Hàng loạt cầu thủ giải hàng đầu Indonesia đi bán hàng rong, làm bảo vệ

11/11/2020 14:32 GMT+7

Việc các giải đấu quốc nội bị ‘đóng băng’ do đại dịch Covid-19 gây ra và cắt giảm lương rất lớn, các cầu thủ bóng đá Indonesia không có việc làm đã buộc làm nhiều công việc để kiếm sống như bán thức ăn đường phố hoặc làm nhân viên bảo vệ.

Theo AFP, nhiều giải đấu trên thế giới đã thi đấu trở lại, hầu hết diễn ra trong các sân vận động trống. Nhưng giải hàng đầu Indonesia (Liga 1) dự kiến sẽ không khởi động lại cho đến đầu năm sau khi đất nước vạn đảo tiếp tục chứng kiến sự gia tăng về trường hợp nhiễm Covid-19.
Các HLV và cầu thủ - bị ảnh hưởng bởi việc cắt giảm lương lên tới 75% - đã kêu gọi Indonesia thực hiện các biện pháp để bóng đá trở lại như các quốc gia khác, trong đó có nước láng giềng Malaysia và Thái Lan, nơi bóng đá chuyên nghiệp đã thi đấu trở với các hạn chế an toàn Covid-19.

Muliadi và vợ đóng gói cà phê để rao bán khi nguồn thu nhập từ bóng đá bị cắt giảm

AFP

Bagus Nirwanto - đội trưởng CLB PSS Sleman, đã quen với việc chơi bóng trước hàng nghìn người hâm mộ. Nhưng sau khi lương bị cắt một nửa, hậu vệ phải 27 tuổi này đã phải chuyển sang buôn gạo và đường với vợ. Nirwanto và nhiều cầu thủ khác ở Indonesia đang vật lộn để giữ thể lực và tâm lý sa sút do không thi đấu. “Tôi hoàn toàn thất vọng vì giải đấu đã bị hoãn lại. Chúng tôi đã thực sự phấn khích và tập luyện chăm chỉ cho trận đấu đầu tiên của mình... Chúng tôi lẽ ra được phép tổ chức các trận đấu mà không có đám đông”, Nirwanto cho biết.
Liên đoàn Bóng đá Indonesia (PSSI) ban đầu bật đèn xanh cho các giải đấu khởi động lại vào tháng 10, nhưng sau đó đã đảo ngược quyết định. Djadjang Nurdjaman - HLV của CLB PS Barito Putera, mô tả trong nỗi thất vọng: "Mọi thứ là một mớ hỗn độn khi những kế hoạch của chúng tôi vừa hình thành đã bị hủy. Chúng tôi không biết (giải đấu) sẽ như thế nào. Nó đã gây ra một thiệt hại nghiêm trọng cho các cầu thủ... ".
Nhiều cầu thủ Indonesia được cho là kiếm được ít nhất 2.000 USD/tháng khi thi đấu. "Chúng tôi không thể phủ nhận rằng có một hiệu ứng domino. Sự cạnh tranh đã bị đóng băng và điều này ảnh hưởng đến doanh thu của câu lạc bộ, từ đó ảnh hưởng đến tiền lương của các cầu thủ. Nhưng chúng tôi không thể buộc các câu lạc bộ trả lương đầy đủ cho các cầu thủ như trong tình huống bình thường", chủ tịch PSSI Mochamad Iriawan nói với AFP.
Một số cầu thủ Indonesia đã bán bánh tự làm và đồ uống nước đá dừa cho người qua đường hoặc các món ăn đường phố đơn giản như gà sa tế - thịt nướng với nước sốt đậu phộng - trong khi một cầu thủ bóng đá ở bắc Sumatra tìm việc làm nhân viên bảo vệ ngân hàng.
Andri Muliadi - một cầu thủ của CLB Borneo FC và đã đưa gia đình về nhà ở Sumatra sau khi các giải đấu bị hoãn, cho biết anh đang giúp quảng bá việc kinh doanh cà phê nhỏ của vợ chồng mình qua trực tuyến. “Tất cả chúng tôi đều hoảng sợ khi đại dịch ập đến. Tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc tìm một cách khác để kiếm tiền hỗ trợ gia đình trong thời gian khó khăn này...”, Muliadi chia sẻ. Muliadi - người đang chơi bóng với những người hàng xóm để giữ dáng và thể lực, cũng đang phải vật lộn để duy trì các hoạt động kinh doanh đã có từ trước chuyên cho thuê quạt điện tại các sự kiện.

Nhiều cầu thủ Indonesia phải tìm cách tập luyện để duy trì thể lực

AFP

Ngoài việc cắt giảm lương, nhiều cầu thủ đã nhận thấy lịch trình tập luyện của họ bị xáo trộn và không có trận nào để thi đấu. “Chúng tôi không thể phát triển chuyên nghiệp trừ khi có sự cạnh tranh”, Muliadi của Borneo FC nhấn mạnh.
Đại dịch đánh dấu thử thách mới nhất đối với 18 CLB ở Liga 1 và hai giải hạng dưới, vốn đã bị ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu và một loạt các vấn đề trong nhiều năm, trong đó có những vụ bê bối dàn xếp tỷ số và bạo lực chết người.
Phúc lợi cầu thủ ở Indonesia trước đó đã được chú ý khi ít nhất 2 cầu thủ nước ngoài qua đời do họ không đủ khả năng chăm sóc y tế vì không được trả lương. Mặc dù vậy, Liga 1 của Indonesia vẫn thu hút được các cầu thủ ngôi sao từ Ngoại hạng Anh, Michael Essien (cựu tiền vệ của Chelsea) và tiền vệ Didier Zokora của Tottenham. Trong khi đó, hầu hết các cầu thủ “cây nhà lá vườn” được trả một phần nhỏ so với ngôi sao nước ngoài. Hậu vệ cánh Supardi Nasir (37 tuổi) - đội trưởng của CLB Persib Bandung cho biết: “Tôi thực sự vắt óc tìm cách kiếm sống để nuôi 4 đứa con của mình. Chơi bóng là kế sinh nhai duy nhất của tôi".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.