Hàng hóa từ miền Nam 'tăng ca' ra miền Bắc

21/09/2024 05:46 GMT+7

Các doanh nghiệp sản xuất lương thực, thực phẩm ở TP.HCM đang tăng ca, chuẩn bị nguồn hàng để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của các tỉnh thành miền Bắc gặp khó khăn vì bão lũ. Không chỉ trực tiếp hỗ trợ, mà với những cá nhân, doanh nghiệp mua hàng để cứu trợ đồng bào chịu ảnh hưởng bão lụt cũng được giảm giá mạnh.

Mang hàng tết đi phục vụ đồng bào bão lũ

Bão số 3 (Yagi) đã khiến nhiều loại hàng hóa thiết yếu, rau quả, thực phẩm phía bắc bị thiếu hụt. Bên cạnh tăng cường thực phẩm tươi, việc cung ứng các sản phẩm ăn liền như mì gói, thịt hộp, xúc xích, trứng chế biến sẵn của các doanh nghiệp ở các tỉnh, thành phía nam cho miền Bắc cũng được đẩy mạnh để kịp thời hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng. Ông Nguyễn Phúc Khoa, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần VN Kỹ nghệ súc sản (Vissan), cho biết công ty có nhà máy ở Bắc Ninh, hiện tại nhà máy này đang hoạt động hết công suất và tăng ca để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của thị trường. Bên cạnh đó, Vissan cũng vận chuyển những sản phẩm mà nhà máy Bắc Ninh không sản xuất hoặc thị trường có nhu cầu cao từ miền Nam ra miền Bắc.

Hàng hóa từ miền Nam 'tăng ca' ra miền Bắc
- Ảnh 1.

Các doanh nghiệp TP.HCM sẵn sàng tăng ca, tăng công suất để phục vụ thị trường miền Bắc

ẢNH: CTV

Theo ông Khoa, từ cuối tháng 7 đầu tháng 8 Vissan đã bắt đầu lên kế hoạch, chuẩn bị nguồn hàng để sản xuất chuẩn bị phục vụ thị trường tết nên lượng hàng dự trữ trong kho khá dồi dào. Vì vậy, khi thị trường miền Bắc có nhu cầu, công ty nhanh chóng đưa nguồn hàng dự trữ này ra để phục vụ thị trường. 

"Tại nhà máy ở TP.HCM, bình thường vào ngày thứ bảy chúng tôi chỉ làm việc một buổi thì hiện tại đang tăng ca làm thêm cả buổi chiều để phục vụ thị trường miền Bắc. Nếu cần, chúng tôi có thể tiếp tục tăng ca để làm thêm cả ngày chủ nhật để phục vụ thị trường", ông Khoa khẳng định. Cũng vì nhu cầu tăng đột biến nên đến đến thời điểm này, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm của Vissan tăng khoảng 20% so với giai đoạn trước bão lũ. Ngoài gia tăng sản xuất, theo ông Khoa, để chia sẻ khó khăn với đồng bào bị ảnh hưởng bão lũ miền Bắc, toàn thể cán bộ công nhân viên của công ty đã đồng lòng đóng góp 1 ngày lương; tổng số tiền ủng hộ bao gồm cả hiện vật trị giá gần 500 triệu đồng. "Công ty cũng có chương trình khuyến mãi đặc biệt, giảm giá từ 5 - 20% dành riêng cho các tổ chức, đơn vị có nhu cầu mua sản phẩm để cứu trợ đồng bào miền Bắc", ông Khoa thông tin.

Ông Trương Chí Thiện, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt (V.Food), cũng cho biết: "Ngay sau siêu bão số 3 Yagi đi qua, chúng tôi đã lên kế hoạch bán hàng đặc biệt với tinh thần đồng hành cùng đồng bào vượt qua thiên tai. Đó là triển khai chương trình giảm giá đặc biệt cho các đơn hàng cứu trợ, từ thiện. Cụ thể như trứng gà tiềm ăn liền chỉ có giá 3.500 đồng quả so với giá siêu thị đang bán ra 5.000 đồng/quả. Hay trứng gà ta tiềm giá bán hàng cứu trợ là 2.200 đồng/quả so với giá siêu thị là 4.500 đồng quả. Với chính sách giảm giá đặc biệt này, trong những ngày qua lượng đơn hàng mới mà chúng tôi nhận được tăng trên 20%". 

"Thông tin được chúng tôi công khai trên trang Facebook của công ty. Khi thấy khách lạ, mua số lượng lớn thì mình tìm hiểu, nếu đúng là tham gia hoạt động cứu trợ bà con miền Bắc mình sẽ giảm giá ngay. Do không có điều kiện tham gia cứu trợ trực tiếp nên chúng tôi muốn thông qua sản phẩm của mình góp một phần nhỏ giúp bà con vượt qua thiên tai", ông Thiện bày tỏ thêm.

