(TNO) Tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không Việt Nam diễn ra hôm nay 19.3, đa số các hãng hàng không đều than thở với Cục hàng không về chất lượng phục vụ của các sân bay đang không theo kịp với với yêu cầu phát triển.
Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - Ảnh: Thái Sơn
|
Theo ông Dương Chí Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Jetstar Pacific, hiện sức ép cạnh tranh trong thị trường hàng không nội địa đang khá gay gắt, giúp các hãng hàng không nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. Thị phần nội địa của Vietnam Airlines cộng với Jetstar đang chiếm khoảng 65%, số còn lại của VietjetAir là 35%.
Trước sức ép cạnh tranh gay gắt, các hãng hàng không phải luôn tìm cách nâng cao chất lượng, nhưng lại không chủ động được về hạ tầng do mảng này thuộc quản lý của đơn vị khác là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, dẫn tới nhiều khó khăn cho các hãng. “Vấn đề hiện nay là cơ sở hạ tầng về quản lý bay, cơ sở hạ tầng về sân bay, nhân lực phục vụ còn hạn chế nên nguy cơ ách tắc giao thông không lưu luôn thường trực. Đấy là còn chưa kể đến yếu tố thời tiết khiến các hãng hàng không khó chủ động được về giờ giấc”, ông Thành đơn cử.
Ông Thành lấy luôn ví dụ tại sân bay Nội Bài, sau khi nhà ga T2 khánh thành thì đã phát sinh bất cập trong việc kết nối với T1. “Trước đây, việc tổ chức nối chuyến là 90 phút nhưng hiện nay đã thêm 30 phút nữa mà vẫn không yên tâm. Giải quyết vấn đề này rất khó, phương án làm đường sắt trên không hay dưới ngầm đều không khả thi, nên tạm thời vẫn phải dùng xe buýt để di chuyển hành khách. Dù vậy, nguy cơ hành khách bị chậm rất cao. Còn ở sân bay Tân Sơn Nhất, không ít lần bị ngập đường bộ nối từ thành phố vào sân bay, gây ách tắc cục bộ, ảnh hưởng nghiêm trọng hoạt động của sân bay”, ông Thành nói.
Vấn đề nhân sự phục vụ tại các sân bay cũng được ông Thành đề cập đến với góc độ chưa đáp ứng được nhu cầu của các hãng hàng không. “Điều này có thể thấy rõ ở mùa hè tới tại những sân bay Cam Ranh (lượng khách tăng khoảng 3 lần), Đà Nẵng (lượng khách tăng khoảng 2 lần)... Bình thường không thể duy trì được nhiều nhân viên, nhưng khi mùa vụ đến rất cần bổ sung thêm nhân sự để đáp ứng nhu cầu phục vụ hành khách”, ông Thành dẫn chứng thêm.
Ông Tạ Hữu Thanh, Phó giám đốc văn phòng cảng vụ miền bắc của Jetstar Pacific tiếp lời: Cơ sở vật chất ở nhiều sân bay lẻ không tốt, nhất là ở các sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa), Cam Ranh (Khánh Hòa)... “Điển hình nhất là vấn đề thiếu ghế ngồi cho hành khách. Bên cạnh đó, 2015 là năm du lịch quốc gia Thanh Hóa, tỉnh này cũng đã đề nghị mở thêm nhiều đường bay mới, một số hãng cũng đã mở nhưng đến nay chưa yên tâm về cơ sở vật chất, nhân viên. Ngoài ra, vấn đề cho đóng cửa sân bay Thọ Xuân lúc 18 giờ chiều cũng rất hạn chế khả năng khai thác. Tôi đề nghị đơn vị chủ quản tăng giờ mở cửa sân bay này đến 21 giờ hàng ngày”, ông Thanh nói.
“Những vấn đề các hãng hàng không nêu ra tại đây đều là khó khăn cũ, tập trung nhiều vào cơ sở hạ tầng và chất lượng dịch vụ, chứng tỏ cơ chế phối hợp giữa chúng ta chưa tốt. Chúng tôi đã đầu tư rất nhiều để nỗ lực cải thiện, chịu lỗ nhiều nhưng vì nhiệm vụ chính trị nên vẫn làm nên cần phải có thời gian, lộ trình mới thay đổi được”, ông Đỗ Tất Bình, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam phản hồi.
Ông Bình cho biết thêm, trước đây, các dịch vụ đều do Vietnam Airlines độc quyền cung cấp, sau cơ chế mở cửa mới, Tổng công ty cảng cũng mở một số dịch vụ, tạo cạnh tranh, có lúc lành mạnh, có lúc không lành mạnh, gây thiệt hại cho chính doanh thu của nhà nước. Để giải quyết, các bên phải ngồi họp với nhau nhiều lần nữa, tạm thời vẫn giữ nguyên các dịch vụ ở sân bay.
Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam nói thêm: "Ngành hàng không còn rất nhiều khó khăn cần phải hệ thống ra để giải quyết triệt để dần. Chúng tôi sẽ tập hợp lại, lên kế hoạch, phương án để tất cả cùng tháo gỡ. Hôm nay không thể giải đáp, giải quyết xử lý, tháo gỡ hết khó khăn".
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Phạm Quý Tiêu thừa nhận, còn nhiều bất cập trong hoạt động của các sân bay. “Với khoảng cách có 30 mét mà bắt hành khách lên ô tô đi vòng 70 mét như vậy bảo sao không chậm? Chỉ một ví dụ nhỏ, cũng cho thấy bố trí, quản lý dưới mặt đất đã không hợp lý. Gia đình chúng ta cần đoàn kết để giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Trong đó, Tổng công ty cảng hàng không đang là đơn vị làm ăn tốt nhất, cũng nên san sẻ với các đơn vị khác”, ông Tiêu nói.
Chê bai dịch vụ suất ăn, xăng dầu
Ông Nguyễn Đức Tâm, Phó tổng giám đốc Vietjet Air chê các suất ăn do công ty con của Vietnam Airlines cung cấp hiện nay giá cao và mới chỉ đáp ứng được hơn 1 nửa số lượng. Vietjet đang cung ứng 9 món ăn trên máy bay nhưng đối tác mới đáp ứng được 5 món.
“Bên cạnh đó, chúng tôi đang dùng dịch vụ cung ứng xăng dầu từ công ty của Vietnam Airlines nhưng mức hao hụt quá lớn, gần 2%. Năm nay, ngân sách nhiên liệu của hãng là gần 6.000 tỉ đồng, nếu mất gần 2% thì là số tiền không nhỏ. Tôi kiến nghị Cục Hàng không làm sao giảm tỷ lệ hao hụt xuống dưới 1% để tiết kiệm chi phí hoạt động của chúng tôi và hạ giá vé cho hành khách”, ông Tâm nói.
|
Bình luận (0)