Hôm nay (8.11), Mỹ bắt đầu tiếp nhận lại tất cả khách quốc tế đến bằng đường hàng không đã tiêm đủ vắc xin Covid-19. Theo AFP, động thái này được nhiều người chờ đợi từ lâu, sau 18 tháng Mỹ giới hạn khách đến từ hàng chục nước trong bối cảnh đại dịch khiến thương gia và du khách gián đoạn việc đi lại. Dự kiến việc Mỹ và các nước nới lỏng quy định đi lại sẽ tác động lớn đến ngành hàng không vốn đang mong mỏi phục hồi.
Hành khách làm thủ tục tại sân bay quốc tế Los Angeles (California, Mỹ) vào ngày 1.11 |
AFP |
Nhộn nhịp trở lại
Các hãng hàng không lớn như Air France (Pháp), United Airlines (Mỹ) và Singapore Airlines (Singapore) chứng kiến nhu cầu đi lại tăng vọt và đang loay hoay đáp ứng bằng cách tăng chuyến, thay máy bay lớn hơn và nỗ lực thuê, giữ chân nhân viên. Ngay sau khi Mỹ hôm 15.10 thông báo về kế hoạch mở cửa từ hôm nay, Hãng British Airways (Anh) ghi nhận lượt tìm kiếm chuyến bay đến Mỹ tăng 900% so với tuần trước đó. Sang ngày 16.10, Hãng American Airlines (Mỹ) có số lượt đặt vé đến Anh tăng 66%, đến châu Âu tăng 40% và đến Brazil tăng 74%.
Hãng Air France trong nhiều tháng qua đã có những chuyến bay với nhiều ghế trống, nhưng gần đây đã tăng số chuyến bay hằng ngày giữa New York và Paris lên 5, so với 3 chuyến lúc trước. Với đường bay giữa Paris và Houston (Texas, Mỹ), hãng đang chuyển từ máy bay Airbus 330 sang Boeing 777 để có nhiều ghế hơn. Air France dự báo vào tháng 3.2022, lượng khách đi lại giữa Pháp và Mỹ của hãng sẽ đạt 90% so với thời chưa có Covid-19.
Các hãng dự báo lượng khách tăng dần trong tháng 1 và 2.2022, và sẽ tăng vọt vào mùa hè năm tới. Hãng United Airlines đang hy vọng lượng khách quốc tế phục hồi và đưa ra 5 đường bay mới vào năm 2022 đến Tây Ban Nha và Na Uy, tăng chuyến đến Rome (Ý), Dublin (Ireland) và khôi phục nhiều đường bay khác. Trong khi đó, giới chuyên môn dự báo nhu cầu khách quốc tế đến châu Á cũng sẽ tăng nhưng chậm hơn.
Mỹ bỏ hạn chế nhập cảnh, người nước ngoài chỉ cần tiêm ngừa Covid-19, có xác nhận âm tính |
Vẫn còn thách thức
Song song với hy vọng hồi phục, các hãng hàng không đang đối diện không ít thách thức do tác động của đại dịch Covid-19. Chuyên gia Burkett Huey tại Công ty dịch vụ tài chính Morningstar (Mỹ) cho rằng các hãng có thể có đủ máy bay đáp ứng nhu cầu gia tăng, nhưng việc có đủ nhân viên sẽ là một vấn đề cần giải quyết. Lĩnh vực hàng không chứng kiến sự ra đi của vô số nhân viên trong đại dịch. Trong vài tuần qua, hai hãng của Mỹ là American Airlines và Southwest Airlines đã hủy hàng ngàn chuyến bay do thiếu nhân viên. Theo tờ Financial Times, các hãng hàng không Mỹ đối diện thách thức lớn từ việc thiếu phi công, tiếp viên, nhân viên kiểm tra vé, kiểm tra hành lý và dịch vụ khách hàng, nhất là nhằm phục vụ mùa đi lại cuối năm dự kiến tăng vọt.
Bên cạnh đó, chưa rõ khi nào nguồn khách thương gia sẽ đông đúc trở lại, trong khi nhóm hành khách này đôi khi mang lại đến 75% doanh thu trên một số đường bay quốc tế. Thông thường, các hãng dùng máy bay thân lớn trên những chuyến đông khách xuyên Đại Tây Dương để có ghế thoải mái cho thương gia và dùng máy bay nhỏ hơn đến các điểm du lịch. Tuy nhiên, nếu khách thương gia chưa quay lại nhiều, các hãng có thể phải quyết định dùng máy bay nhỏ hơn cho các chặng xa. Chưa hết, nhiều doanh nhân còn chuyển sang dùng máy bay riêng trong đại dịch và không chắc khi nào họ sẽ sử dụng máy bay thương mại trở lại.
Tiếp viên hàng không thoát y phản đối hãng bay giảm lương |
Hãng Lufthansa (Đức) cho rằng việc Mỹ mở cửa lại vào hôm nay khiến nhu cầu đi lại tăng vọt nhưng sự phục hồi có thể mong manh và hãng dự kiến chỉ hoạt động 70% công suất vào năm 2022. Tương tự, các hãng cũng hiểu rõ rằng xu hướng nới lỏng đi lại quốc tế hiện nay có thể dễ dàng bị siết lại nếu tình trạng lây nhiễm Covid-19 diễn biến xấu.
Thiệt hại nặng
Theo Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), đại dịch Covid-19 khiến hàng không toàn cầu thiệt hại nặng và năm 2020 được xem là “năm tồi tệ nhất lịch sử” về nhu cầu đi lại, với lượng khách chỉ 1,8 tỉ, giảm mạnh so với 4,5 tỉ vào năm 2019. Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) ước tính lĩnh vực hàng không đã thất thu 371 tỉ USD trong năm ngoái. Một số hãng đã dừng hoạt động như Island Express Air (Canada), Cathay Dragon (Hồng Kông), AtlasGlobal (Thổ Nhĩ Kỳ) và Flybe (Anh), trong khi nhiều hãng khác phải tái cấu trúc để tồn tại.
IATA dự báo lượng khách hàng không có thể đạt 2,3 tỉ trong năm nay, tăng lên 3,4 tỉ vào năm 2022. Dự báo vận tải hàng hóa đường hàng không năm nay sẽ tăng 7,9% so với năm ngoái và tăng 13,2% so với năm 2019. Đài BBC dẫn lời Phó chủ tịch Hãng Boeing (Mỹ) Darren Hulst dự báo hàng không toàn cầu sẽ phải mất hơn 2 năm nữa để hồi phục bằng năm 2019, với các chuyến bay quốc tế đường dài hồi phục chậm hơn, một phần do quy định giới hạn đi lại của các nước.
Bình luận (0)