Cục Hàng không yêu cầu Bamboo báo cáo nợ
Cục Hàng không Việt Nam vừa yêu cầu Công ty CP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) báo cáo tình hình công nợ và phương án giải quyết khoản nợ với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không. Yêu cầu này được đưa ra sau khi Bộ GTVT có chỉ đạo về việc nghiên cứu giải quyết các kiến nghị của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đối với việc vi phạm hợp đồng của Bamboo Airways.
Bamboo Airways được yêu cầu khẩn trương báo cáo các khoản nợ, phương án giải quyết cũng như tình hình tài chính đảm bảo hoạt động kinh doanh. Đáng chú ý, văn bản của Cục không đề thời hạn phải báo cáo.
Theo ACV, từ tháng 5.2019 đến nay, Bamboo Airways thường xuyên thanh toán chậm trung bình là 42 ngày so với thời hạn thanh toán quy định trong hợp đồng đã ký kết.
Việc chậm thanh toán này bao gồm cả số tiền Bamboo thu hộ các dịch vụ phục vụ hành khách do phía cảng hàng không cung cấp trực tiếp đến hành khách như: soi chiếu an ninh, hành lý...
Tính đến ngày 18.3, tổng số nợ Bamboo Airways còn phải thanh toán cho ACV là hơn 205 tỉ đồng, trong đó tổng số nợ quá hạn là 178,7 tỉ đồng (chiếm hơn 87%). Trong số này, 107,3 tỉ đồng là tiền phí dịch vụ phục vụ hành khách, soi chiếu an ninh, hành lý do ACV cung cấp trực tiếp cho hành khách nhưng do Bamboo Airways thu hộ. Ngoài ra, còn 71,3 tỉ đồng là dịch vụ phục vụ mặt đất, dịch vụ cảng do ACV cung cấp trực tiếp cho hãng…
Sau nhiều văn bản hối thúc của ACV yêu cầu thanh toán nợ đúng hạn, Bamboo Airways cho biết đã có phương án trả nợ cho doanh nghiệp cảng này.
Ngoài ACV, tân binh của thị trường hàng không này cũng đang là "con nợ" của nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khác như Tổng công ty Quản lý bay (VATM), tiền xăng dầu máy bay…
Cất cánh từ tháng 8.2018, Bamboo Airways từng ghi nhận sự lớn mạnh rất nhanh chóng cả về đội máy bay, thị phần hàng không nội địa. Tuy nhiên, hàng không vẫn được ví là cuộc chơi của những doanh nghiệp giàu tiềm lực tài chính, có nguồn dự trữ tiền mặt lớn.
Mua/thuê máy bay, mở rộng đường bay liên tục trong những năm đầu tiên để chiếm lĩnh thị trường là bước đi bắt buộc, song điều này cũng đồng nghĩa với chấp nhận rủi ro lỗ trong 1 - 3 năm đầu khi doanh thu chưa thể bù đắp dòng tiền bỏ ra.
Dịch Covid-19 tiếp tục giáng một cú sốc với Bamboo Airways khi phần lớn các đường bay phải ngừng vì yêu cầu chống dịch, trong khi các chi phí khác tiếp tục phải thanh toán, cộng dồn thêm các khoản nợ cũ.
Tiềm năng thị trường vẫn lớn
Không chỉ Bamboo Airways, một “ông lớn” hàng không khác cũng lao đao là Vietnam Airlines. Đầu năm 2020, Vietnam Airlines có lượng tiền dự trữ khoảng 3.500 tỉ đồng nhưng đến nay đã cạn kiệt.
Doanh nghiệp đang phải gia tăng vay ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu thanh toán. Tuy nhiên, dư nợ vay ngắn hạn tính đến ngày 20.3 đã lên tới 3.568 tỉ đồng, trong khi nhiều khoản đến hạn thanh toán đang bị tạm dừng. Dòng tiền dự kiến sẽ thiếu hụt lũy kế xấp xỉ 15.000 tỉ đồng trong năm 2020.
Theo Tổng giám đốc Vietnam Airlines Dương Trí Thành, với quy mô hơn 100 máy bay, nếu sau dịch bệnh mà làm ăn tốt, có các cơ chế đảm bảo, thì hãng này vẫn cần tối thiểu 5 năm nữa mới bù được khoản lỗ đã phát sinh.
Trên thực tế, thị trường hàng không rất khó phục hồi nhanh trong 3 tháng tới đây, do các đường bay quốc tế chưa thể mở lại trong ngắn hạn. Việc mở lại hạn chế với các đường bay nội địa trong giai đoạn trước mắt sẽ giúp các hãng hoạt động cầm chừng, giảm lỗ, dù chưa thể vực dậy được doanh thu và tăng trưởng cho các hãng.
Tuy nhiên, cơ hội với thị trường hàng không Việt Nam về dài hạn vẫn là rất lớn. Dù đang gặp khó khăn về tài chính, song lãnh đạo Vietnam Airlines mới đây vẫn đề nghị được phê duyệt đề án đầu tư máy bay.
Lý do, dù giai đoạn này rất khó khăn, nhưng nếu đầu tư 50 máy bay sẽ là một cơ hội bởi phần lớn các hãng hàng không lớn trên thế giới đã hủy đơn hàng. Cách đây 2 tháng đặt máy bay thì phải 3 - 4 năm sau mới có, nhưng bây giờ có thể có sớm hơn.
Với các hãng hàng không khác như Vietjet Air, những bước đi đầu tiên cho khôi phục thị trường cũng đang được xúc tiến, không loại trừ cả kế hoạch tăng mua/thuê máy bay, tận dụng cơ hội khi thị trường thế giới đóng băng…
Bộ GTVT vừa kiến nghị Chính phủ các giải pháp hỗ trợ ngành vận tải, trong đó có hàng không.
Theo Bộ GTVT, là ngành chịu tác động mạnh nhất của dịch Covid-19, hoạt động kinh doanh của ngành hàng không đang diễn ra theo tình huống xấu hơn các kịch bản dã dự báo với tổng thị trường năm 2020 đạt khoảng 43 triệu khách, giảm 46% so với năm 2019.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải và hàng không nói riêng, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì xem xét hỗ trợ miễn thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay từ 23.1 đến hết 31.12 hoặc liền kề 90 ngày sau khi Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch, trường hợp cân đối ngân sách khó khăn thì xem xét giảm 50%.
Đồng thời, cho phép các doanh nghiệp được giãn thời gian nộp thuế và các khoản đóng góp cho ngân sách, miễn giảm phí neo đậu, miễn thuế giá trị gia tăng với vận tải nội địa trong 3 năm...
Bộ GTVT cũng đề nghị Ngân hàng nhà nước khoanh nợ gốc, giãn nợ, kéo dài thời hạn vay, không tính lãi phạt và không chuyển nhóm nợ...
|
Bình luận (0)