, số liệu thống kê đến sáng ngày 3.9 cho thấy có khoảng 8,5% học sinh không có điều kiện tham gia học trực tuyến. Cụ thể trong tổng số 647.253 học sinh tiểu học thì có 591.764 học sinh đủ điều kiện tham gia học trực tuyến và số học sinh không đủ điều kiện học trong thời gian này là 53.349 học sinh. Trong số học sinh không đủ điều kiện học trực tuyến thì theo sở rà soát có 19.669 học sinh không có thiết bị, 3.633 gia đình thiếu đường truyền internet, 11.186 học sinh không có người hỗ trợ, học sinh đang ở quê…
|
Các phương án hỗ trợ học tập
Căn cứ trên số liệu thống kê nói trên, các trường, các giáo viên tiếp tục rà soát nắm hình cụ thể của từng học sinh để có phương án hỗ trợ tiếp cận phù hợp. Chẳng hạn, học sinh đang ở quê, không có điều kiện học tập thì nhà trường hướng dẫn đăng ký theo học trực tiếp tại địa phương hay giáo viên và phụ huynh trao đổi cách thức gửi các nội dung, yêu cầu học tập cho học sinh. Những học sinh không có thiết bị nhưng đang ở nơi phong tỏa, cách ly thì nhà trường phối hợp với địa phương chuyển tài liệu cho học sinh…
Theo đánh giá của lãnh đạo các trường, từ thực tế diễn biến dịch bệnh và điều kiện giãn cách xã hội đã tác động và gây những khó khăn đối với học của học sinh. Chỉ nói riêng về thiết bị, phương tiện học tập, ông Phan Văn Quang, Phó phòng Giáo dục Q.Tân Bình cho hay qua khảo sát thì có gia đình không đủ thiết bị để cho con em theo học, đường truyền internet không đảm bảo khi cùng lúc 4 thành viên truy cập…
Nhìn nhận những khó khăn và có thể hỗ trợ phù hợp, giúp học sinh thuận lợi hơn trong việc học, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM thông tin chương trình dạy học trên Đài Truyền hình TP.HCM sẽ bắt đầu phát sóng vào ngày 15.9, và ưu tiên đối với học sinh bậc tiểu học. Ông Hiếu cho biết kế hoạch từ ngày 15 đến ngày 19.9, chương trình sẽ phát sóng những đoạn phim hướng dẫn học sinh tự học, cách sử dụng các phiếu học tập, hướng dẫn phụ huynh cùng học, hỗ trợ cho con em học tập trên môi trường này… Ngày 20.9 sẽ chính thức bước vào nội dung chương trình học kỳ 1.
Tuy nhiên, người phụ trách chuyên môn của bậc học này cũng nhấn mạnh, giáo viên sẽ chia nhỏ yêu cầu theo từng chặng để không tạo áp lực cho học sinh. Chủ động xây dựng bài giảng theo năng lực của học cho từng thời điểm chứ không phải bó hẹp theo khung phân phối chương trình…
Riêng ở bậc trung học, theo kế hoạch ngày 6.9 bắt đầu bước vào nội dung kiến thức bằng hình thức học trực tuyến nhưng ông Hiếu cũng hướng dẫn có thể linh hoạt theo kế hoạch của từng trường. Trường nào ổn định thì bước vào chương trình năm học chính thức sớm nhất có thể. Thời điểm này chưa phát sóng các bài giảng của bậc học này trên truyền hình thì học sinh có thể sử dụng bài giảng, kho học liệu trên cổng thông tin điện tử của Sở, của các trường.
Bình luận (0)