Hàng hóa về TP.HCM ngày càng đa dạng

31/07/2021 06:19 GMT+7

Việc nới lỏng kiểm tra đối với xe vận tải hàng hóa tại các chốt kiểm soát dịch mở ra cơ hội cho lương thực, hàng hóa về TP.HCM nhanh hơn, nhiều hơn trong thời gian tới.

Cụ thể, Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi các bộ, ngành về việc tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa trong tình hình dịch Covid-19. Theo đó, Phó thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu không kiểm tra tại các chốt kiểm soát dịch đối với phương tiện có giấy nhận diện có QR code còn thời hạn do ngành GTVT cấp vận chuyển hàng hóa phục vụ xây dựng, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, tiêu dùng (trừ các hàng hóa cấm sản xuất, kinh doanh theo quy định) trên tất cả tuyến đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông liên huyện, giao thông đô thị trên phạm vi cả nước. Trường hợp phương tiện không có giấy nhận diện có QR code, hoặc có nhưng hết thời hạn thì thực hiện kiểm tra việc khai báo y tế và giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm với SARS-CoV-2 đối với người trên phương tiện.

Sáng 31.7: TP.HCM thêm 2.503 ca Covid-19 sau 12 giờ

Thoát “ải” QR Code

Ngay sau chỉ đạo của Phó thủ tướng, anh Lê Cường, giám đốc một doanh nghiệp (DN) xây dựng tại TP.HCM lập tức chuẩn bị chất hàng lên xe để tiếp tục hoạt động thiện nguyện. Cùng một nhóm các nhà hảo tâm gom lương thực, thực phẩm từ các tỉnh về hỗ trợ bà con nghèo tại TP.HCM, anh Cường nhận nhiệm vụ đầu mối điều phối vận chuyển. Trưng dụng đủ các loại xe từ 5 - 35 tấn thường ngày chở vật liệu xây dựng, anh Cường cho biết khó khăn lớn nhất trong quá trình di chuyển là khi lưu thông qua các chốt. Dù Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ, Bộ Y tế liên tục có nhiều quyết định tháo gỡ khó khăn, tạo luồng xanh cho xe chở thực phẩm thiết yếu nhưng thực tế, mỗi địa phương lại thực thi quy định khác nhau, phần nào làm khó các DN.
“Theo kế hoạch, chúng tôi đang có mấy chuyến xe gom mì, gạo từ Bến Tre nhưng chưa dám đi vì sợ kiểm tra, di chuyển chậm quá giờ giới nghiêm. Giờ Chính phủ đã có quyết định rồi, hy vọng chính quyền các địa phương nhanh chóng triển khai đồng bộ để tạo điều kiện cho thực phẩm sớm về với bà con TP”, anh Cường nói.
QR code cũng là khó khăn duy nhất mà đại diện một DN sản xuất gạo tại TP.HCM than với Thanh Niên. Theo vị này, những ngày gần đây, việc di chuyển giao nhận hàng hóa từ kho tới các điểm phân phối trong nội thành TP đã dễ dàng hơn rất nhiều. Tài xế di chuyển qua các chốt chỉ cần mang theo đầy đủ giấy tờ sẽ nhanh chóng được cho qua. 4 - 5 chuyến hàng giao nhận trong 1 ngày của công ty này đều ghi nhận tình hình ổn khi đi qua các chốt kiểm soát. Tuy vậy, các xe giao hàng liên tỉnh từ Bình Dương, Đồng Nai, Long An về TP hiện vẫn còn gặp khó vì dù xe chở mặt hàng thiết yếu, có logo công ty, tài xế có đầy đủ các giấy tờ, chỉ thiếu mỗi mã QR thì vẫn bị giữ lại, không cho qua.
Hàng hóa về TP.HCM ngày càng đa dạng1
“Về cơ bản thì công ty vẫn chuẩn bị đầy đủ thủ tục cho tài xế nhưng do mấy hôm hệ thống cấp QR code bị tin tặc tấn công, việc cấp mã diễn ra chậm nên một số xe chưa có kịp. Tại các chốt cửa ngõ TP.HCM, nếu trình bày kỹ, đảm bảo an toàn thì các anh công an cũng tạo điều kiện nhưng một số tỉnh, thành thì khó hơn nên cũng đành ngưng. Nói vậy để thấy, quy định phải đồng bộ, áp dụng kịp thời, cùng lúc tại tất cả các tỉnh thì lưu thông mới thông suốt được”, vị này chia sẻ.

