Chợ Viềng họp trên khu đất rộng hơn chục héc ta ở gần chùa Bi, thị trấn Nam Giang, H.Nam Trực, với hàng trăm gian hàng đồ cổ, đồ giả cổ, ở một góc chợ còn có nhiều hàng cây cảnh, bàn ném phi tiêu, xé vé số trúng thưởng...
|
Ở chợ này bạt ngàn đồ cổ và giả cổ với trên 100 quầy hàng. Dạo quanh một vòng, các chủ quầy đồ cổ giới thiệu với khách đủ loại, từ Lê, Lý, Trần đến đồ cổ thời Nguyễn, thời Thanh (Ung Chính, Càn Long của Trung Quốc). Chất liệu cũng rất đa dạng với đồ đồng, đồ gốm, sứ, thậm chí cả đồ đất nung cũng góp mặt. Dù các gian hàng đồ cổ là nét đẹp văn hóa đặc trưng của chợ Viềng Nam Trực nhưng đây cũng là khu vực bát nháo nhất vì thật giả, vàng thau lẫn lộn. Anh Trần Trung Hưng, hội viên Hội Cổ vật Thiên Trường (Nam Định) năm nào cũng có gian hàng đồ cổ tại chợ cho biết: “Việc chủ quầy nói cứ nói, còn việc thẩm định có đúng đồ cổ hay không là việc của người mua. Thực ra trong chợ chỉ có trên 20% đồ là cổ thật, còn lại đều là đồ giả cổ”.
Cũng theo anh Hưng, công nghệ giả cổ bây giờ rất siêu việt. Người ta có thể làm cho chân đèn bằng đồng ố xanh, mòn vẹt như đã qua hàng trăm năm sử dụng, hoặc cả một chiếc chum tiền lấm lem bùn đất cũng là sản phẩm của công nghệ chứ không phải thật sự là cổ vật đào từ lòng đất lên. “Thậm chí có người chơi đồ cổ hàng chục năm trong lúc tranh tối tranh sáng, mua nhanh bán vội này cũng khó có thể phân biệt được ngay đâu là đồ cổ, đồ giả cổ. Vì vậy, có không ít người mới chơi đồ cổ sau phiên chợ đành ngậm ngùi nuốt quả đắng vì bỏ ra vài triệu, thậm chí hàng chục triệu để mua đồ rởm”, anh Trần Trung Hưng nói.
Trường hợp của anh Ngô Hồng Hải (ở phố Phạm Ngọc Nhị, H.Duy Tiên, Hà Nam) là một ví dụ. Anh Hải được một chủ quầy cam đoan nên mua một chiếc lọ hoa đời Trần với giá 7 triệu đêm mùng 7 vừa qua. Sáng hôm sau được biết đây là đồ giả, anh Hải mang đến trả thì chủ quầy thản nhiên chối không phải hàng của mình.
Cũng vì bát nháo, vàng thau lẫn lộn nên giá cả cũng vô chừng. Chúng tôi hỏi giá một đôi hạc thờ bằng đồng, chủ quầy nói đây là đồ thời Nguyễn, đòi giá 8 triệu. Cách đó chỉ mấy gian hàng, một đôi hạc thờ giống y hệt cũng được một chủ quầy khác chỉ đòi có 3,5 triệu, vì chính ông chủ quầy bảo đó là đồ giả cổ. Đi cùng chúng tôi, anh Trần Trung Hưng thẩm định cả hai đôi hạc và khẳng định: Đây là sản phẩm mới được chế tác ngay tại thôn Đồng Côi hoặc Vân Tràng của làng nghề cơ khí Nam Giang, H.Nam Trực.
Chính vì nguồn gốc hàng hóa không rõ ràng, giá cả nhiều mức nên thói quen mua hàng ở chợ Viềng xưa là mua lấy may, mua không mặc cả đã mất hẳn. Từ món đồ ít giá trị vài chục nghìn đồng đến đồ vài triệu đồng, khách mua đều cò kè mặc cả, chơi trò cân não với chủ quầy để mong mua được giá rẻ nhất có thể.
Dù nhìn vào những bất cập thật giả lẫn lộn của hàng hóa nhưng không thể phủ nhận được phiên chợ Viềng Nam Trực vẫn tạo được nhiều cảm xúc cho người đến dự. Bởi lẽ, ở đó vẫn còn những người rất thật thà, họ đến chợ bán đồ cổ để tìm bạn cùng niềm đam mê, để giao lưu với người chơi đồ cổ trên khắp cả nước. Ở chợ còn có những người quanh năm lặn lội đi khắp các lò đồng nát, rồi lọc ra những đồng hồ cũ, quạt điện cũ hay vài chục chiếc bi đông thời chiến tranh để mỗi đêm mùng 7 tháng giêng mang đến chợ bán cho những người có sở thích sưu tập.
Tuy nhiên, nếu không có những yêu cầu ràng buộc về sự trung thực trong kinh doanh, phân biệt rõ ràng khu bán đồ cổ, khu bán đồ giả cổ, bán hàng có bảo hành, có bảo lãnh, thẩm định để bảo vệ thương hiệu chợ đồ cổ chợ Viềng thì rất có thể các năm tiếp theo, chợ Viềng sẽ ngày càng bát nháo. Đồ giả cổ, đồ nhái của Trung Quốc sẽ càng tràn ngập chợ và người ta sẽ không lặn lội về Nam Định để dự một phiên chợ đồ cổ độc đáo một năm một lần nhưng bày quá nhiều đồ giả cổ.
Káp Long - Hoàng Long
>> Làm giả sổ tiết kiệm 150 tỉ đồng
>> Băng làm giả bảo hiểm xe máy lãnh án
>> Phá đường dây làm giả bằng cấp lớn nhất từ trước đến nay ở Đà Nẵng
>> Thuốc điều trị rối loạn cương dễ bị làm giả
Bình luận (0)