Hàng không chậm chuyến, hủy chuyến: Phải bồi thường thỏa đáng!

01/06/2016 13:32 GMT+7

Đó là ý kiến của nhiều bạn đọc về bài viết Hàng không chậm chuyến, hủy chuyến: Bồi thường bèo bọt trên Thanh Niên ngày 31.5.

Cần có chế tài
Theo tôi, bên cạnh việc nâng cao mức bồi thường cho hành khách khi bị chậm, hủy chuyến thì Bộ Giao thông vận tải (GTVT) nên quyết liệt trong chế tài đối với hãng nào để xảy ra chậm, hủy chuyến nhiều. Còn nhớ lúc ông Đinh La Thăng làm Bộ trưởng Bộ GTVT, vấn đề chậm, hủy chuyến đã được ông chỉ đạo xử lý quyết liệt và ngay sau đó đã có chuyển biến tốt đẹp. Bộ GTVT cần có thống kê tỷ lệ chậm, hủy chuyến của từng hãng cho từng tháng, từng quý. Nếu chậm, hủy chuyến quá nhiều, liên tục thì có chế tài phạt nặng.
Trần Ngọc Thọ
(TP.Tam Kỳ, Quảng Nam)
Vấn đề ứng xử
Hành khách đi máy bay chắc chắn là không mong bị chậm, trễ chuyến để được bồi thường. Điều quan trọng là cách ứng xử của các hãng hàng không đối với hành khách. Nếu các hãng chú trọng đến yếu tố tâm lý của hành khách, làm sao để hành khách cảm thấy yên tâm, hài lòng khi bị trễ, hủy chuyến thì hay biết mấy. Chỉ cần thông báo cho hành khách biết lý do chính đáng của việc chậm, hủy chuyến qua các phương tiện như điện thoại hay email… Và cho hành khách biết đến bao giờ thì có thể bắt đầu hành trình. Như thế là hành khách cảm thấy được tôn trọng, được đối xử đàng hoàng.
Huỳnh Thị Thanh Thúy
(Q.Cầu Giấy, Hà Nội)
Địa chỉ để hành khách phản ánh
Ngành GTVT cần buộc các hãng hàng không phải niêm yết số điện thoại nóng trên thẻ lên máy bay hoặc trên trang web để khách hàng phản ánh bức xúc, đòi bồi thường. Khi máy bay chậm, hủy chuyến kéo dài hoặc hành khách có bức xúc thì chẳng biết tìm đến kênh nào để phản ánh. Bên cạnh đó, các cảng hàng không cũng cần có đường dây nóng tiếp nhận phản ánh của hành khách, treo ở những nơi dễ thấy.
Vũ Thu Hà
(P.Bình An, TP.Biên Hòa, Đồng Nai)
Trách nhiệm của cả ngành GTVT
Để hàng không VN đạt được sự an toàn, đúng giờ, chất lượng dịch vụ cao với giá cả hợp lý… thì đòi hỏi ngành GTVT phải phát triển đồng bộ về cơ sở hạ tầng, công tác quản lý sân bay, kết nối giao thông đường bộ với sân bay. Bên cạnh đó, các hãng hàng không cũng cần nâng cao trách nhiệm đối với hành khách. Đừng có tư tưởng vì là hàng không giá rẻ là phục vụ tầng lớp bình dân, người ít tiền thì muốn trễ hay hủy chuyến lúc nào cũng được và bồi thường qua loa cho xong chuyện.
Đặng Thanh Phong
(TP.Quy Nhơn, Bình Định)
Qua những gì bài báo phân tích thì rõ ràng mức bồi thường cho việc chậm, hủy chuyến của các hãng hàng không hiện nay đối với hành khách là quá thấp. Để buộc hãng hàng không bồi thường cho hành khách khi để xảy ra chậm, hủy chuyến, thì ngoài các quy định của Bộ GTVT, hành khách có quyền buộc hãng hàng không bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định của bộ luật Dân sự. Để được bồi thường, hành khách phải chứng minh được thiệt hại có thật xảy ra do lỗi từ việc chậm, hủy chuyến.
Luật sư Lê Vi
(Đoàn luật sư TP.HCM)
Sự ra đời của các hãng hàng không giá rẻ đã giúp cho nhiều người thu nhập thấp có cơ hội tiếp cận với phương tiện giao thông hiện đại, nhanh chóng. Với tôi, việc di chuyển bằng máy bay giá rẻ sẽ tiện lợi, giá cả cũng gần bằng xe đò, tàu lửa nên tôi chọn nó. Vấn đề là khi xảy ra trễ, hủy chuyến hãng hàng không cần có thái độ ứng xử tôn trọng khách hàng, rồi sau đó mới tính chuyện bồi thường vật chất.
Trần Thị Thanh Thảo
(H.Bình Chánh, TP.HCM)
An Phong - Duy Khang
(thực hiện)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.