“Luồng xanh đường thủy” đã vào guồng

Thực tế, những ngày qua, sau các chỉ đạo liên tục của các bộ GTVT, Công thương, NN-PTNT liên quan vận chuyển, bỏ quy định danh mục hàng thiết yếu... cánh cửa cho hàng hóa đổ về TP.HCM đã được mở thông thoáng hơn rất nhiều. Sau 3 ngày hoạt động trở lại, chương trình thiện nguyện “Kết nối yêu thương” mỗi ngày mang tới 30 - 40 tấn thịt heo bình ổn giá theo các chuyến xe thiện nguyện từ Đồng Nai, Bạc Liêu kết nối tới người dân TP.HCM. Đại diện “Kết nối yêu thương” thông tin các chuyến xe ngày càng thông thoáng, dễ dàng. Sự phối hợp giữa xe chở hàng liên tỉnh cùng việc điều phối vận chuyển tới các điểm bán trong nội đô ngày càng nhuần nhuyễn, thuần thục hơn. Bất kỳ động thái nới lỏng nào về vận chuyển hàng hóa sẽ càng hỗ trợ thêm cho các chuyến xe chở lương thực tới người dân một cách nhanh nhất, gần nhất và đa dạng hơn. Đơn cử, ban đầu chỉ là thịt heo mảnh, “Kết nối yêu thương” đã thử nghiệm thành công chở tôm càng xanh ướp lạnh từ Bạc Liêu lên tiêu thụ tại thị trường TP.HCM và nhận được rất nhiều đơn hàng đặt trước. Đến hôm qua (30.7), danh mục nhận đặt hàng của nhóm thiện nguyện này còn xuất hiện thêm cả đầu, lòng và tiết heo. Thực phẩm về TP.HCM ngày càng đa dạng.
Trong khi đó, “luồng xanh đường thủy” đã vào guồng, hoạt động trơn tru và đang phát huy tốt nhất lợi thế độc đạo của mình. Trước ngày 2 chuyến tàu cao tốc đầu tiên xuất phát, ông Trần Song Hải, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Xanh (Greenlines DP), không ngừng lo lắng về việc mỗi tỉnh có phương án chống dịch khác nhau, yêu cầu giấy tờ, thủ tục khác nhau sẽ khiến việc di chuyển của các phương tiện rắc rối, mất nhiều thời gian hơn. Tuy vậy, trao đổi nhanh với Thanh Niên chiều qua, ông Hải vui mừng thông báo “luồng xanh đường thủy” từ ngày đầu đã hoạt động rất hiệu quả. Trên cả cung đường di chuyển từ TP.HCM tới các tỉnh Tây Nam bộ, tàu cao tốc phải đi qua 7 chốt kiểm soát dịch. Đơn vị kiểm tra có yêu cầu dừng tàu nhưng giải quyết rất nhanh chóng, không gây cản trở gì cho việc vận chuyển.
“Sắp tới, chúng tôi còn tăng cường chở thêm nhiều loại thực phẩm, hàng hóa và khẩu trang, thiết bị y tế cho bà con. Các tỉnh, thành miền Nam có hệ thống sông ngòi dày đặc, liên kết với nhau nên rất thuận lợi để sử dụng đường thủy vận chuyển hàng hóa, tiết kiệm thời gian hơn rất nhiều so với đường bộ”, ông Hải thông tin.

Shipper vẫn gặp khó vì lượng giảm

Vận chuyển hàng hóa, thực phẩm về TP.HCM đã phần nào thông thoáng hơn nhiều so với giai đoạn các tỉnh, thành mới áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16, song, các hoạt động giao nhận đồ trong nội đô TP.HCM vẫn còn rất nhiều khó khăn do lực lượng shipper giảm mạnh.
Nhận nguyên liệu tươi từ Đà Lạt chở về tới nhà xe trên đường Nguyễn Tri Phương (Q.5) lúc hơn 16 giờ, chị Ngọc Nhung (Q.4) xất bất xang bang lo đặt giao nhận hàng qua ứng dụng Grab để chở đồ về cho kịp trước giờ TP giới nghiêm. 17 giờ là tất cả tài xế Grab tắt ứng dụng nhưng tới 16 giờ 45, chị Nhung vẫn chưa tìm được tài xế nào chịu nhận đơn. “Loay hoay một hồi, tôi phải năn nỉ mãi mới đặt được tài xế của Lalamove, đi có 3 km mà lấy phí 100.000 đồng, trong khi bình thường Grab giao chỉ hơn 30.000 đồng. Tôi nấu cơm hỗ trợ các gia đình người nghèo trong khu cách ly nhưng chắc phải chuẩn bị tạm ngưng vì không có người giao đồ. Bây giờ bắt được tài xế Grab khó kinh khủng, giá thì cao gấp 2 - 3 lần, không trụ nổi”, chị Nhung thở dài.
Mới đây, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình đã ký văn bản khẩn gửi các quận huyện và TP.Thủ Đức, cho phép shipper được di chuyển liên quận, huyện gỡ khó cho các shipper. Nhưng do số lượng shipper hoạt động còn ít nên việc giao hàng vẫn khó và giá còn cao.
Ngày 29.7, trên mạng xã hội có thông tin về việc rao bán, trao đổi thẻ có logo và con dấu của Công ty TNHH Grab. Sở Thông tin - Truyền thông TP.HCM xác định thông tin được phát tán trên là giả mạo, lợi dụng hình ảnh mẫu thẻ Grab để thay giấy đi đường khi chấp hành Chỉ thị 16. Việc mua bán thẻ, sử dụng các loại thẻ của các DN công nghệ cung ứng dịch vụ vận chuyển là vi phạm pháp luật, có dấu hiệu làm giả con dấu, sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Sở Thông tin - Truyền thông TP cảnh báo việc làm giả, cung cấp, sử dụng các loại giấy đi đường, giấy xác nhận làm việc... để được ra đường trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19 sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.