Ông Thiện chia sẻ ngành chăn nuôi ở phía bắc cũng bị thiệt hại nặng vì bão lũ, nhưng chủ yếu là ở quy mô nông hộ và trang trại nhỏ. Các trang trại lớn vẫn duy trì hoạt động nên nguồn cung trứng tươi chỉ thiếu hụt cục bộ và tạm thời ở một vài địa phương. "Sự thiếu hụt này chỉ duy trì vài ba ngày sau đó bằng cơ chế thị trường sẽ được cân bằng. Tổng thể thì ngành chăn nuôi của VN khá dồi dào về sản lượng nên không lo thiếu hụt. Hiện nay chúng tôi đang theo dõi sát diễn biến thị trường để khi cần có thể tăng công suất hoạt động lên bằng như mức vào các dịp lễ tết là có thể đáp ứng đủ nhu cầu", lãnh đạo V.Food nhận định.

Không lo thiếu nguồn cung

Không thể không nhắc đến vai trò của các hệ thống bán lẻ trong đợt bão lũ lần này. Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc truyền thông Tập đoàn Central Retail VN, cho biết: Là một trong những nhà bán lẻ lớn trên thị trường, trong những ngày qua đội ngũ nhân viên của Central Retail VN nỗ lực cao độ nhằm đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa, phục vụ nhu cầu người dân các tỉnh phía bắc. Cụ thể như với mặt hàng rau củ quả, hàng thiết yếu trong đời sống hằng ngày bị ảnh hưởng nặng nề vì bão lũ, hệ thống Central Retail đã có nhiều chuyến xe tăng cường hàng hóa cho miền Bắc. 

Cụ thể, mỗi chuyến xe đi từ Đà Lạt trước đây chở 40 tấn/chuyến thì nay tăng lên 80 tấn/chuyến. Nhờ đó, các siêu thị GO!, Big C đã tăng lên 100% sản lượng hàng rau củ so với ngày thường. Tương tự với thịt, cá, thủy hải sản các loại cũng tăng cung từ các vùng không bị ảnh hưởng để bù vào nguồn cung ở những vùng bị thiệt hại. Bên cạnh đó, siêu thị cũng tăng cường nhập hàng đông lạnh để bổ sung thêm nhu cầu tăng rất cao của khách hàng. "Bất chấp chi phí tăng, Central Retail cam kết giữ nguyên giá bán như trước khi xảy ra bão lũ. Hiện tại chúng tôi cũng đang theo dõi diễn biến của thị trường và phối hợp chặt với các nhà cung cấp hàng để sẵn sàng tăng cung phục vụ thị trường khi cần thiết", bà Vân nói.

Hiệp hội Lương thực thực phẩm TP.HCM cũng thông tin hiện tại cộng đồng doanh nghiệp thành phố đang theo dõi sát diễn biến thị trường, sẵn sàng tăng cung trong mọi tình huống để đảm bảo nguồn hàng hóa phục vụ người dân phía bắc. Các doanh nghiệp đang chuẩn bị hàng hóa phục vụ thị trường tết nên nguồn nguyên liệu và sản lượng hàng dự trữ rất dồi dào.

Căn cứ vào tình hình thực tế, Hiệp hội sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết hỗ trợ địa phương có vùng chăn nuôi lớn bị thiệt hại, sẽ hỗ trợ bằng con giống, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi và các loại vật tư khác. Đàn gia cầm thương phẩm thì có khả năng phục hồi nhanh nhưng với các đàn sinh sản thì phải mất thời gian tới 6 tháng. Chính vì vậy, chúng tôi cũng tranh thủ thời gian và kêu gọi các nguồn lực xã hội cùng chung tay hỗ trợ người chăn nuôi để phục hồi sản xuất càng sớm càng tốt.

TS Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm VN

Tại các tỉnh phía bắc, theo TS Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm VN (VIPA): Ngay khu vực ngoại thành Hà Nội, một số thành viên của Hiệp hội cũng bị ảnh hưởng bởi bão lũ vừa qua. Bên cạnh đó còn có nhiều doanh nghiệp khác ở Thái Bình, Hải Phòng, Thái Nguyên… bị thiệt hại nặng nề, nhiều hộ và doanh nghiệp mất trắng tài sản. Thực trạng này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung thịt trong những tháng tới. 

Trong bối cảnh đó, các địa phương và Bộ NN-PTNT đang phát động chương trình phục hồi sản xuất nông nghiệp, bao gồm lĩnh vực chăn nuôi. Trước mắt, Hiệp hội vận động các thành viên tham gia đóng góp ủng hộ đồng bào bằng tiền mặt, một số doanh nghiệp chuyển vật tư, thực phẩm lên các tỉnh bị thiệt hại để hỗ trợ đồng bào. Bên cạnh đó, Hiệp hội đang thống kê lại thiệt hại của các hội viên để tiếp tục có những hành động tiếp theo nhằm hỗ trợ hội viên và bà con nông dân phục hồi sản xuất.

"Căn cứ vào tình hình thực tế, Hiệp hội sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết hỗ trợ địa phương có vùng chăn nuôi lớn bị thiệt hại, sẽ hỗ trợ bằng con giống, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi và các loại vật tư khác. Đàn gia cầm thương phẩm thì có khả năng phục hồi nhanh nhưng với các đàn sinh sản thì phải mất thời gian tới 6 tháng. Chính vì vậy, chúng tôi cũng tranh thủ thời gian và kêu gọi các nguồn lực xã hội cùng chung tay hỗ trợ người chăn nuôi để phục hồi sản xuất càng sớm càng tốt", ông Sơn cho hay.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.