Hàng hiệu 'không thể xuất hóa đơn'!

22/03/2016 09:48 GMT+7

Cùng một thương hiệu nhưng có những nơi, hàng hiệu được bán với giá rẻ hơn giá chính hãng, giá ở những nhà phân phối lớn đến 30 - 40% khiến người tiêu dùng hoang mang.

Cùng một thương hiệu nhưng có những nơi, hàng hiệu được bán với giá rẻ hơn giá chính hãng, giá ở những nhà phân phối lớn đến 30 - 40% khiến người tiêu dùng hoang mang.

Hàng chính hãng nhiều khi chỉ để… dọ giá - Ảnh: Diệp Đức Minh Hàng chính hãng nhiều khi chỉ để… dọ giá - Ảnh: Diệp Đức Minh
Vì sao các cửa hàng nhỏ, lẻ này lại có hàng hiệu giá mềm đến như vậy là câu hỏi mà nhiều người đặt ra.
Hàng chính hãng chỉ để… dọ giá


Hàng chính hãng nhập vào VN phải chịu 20% thuế nhập khẩu và 10% thuế GTGT nên giá rất cao và buộc phải xuất hóa đơn đầu ra vì đầu vào cũng đầy đủ hóa đơn. Còn hàng của chúng tôi là hàng không chịu thuế nên mới có giá rẻ hơn 30%, vì thế không thể xuất hóa đơn cho chị được

Nhân viên một cửa hàng bán đồng hồ cao cấp ở TP.HCM

Muốn có món quà tặng đặc biệt mừng con trai tốt nghiệp đại học, chị Mỹ (ngụ Q.2, TP.HCM) đến một cửa hàng chuyên bán đồng hồ hàng hiệu tại Q.1 để mua. Sau khi ngắm nghía, chị chọn một chiếc Rolex Submariner giá 7.300 USD nhưng còn ngần ngừ vì thấy giá cao quá. Nhân viên ở đây mách chị sang một điểm bán đồng hồ Rolex chính hãng được ủy nhiệm tại VN hỏi giá bao nhiêu rồi quay lại cửa hàng sẽ giảm thêm cho 10%. Chị sang một điểm bán đồng hồ Rolex chính hãng tại Nguyễn Huệ, nhân viên báo giá bao gồm thuế GTGT cao hơn khoảng 50 triệu đồng so với giá tại cửa hàng trước. Thấy có lợi, chị quay lại mua tại cửa hàng đầu tiên. "Đồng hồ có giấy bảo hành chính hãng trên toàn cầu, đảm bảo 100% hàng xịn", cô bán hàng hồ hởi nói.
Cửa hàng này nằm trong một cao ốc tại Q.1, diện tích chỉ khoảng 10 m2 nhưng bày bán đủ các loại đồng hồ cao cấp, danh tiếng thế giới như Rolex, Micheal Kors, Longines, Movado, Tissot, Gucci, Mont Blanc… có giá từ vài trăm USD đến cả trăm ngàn USD một chiếc.
Tương tự, cửa hàng L. nằm ở một vị trí kín đáo trên đường Lý Tự Trọng, diện tích cũng rất nhỏ nhưng bên trong trưng bày những chiếc đồng hồ có giá thấp nhất không dưới 100 triệu đồng. Người bán chỉ tay vào chiếc Rolex lấp lánh đặt trong một ô kính báo giá 9.900 USD và sẽ giảm 5% nếu mua số lượng nhiều. Một chiếc đồng hồ nhỏ hơn nằm bên cạnh có giá hơn 13.000 USD. Chiếc đồng hồ duy nhất trong cửa hàng có giá 90 triệu đồng là hàng đã qua sử dụng. Theo lời nhân viên bán hàng, muốn mua hàng của hãng nào, chỉ trong 24 tiếng đồng hồ sẽ có ngay với sản phẩm có đầy đủ bảo hành chính hãng. Những đồng hồ có giá hàng chục, hàng trăm ngàn USD này đều có bảo hành toàn cầu và theo chính sách bảo hành của hãng bán hàng trên thế giới. Ngoài ra, cửa hàng còn có giấy bảo hành riêng, hết thời hạn bảo hành của hãng, cửa hàng vẫn nhận sửa chữa nếu sản phẩm có vấn đề.
“Hàng không chịu thuế sao xuất hóa đơn được”


