Hàng loạt cảm biến độc đáo ra mắt tại hội chợ công nghệ cao Tokyo

19/10/2018 14:13 GMT+7

Nhiều cảm biến hiện đại có thể đo mức độ căng thẳng, tâm trạng, tư thế, hiệu suất và mùi hương vừa là trung tâm của sự chú ý tại hội chợ công nghệ cao hàng đầu châu Á diễn ra ở Tokyo (Nhật Bản).

Theo AFP, nếu cách đây 10 năm, hội chợ CEATEC khiến người tham quan ấn tượng với những chiếc TV và hệ thống giải trí màn hình lớn thì năm nay, điểm nhấn chuyển dần sang nhiều cảm biến nhỏ, đo lường chính xác các khía cạnh nhỏ nhất của cơ thể con người. Đây là “đặc sản” của Nhật Bản.
Hãng điện tử Panasonic vừa giới thiệu nguyên mẫu chiếc ghế bành đo lường được lượng mồ hôi mà cánh tay người dùng tiết ra. Nó cũng cảm nhận được vị trí ngồi cùng nét mặt người dùng thông qua camera để xác định mức độ căng thẳng. Cảm biến có thể hữu ích cho phi công hoặc tài xế xe tải đường dài, song một ngày nào đó nó cũng có thể bước vào công sở.
“Bạn có thể tưởng tượng chiếc ghế như thế đặt trong văn phòng. Bằng cách kết hợp kết quả đo lường với điều hòa không khí và độ sáng, bạn có thể điều chỉnh không khí của văn phòng, cho phép mọi người thư giãn nếu cần”, một người giới thiệu sản phẩm của Panasonic cho hay.
Nhà sản xuất linh kiện Murata Manufacturing đi tiên phong với thiết bị nhỏ được giữ giữa ngón cái và ngón trỏ để đo nhịp tim và hệ thống thần kinh. Phát ngôn viên Takashi Hayashida của hãng Murata cho hay: “Chúng tôi sẽ sớm bắt đầu bán sản phẩm đến giới doanh nghiệp để họ đo lường mức độ căng thẳng của nhân viên. Các hãng vận chuyển và taxi đặc biệt quan tâm”.
Với thiết bị do hãng Lion tung ra, người dùng có thể kiểm tra tình trạng vệ sinh răng miệng của mình Ảnh: AFP
Nhân viên trang bị cảm biến có thể được theo dõi thường xuyên để “cải thiện tư thế và năng suất của họ”, theo hãng điện tử TDK của Nhật Bản.
Cảm biến cũng mở rộng sang mảng thể thao. Fujitsu vừa trình bày hệ thống phân tích 3D dựa trên cảm biến để cải thiện thành tích của vận động viên thể dục, thể thao. Cảm biến cũng được đưa vào ngành y tế, đặc biệt là để chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Khoảng 28% dân số Nhật Bản trên 65 tuổi.
Màn hình hiển thị kết quả đầu ra của hệ thống cảm biến laser với tính năng phản ánh chuyển động của vận động viên nhằm ghi điểm chính xác Ảnh: Fujitsu
Sử dụng thiết bị được hãng vệ sinh Lion phát triển, bệnh nhân lo lắng về răng của họ có thể cười trước smartphone và gửi dữ liệu đến máy chủ chuyên dụng. Máy chủ có khả năng gửi trả dữ liệu vệ sinh răng miệng về lại cho bệnh nhân.
Hãng thiết bị nhà ở Lixil cũng phát triển cảm biến cho bồn tắm, có thể đo nhiệt độ nước và nhiều dấu hiệu sinh tồn quan trọng như nhịp tim, nhiệt độ cơ thể nhằm giảm các vụ đột tử khi tắm, vốn xảy ra với 5.000 người mỗi năm tại Nhật Bản. 90% số người đột tử khi tắm trên 65 tuổi.
Sản phẩm của hãng Lixil Ảnh: Lixil
Ở đầu còn lại của thước đo tuổi tác, cảm biến có thể được triển khai để giảm tải áp lực thiếu hụt lao động ở các trường mẫu giáo, nhà trẻ. Tổ chức Phát triển Công nghệ Công nghiệp và Năng lượng mới Nhật Bản phát triển film siêu mịn và nhạy cảm, có thể thực hiện một loạt chức năng liên quan đến chăm sóc trẻ em.
Đơn cử, khi được đặt trong cũi, nó có thể tải dữ liệu đến máy tính, cho biết em bé có nằm sấp hay đột ngột sốt hay không. Thiết bị có thể cảnh báo cho người lớn biết nếu cần. Film cũng có thể dùng để xác định bữa ăn được dùng hết bao nhiêu và với tốc độ nhanh như thế nào tại bệnh viên hay viện dưỡng lão, bằng cách đo áp suất mà đĩa hoặc bát thức ăn đặt lên bàn.
Cảm biến còn được dùng để tiện lợi hóa chuyện nuôi vật nuôi Ảnh: AFP
Tất nhiên, cũng có nỗ lực công nghệ cảm biến đặt mục tiêu hỗ trợ những thứ ít liên quan đến sự sống còn hơn, chẳng hạn như xử lý mùi cơ thể, điều mà dân Nhật đặc biệt nhạy cảm. Hãng mỹ phẩm Shiseido mới đây đưa ra nghiên cứu để chứng minh rằng một người đang căng thẳng phát ra mùi như củ hành.
Cảm biến cũng không chỉ gói gọn phục vụ con người. Ví dụ hãng Sharp phát triển khay đựng rác cho mèo, được trang bị màn hình để đo khối lượng và tần suất nước tiểu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.