Hàng loạt 'con nghiện' ôm vô lăng, ngành giao thông... bất lực?

15/01/2019 18:00 GMT+7

Doanh nghiệp cần có trách nhiệm khi thuê tài xế, không thể chỉ vì lợi nhuận mà thuê "con nghiện" ôm vô lăng, xem thường tính mạng người khác...

Vấn nạn "con nghiện" ôm vô lăng đã đến mức "báo động đỏ"

[VIDEO] Tài xế xe container chơi ma túy – Khi Thần Chết cầm vô lăng giữa Sài Gòn
Vụ xe container tông liên tiếp 21 xe máy làm 4 người chết, 18 người bị thương nặng xảy ra ở Long An ngày 2.1 vừa qua, gây chấn động dư luận. Điều đáng nói là  tài xế điều khiển xe container gây tai nạn thảm khốc, bị xác định dương tính với ma túy và có nồng độ cồn trong máu cao gây hoang mang dư luận.
Mới đây, chỉ trong 2 ngày 12 - 13.1, lực lượng CSGT cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra đối với tài xế xe container tại các cảng container ở Q.Thủ Đức (TP.HCM). Chỉ qua kiểm tra nhanh một số tài xế, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều người dương tính với ma túy và cất giấu hung khí trên xe.
Nhiều vụ tai nạn chết người do xe container, xe tải, xe bồn gây ra. Trong khi đó, vấn nạn "con nghiện" ôm vô lăng gây ra tai nạn thảm khốc đang khiến dư luận hoang mang ẢNH: T.N
Trước vấn nạn "con nghiện" ôm vô lăng, nhiều ý kiến cho rằng phải siết lại quy định đối với tài xế, không để tài xế sử dụng bia rượu, ma túy ôm vô lăng gây nguy hiểm đến tính mạng người tham gia giao thông.
Ngày 15.1, báo cáo tình hình, kết quả công tác đảm bảo an toàn giao thông năm 2018, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08, Công an TP.HCM), cho biết PC08 đã xử lý 10.827 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, trong đó có 320 trường hợp là lái xe ô tô, 10.507 trường hợp là lái xe mô tô, gắn máy.
Trả lời PV Thanh Niên, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP.HCM đánh giá, một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, là tài xế dương tính với chất kích thích như rượu bia, ma túy. Vấn nạn "con nghiện" ôm vô lăng đã đến mức "báo động đỏ", cần phải được chấn chỉnh ngay, giải quyết triệt để với những biện pháp mạnh.
Liên tiếp nhiều vụ tai nạn do xe container gây ra, tài xế "dính" ma túy..., khiến dư luận hết sức lo lắng ẢNH: NGỌC DƯƠNG

"Đầu tiên phải nói về trách nhiệm của gia đình, nên góp ý với tài xế; kế đó là trách nhiệm của doanh nghiệp khi thuê mướn tài xế, không thể chỉ vì lợi nhuận mà bỏ qua chuyện kiểm tra sức khỏe, năng lực. Đồng thời doanh nghiệp cũng phải tạo điều kiện để tài xế có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động bởi nếu chỉ cần thiếu ngủ cũng dễ sơ sẩy gây tai nạn nguy hiểm”, ông Tường phân tích.

Từ đó, ông Tường cho rằng cần phải chú trọng quan tâm đến sức khỏe của tài xế hơn, nếu kiểm tra tài xế nào dương tính với ma túy thì cấm vĩnh viễn không cho lái xe nữa, đưa đi cai nghiện.

Sức khỏe tài xế đang bị... thả nổi

Đại tá Trần Sơn (cựu Phó trưởng Phòng hướng dẫn luật và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông - Cục CSGT, Bộ Công an) đánh giá, hiện nay chế tài để xử lý vi phạm nhẹ, vì nếu chủ doanh nghiệp có tài xế gây tai nạn, chỉ phải chịu trách nhiệm dân sự chứ không chịu trách nhiệm hình sự.
Vụ tai nạn do container với tài xế "dính" ma túy, nồng độ cồn trong máu cao, gây ra ở Long An ngày 2.1 vừa qua, hậu quả có đến 4 người chết, 18 người bị thương nặng ẢNH: T.N
Việc xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ hiện nay phải tuân thủ luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 46/CP về xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt. Tuy nhiên, qua thực tế về công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, cho thấy có nhiều lỗi vi phạm của người tham gia giao thông, nếu căn cứ 2 quy định trên, thì chưa đủ sức răn đe và giáo dục, đặc biệt đối với hành vi gây nên những vụ tai nạn nghiêm trọng như thời gian vừa qua.
Đại tá Trần Sơn phân tích, việc tài xế sử dụng rượu bia, ma túy mà vẫn lái xe là cực kỳ nguy hiểm, không chỉ cho bản thân tài xế mà còn liên lụy đến hành khách trên xe, người tham gia giao thông trên đường...
Chưa hết, từ trước đến nay, sức khỏe của người lái xe còn bị buông lỏng từ khâu kiểm tra sức khỏe để làm hồ sơ thi lấy giấy phép lái xe, cho đến khâu đi thi, đến việc kiểm tra sức khỏe định kỳ đối với các tài xế hành nghề lái xe; trách nhiệm chủ xe đối với việc quản lý sức khỏe của lái xe; quy định về lập các trạm dừng nghỉ để tạo điều kiện cho lái xe dọc đường. Thời gian qua dường như ngành giao thông vận tải đang "bất lực" trước việc kiểm tra sức khỏe của tài xế.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần phải nhân rộng cách làm tích cực của Công an Q.Thủ Đức (TP.HCM), đó là thường xuyên ra quân chốt chặn, kiểm tra tài xế. Đồng thời, phải cấm vĩnh viễn "con nghiện" ôm vô lăng ẢNH: CÔNG NGUYÊN
“Cần siết chặt việc quản lý đội ngũ lái xe lẫn doanh nghiệp thuê đội ngũ này, không được để tình trạng tài xế sử dụng chất kích thích, ma túy mà vẫn cho lái xe gây nguy hiểm. Các vụ tai nạn giao thông xảy ra cho thấy kỹ năng điều khiển xe, xử lý tình huống khi đi trên đường của nhiều lái xe còn kém. Vì vậy, việc đào tạo sát hạch và cấp giấy phép lái xe phải được coi trọng hơn”, đại tá Trần Sơn nhấn mạnh.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.