Hàng chục ngàn lô đất bị 'bỏ quên'

09/07/2015 08:27 GMT+7

Ngày 8.7, thảo luận tại hội trường, đại biểu HĐND TP.Đà Nẵng đã có nhiều ý kiến xung quanh một số vấn đề “nóng”.

Ngày 8.7, thảo luận tại hội trường, đại biểu HĐND TP.Đà Nẵng đã có nhiều ý kiến xung quanh một số vấn đề “nóng”.

 
Việc đầu tư hạ tầng nhưng không kiểm tra, giám sát khiến tồn dư 17.702 lô đất tái định cư tại Đà Nẵng - Ảnh: Hữu Trà
Việc thí điểm đề án số hóa truyền hình VN, Đà Nẵng đã cắt phát sóng các kênh VTV Đà Nẵng, VTV6 và DRT1 (Đài phát thanh - truyền hình Đà Nẵng) từ 1.7, nhưng do chưa có thông tư hướng dẫn từ Bộ Thông tin - Truyền thông, chưa cung cấp đầu thu cũng như chưa có kế hoạch hỗ trợ cho người dân nghèo chuyển đổi, nên người dân phản ứng quyết liệt. Ông Trần Thọ giao cho Sở Thông tin - Truyền thông, Sở LĐ-TB-XH và Đài phát thanh - truyền hình Đà Nẵng sử dụng ngân sách mua cấp đầu thu kỹ thuật số cho người nghèo trước tháng 8.2015.

Nổi bật là việc tồn dư 17.702 lô đất tái định cư cũng như việc một số đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng hạ tầng, bố trí tái định cư “bỏ quên” không báo cáo hoặc báo cáo thiếu 1.367 lô đất (riêng Công ty CP vật liệu - xây lắp và kinh doanh nhà Đà Nẵng có 1.301 lô đất; Công ty CP đầu tư phát triển nhà Đà Nẵng 29 lô; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng số 1 là 22 lô; Công ty CP xây dựng và phát triển hạ tầng Đà Nẵng 8 lô; Trung tâm khai thác quỹ đất 4 lô và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng số 3 là 3 lô).
Về vấn đề này, ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy - Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng, cho biết đây là số đất có thực tế tại các dự án, nhưng qua nhiều năm, các đơn vị báo cáo không đầy đủ, không đúng. Về nguyên nhân dẫn đến việc nhiều cơ quan, kể cả UBND TP.Đà Nẵng không nắm rõ số đất tồn dư, theo ông Thọ do trước đây Đà Nẵng triển khai nhiều dự án, lãnh đạo TP muốn triển khai nhanh nên giao cho nhiều đơn vị cùng thực hiện, nhưng sau đó không kiểm tra.
“Trách nhiệm của các cơ quan tham mưu như Sở Xây dựng, Sở KH-ĐT, Văn phòng UBND TP là rất lớn. Đặc biệt, người đứng đầu đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng hạ tầng, bố trí tái định cư không nghiêm túc, trung thực khi báo cáo về các dự án mà mình được giao”, ông Thọ nhấn mạnh và cho biết: “Chúng tôi cũng đã lấy ý kiến của một số ban, ngành, nhưng các đơn vị này đều cho rằng việc Công ty CP vật liệu xây dựng - xây lắp và kinh doanh nhà Đà Nẵng không báo cáo đầy đủ 1.301 lô đất chưa đủ cơ sở để chuyển cơ quan điều tra do những lô đất này vẫn còn đó, tài sản nhà nước vẫn còn đó, không mất”.
Việc để tồn dư 17.702 lô đất chỉ có 2 phòng chuyên môn thuộc UBND TP.Đà Nẵng tự nhận hình thức khiển trách và do Giám đốc Công ty CP vật liệu xây dựng - xây lắp và kinh doanh nhà Đà Nẵng nghỉ hưu trong khi công ty chuyển đổi mô hình khác nên UBND TP.Đà Nẵng đề nghị chỉ xử lý kỷ luật Đảng.
Cũng vào hôm qua, HĐND TP.Đà Nẵng đã thông qua việc đầu tư công viên phía trước khu đất 84 Hùng Vương bằng ngân sách trong năm 2015.
Buộc tháo dỡ biệt phủ xây dựng trái phép
Bên cạnh đó, các ĐB còn bức xúc việc chậm trễ xử lý biệt phủ của đại gia Ngô Văn Quang xây dựng không phép trong rừng đặc dụng nam Hải Vân (P.Hòa Hiệp Bắc, Q.Liên Chiểu).
Nói về trách nhiệm của kiểm lâm, ông Trần Văn Lương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP.Đà Nẵng, thẳng thắn: “Để xảy ra việc xây dựng trên rừng là do cả nể và sợ... Đã xử lý kỷ luật khiển trách 4 cán bộ kiểm lâm liên quan đến vụ việc này”. Trong khi đó, ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở TN-MT TP.Đà Nẵng, cho biết dù UBND TP.Đà Nẵng thống nhất không đồng ý với đơn “xin phạt và cho tồn tại biệt phủ” của ông Quang, nhưng một vị trưởng phòng của Sở không phát hành văn bản (dù văn bản không đồng ý này đã được ký, đóng dấu) mà chỉ nói miệng với ông Quang (?). Ông Đàm Quang Hưng, Phó chủ tịch UBND Q.Liên Chiểu, cho biết ngày 10.7 sẽ tiến hành tháo dỡ biệt phủ của ông Quang.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.