Hàng chục người tốt ở Phong Nha, nhặt nhiều tài sản trả lại du khách

28/08/2019 14:32 GMT+7

Thời gian qua, du khách và dư luận địa phương cảm kích trước những nghĩa cử đẹp của các chủ thuyền và nhân viên khi họ trả lại tài sản đánh rơi hay bỏ quên khi tham quan hệ thống hang động Phong Nha - Tiên Sơn (Quảng Bình).

Theo thống kê của Trung tâm du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng, từ đầu năm đến nay, có hơn 30 trường hợp chủ thuyền và 20 trường hợp cán bộ nhân viên trả lại tài sản cho du khách khi đến tham quan các điểm thuộc trung tâm.
Ngày 1.8, thuyền trưởng thuyền số 166 Nguyễn Thị Hoa nhặt được chiếc ví bên trong có 4,9 triệu đồng tiền mặt cùng giấy tờ tùy thân của anh Trần Văn Huyên (ở Hà Nội) và kịp thời trao trả. Ngày 2.8, chị Nguyễn Thị Phượng, thuyền trưởng thuyền số 110 đã trao trả điện thoại giá trị cho khách; cùng ngày, chị Phạm Thị Thạnh (thuyền 270) trao trả ví tiền cho khách đánh rơi.
Trước đó, ngày 20.7, chị Nguyễn Thị Thơ (thuyền 144) nhặt và trả lại túi xách cho chị Nguyễn Thị Hải Yến (du khách đến từ Ninh Bình). Chiếc ví bên trong có 13 triệu đồng tiền mặt và giấy tờ tùy thân của du khách Nguyễn Văn Huấn (ở Hà Nội) cũng được thuyền trưởng thuyền số 205 Lê Thị Hà trao trả trong ngày 19.7.
Ngày 14.7, chiếc điện thoại trị giá hơn 20 triệu đồng đã được chị Hoàng Thị Liễu, thuyền trưởng thuyền số 172, trả lại cho anh Lê Quang Hưng (ở Hà Nội). Ngày 22.4, có 2 du khách may mắn được nhận lại tài sản là anh Nguyễn Văn Phúc (ở Hà Nội) nhận chiếc ví có 4 triệu đồng tiền mặt cùng giấy tờ tùy thân từ chị Cao Thị Hợi (thuyền 283) và bà Ngô Thị Cơ (ở Bắc Ninh) nhận lại chiếc ví bên trong có 2 triệu đồng tiền mặt từ chị Nguyễn Thị Thị (thuyền 328)...
Chuyện tử tế: Người tốt ở Phong Nha1

Du khách nhận lại tài sản từ chị Hoàng Thị Liễu (thuyền số 172)

Có người đã 2 lần trả lại tài sản như ông Nguyễn Văn Sửu (thuyền số 282). Theo đó, ngày 6.8, ông trả lại 1 túi xách trong đó có hơn 2 triệu đồng tiền mặt và giấy tờ quan trọng của du khách Nguyễn Vũ Thái Trinh (TP.HCM) và hồi tháng 7, ông đã trả lại 1 chiếc điện thoại.
Việc trả lại của rơi cho các du khách như đã nêu trên rất đáng trân trọng. Nhất là khi nhiều nhân viên, chủ thuyền chở khách ở Phong Nha có hoàn cảnh kinh tế eo hẹp; những chiếc điện thoại đắt tiền mà họ nhặt được và trả lại còn giá trị hơn nhiều lần so với tiền thu được từ chạy thuyền trong... 1 năm.
Như trường hợp ông Nguyễn Văn Sửu (46 tuổi, ở thôn Na), vợ chồng ông cùng làm nghề chạy thuyền, thu nhập bình quân từ 15 - 20 triệu đồng/năm. Ông bà có 4 người con, nên thu nhập không đủ trang trải cuộc sống gia đình. “Con cái mình ăn học bữa no bữa đói, khi không có phải vay mượn thêm, nhưng mình ăn mấy cũng hết, giàu thì giàu rồi, nghèo cũng nghèo rồi nên trao tài sản lại cho người mất, kẻo tội. Đó còn là danh dự, uy tín của quê hương, người làng nữa”, ông Sửu tâm sự.
Ông Lê Thanh Lợi, Giám đốc Trung tâm du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng, cho hay trung tâm đã có hình thức khen thưởng, dù khoản tiền thưởng không lớn nhưng đó là sự ghi nhận và động viên cần thiết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.