Người mua không yêu cầu, người bán vẫn phải xuất hóa đơn
Thông tư 39 của Bộ Tài chính hướng dẫn, khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ có giá trị dưới 200.000 đồng, người cung cấp hoặc người bán không phải lập hóa đơn, trừ khi người mua yêu cầu lập và giao hóa đơn. Nhưng với dịch vụ hoặc hàng hóa có giá trị từ 200.000 đồng trở lên, kể cả khi người mua không lấy hóa đơn hoặc cung cấp địa chỉ, tên, mã số thuế thì người cung cấp hoặc người bán vẫn phải lập hóa đơn. Hóa đơn đó là căn cứ để nhà nước thu thuế GTGT từ người bán, đồng thời là căn cứ tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Khi nhân viên cửa hàng đồng hồ chỉ in tờ phiếu tính tiền, chị Mỹ đề nghị xuất hóa đơn thuế GTGT để sau này có thể khấu trừ thuế thì người bán hàng lắc đầu: “Cửa hàng không thể xuất hóa đơn được”. Người này giải thích: “Hàng chính hãng nhập vào VN phải chịu 20% thuế nhập khẩu và 10% thuế GTGT nên giá rất cao và buộc phải xuất hóa đơn đầu ra vì đầu vào cũng đầy đủ hóa đơn. Còn hàng của chúng tôi là hàng không chịu thuế nên mới có giá rẻ hơn 30%, vì thế không thể xuất hóa đơn cho chị được”. Tương tự, ở một cửa hàng hàng hiệu lớn trên địa bàn Q.1, khi chúng tôi yêu cầu xuất hóa đơn giá trị gia tăng, nhân viên bán hàng nhất quyết không chịu vì “chị đi cửa hàng nào cũng thế, không ai xuất hóa đơn đâu vì đầu vô không có".
Một người chuyên kinh doanh hàng hiệu chính hãng cho biết, tại VN tình trạng hàng hiệu không hóa đơn đã tồn tại nhiều năm qua và “sống tốt” vì bán với giá rẻ hơn 30 - 40% so với hàng chính hãng. Cũng chính vì điều này, các nhà kinh doanh hàng hiệu đàng hoàng đang khốn khổ vì cạnh tranh không nổi. “Nhiều lần tôi lân la đi “do thám” đối tác, thấy khách hàng ra vào mua đồng hồ ở các nơi này kháo nhau rằng giá ở đây đã rẻ hơn hàng chính hãng nhiều mà còn được giảm thêm 10% nên họ chỉ qua bên chính hãng dọ giá thôi. Chênh lệch lớn nên họ đã đổ xô đi mua, đẩy doanh số đồng hồ của hệ thống cửa hàng này lên chóng mặt, còn chúng tôi thì ngược lại, ngày càng ế ẩm”, bà này bức xúc.
Theo bà L.M, một người am hiểu trong lĩnh vực hàng hiệu, đồng hồ là mặt hàng trốn thuế nhiều nhất. Bà này liệt kê tên một loạt cửa hàng trên địa bàn Hà Nội và TP.HCM “hiếm khi xuất hóa đơn”. “Cùng một mặt hàng cao cấp, những cửa hàng này có thể bán được giá thấp là bởi nhập vào VN với mức khai thấp hơn giá trị thực tế. Một đồng hồ có giá 30.000 - 40.000 USD, nhưng nếu người nhập gian lận, chỉ khai 1.500 USD - một mức giá vừa phải để hải quan không nghi ngờ, là có thể trốn thuế hàng trăm triệu đồng một container rồi”, bà này nói. Chưa kể, mức lợi nhuận còn được nhân lên khi người mua hàng xách tay còn được hoàn thuế ở sân bay, chẳng hạn chính sách hoàn thuế ở Pháp là 16%, ở Singapore là 7%... Như vậy, tổng mức chênh lệch của hàng xách tay hoặc hàng khai dưới giá trị thực tế so với hàng chính hãng, khai đúng và đủ có thể lên đến 36%. “Không phải trả thuế, lại bán giá ngang bằng với hàng chính hãng tại VN, thì có giảm giá 5 - 10%, họ vẫn lãi lớn gần 30%. Một chiếc đồng hồ giá 50.000 USD là họ đã lãi 10.000 USD. Nên doanh số một tháng của một cửa hàng nhìn bé bé thế có thể lên đến vài triệu USD”, bà L.M cho biết.
Hàng hiệu đội lốt hàng Trung Quốc
Đây là thực tế bị phát hiện cuối năm 2012. Khi đó, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an TP.HCM đã bắt quả tang 4 xe tải chở hàng chục thùng áo quần, túi xách, giày dép... mang các nhãn hiệu Gucci, Dolce & Gabbana trị giá hàng chục tỉ đồng tại tầng hầm một khách sạn. Lô hàng này có kết quả giám định là hàng hiệu, nhưng chủ sở hữu lại khai với giá rẻ mạt, chẳng hạn váy ngắn chỉ 5,5 USD/chiếc, giày 3,8 USD/đôi... nên khi nhập khẩu vào VN chỉ phải đóng thuế 27 triệu đồng, trong khi đúng ra mức thuế phải đóng là 552 triệu đồng.
Đây là thủ đoạn buôn lậu nhập khẩu hàng hóa có giá trị cao hàng ngàn đến hàng chục ngàn USD từ nước ngoài về VN, sau đó khai báo là hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc để hạ thấp giá trị, nhằm trốn thuế. Khi bị phát hiện, Trần Anh Tuấn (còn gọi là Tuấn Trần, quốc tịch Mỹ), chủ và điều hành quản lý hai cửa hàng Milano và Gucci nhập lô hàng về, đã “biến mất” ngay sau đó.
Theo bản án sơ thẩm của TAND TP.HCM ngày 15.4.2015, Lê Hồng Đức, người đã theo chỉ đạo của Tuấn Trần thuê pháp nhân tại VN đứng ra nhập khẩu hàng hóa, bị tuyên phạt trên 8 năm tù giam về tội buôn lậu, hai nguyên cán bộ hải quan Nguyễn Bửu Quí và Nguyễn Văn Sáng mỗi bị cáo 3 năm tù nhưng hưởng án treo về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.