Để đến với Hang Én, bạn phải đi hết trục đường bê tông 4 cây số xuyên xã, gặp thôn Vĩnh Tuy với chừng 5 nóc nhà cuối thôn có tên xóm Chụt. Xóm này mở ngõ ra Hang Én. Cái tên “xóm Chụt” gợi điều gì như thể là côi cút, bé mọn, đọc lên nghe có vẻ trầm buồn. Chị Liên, người trong xóm, nói đùa: “Người xóm Chụt chỉ một tuần không đi chợ xã chắc xã cũng… quên luôn!”.
tin liên quan
Vương quốc hang động xứ Phong Nha - Kẻ BàngĐó là hệ sinh thái động thực vật, là hang động, là những dòng sông ngầm tưởng như dài vô tận.
Những năm trước đây, Hang Én chỉ đẹp cho xóm Chụt thôi. Nhưng rồi mấy thôn nữ xóm này lên tỉnh học, ngày Valentine rủ bạn trai về chơi, vậy là nơi đây thành địa chỉ tình yêu. Sau dăm cái đám cưới đưa dâu về phố, thêm vài cuộc dã ngoại của học sinh cấp 3 trường huyện, Hang Én bỗng dưng có tên trong “sổ du ngoạn” của giới trẻ Quảng Ngãi, Bình Định.
Để xóm Chụt tụt lại đằng sau, qua trảng cát trắng mịn màng chạy dọc biển xanh, vượt một trái đồi thoai thoải toàn đá cuội, cỏ dại và lác đác những lùm hoa sim tím, Hang Én hiện ra, đẹp đến ngỡ ngàng. Dường như trên dặm dài ngao du bắc - nam, một nhánh nhỏ lãng mạn của dải Trường Sơn bất ngờ tách khỏi đội hình, nhoài mình ra phía đông, chịu đau chịu đớn tự khoét mình ra thành hang, thành động rồi đứng đấy dầm chân trong nước biển để tạo ra vẻ kỳ thú. Có lẽ đường đi của cái đẹp nhiều khi phải qua lắm nỗi gian truân. Có hang núi sát biển, chim én ríu rít rủ nhau bay về làm tổ. Từ đó tạo ra địa danh Hang Én. Điều kỳ lạ là hang ăn thông ra biển. Bạn cứ thong dong đi trong hơi mát lành lạnh và bóng tối mờ mờ của hang mà không lo ngại gì, vì cuối cùng bạn sẽ gặp “ánh sáng cuối đường hầm”: Biển bất ngờ hiện ra, rạng ngời màu ngọc bích. Đến với Hang Én, bạn sẽ có một chuyến du lịch “4 trong 1”: Vừa được đi “xuyên núi”, vừa ngắm biển và tắm gió khơi xa, vừa… gập ghềnh cùng “thạch trận” với vô số vết chém dọc ngang để “hỏi đá xanh rêu bao nhiêu tuổi đời”, vừa tha hồ thu vào máy ảnh cảnh biển trời non nước thanh tú, giao hòa, thoáng đãng.
Xóm Chụt, cửa ngõ dẫn ra Hang Én, là xóm cuối cùng thuộc 4 cấp quản lý: thôn Vĩnh Tuy, xã Phổ Châu, H.Đức Phổ và tỉnh Quảng Ngãi về phía nam. Vì vậy, ở hướng này, có thể nói Hang Én là điểm son tận cùng trên “bản đồ thắng cảnh” của xứ sở núi Ấn - sông Trà. Hang Én được du khách đánh giá là nơi tham quan thiên nhiên hoang sơ kỳ thú. “Người đẹp đầu non cuối bể” này đang ngưng đọng những mỹ cảm lâu bền trong lòng tao nhân mặc khách.
tin liên quan
Nhớ con hến sông quêMỗi lần nhớ nhà, tôi lại hình dung tới dòng Trà Khúc uốn mình lãng đãng trôi ven thành phố Quảng Ngãi. Hình ảnh con sông quê dẫn dắt tôi nhớ tới những con hến nhỏ bé và món ăn bình dị của mẹ.
Bình luận (0)