Toàn tỉnh Quảng Ngãi có 19 cụm công nghiệp, phần lớn đều nằm gần khu dân cư. Các doanh nghiệp (DN) hoạt động sản xuất kinh doanh trong các cụm công nghiệp này đều phải tự xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường. Vì vậy có những DN lén lút xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý sơ sài ra môi trường, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của người dân.
RẤT NHIỀU SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG
Cụm công nghiệp làng nghề Tịnh Ấn Tây (thuộc xã Tịnh Ấn Tây, TP.Quảng Ngãi) là một trong những cụm công nghiệp gây ô nhiễm "điển hình" ở Quảng Ngãi. Cụm công nghiệp này không có hệ thống xử lý nước thải tập trung nên toàn bộ nước thải của các nhà máy, cơ sở sản xuất sau khi được xử lý cục bộ đều thải trực tiếp ra hệ thống kênh chìm, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của người dân. Có DN còn lén lút xả chất thải nguy hại, chất thải chưa qua xử lý thẳng ra môi trường.
Ông Võ Đức (ở xã Tịnh Ấn Tây) cho hay nước kênh ở gần Cụm công nghiệp làng nghề Tịnh Ấn Tây có màu xanh, đen. Mỗi lần có DN xả thải là nước có mùi hôi, rất khó chịu. "Ở đây, người dân sợ nhất là nguồn nước uống bị ô nhiễm. Cứ mỗi lần nước ở kênh nhiều là nước trong cụm công nghiệp lại xả ra theo. Người dân sống ở gần cụm công nghiệp rất lo lắng, đã kiến nghị với chính quyền địa phương nhiều lần nhưng đến nay vẫn không khắc phục", ông Đức nói.
Tháng 2.2024, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 330 triệu đồng đối với Công ty TNHH sản xuất và thương mại Sinh Lộc (tại Cụm công nghiệp làng nghề Tịnh Ấn Tây) vì có hành vi xả ra môi trường nước thải có các thông số nguy hại vượt quá quy chuẩn kỹ thuật. Điều đáng lo ngại là nhà máy sản xuất mạch nha công nghiệp của DN này đã xả chất thải có chứa xyanua vượt trên 21 lần quy định, khiến người dân rất bất an.
Theo chính quyền địa phương, gần 20 năm được đầu tư và thu hút DN vào sản xuất kinh doanh, đã từng xảy ra rất nhiều sự cố môi trường tại Cụm công nghiệp làng nghề Tịnh Ấn Tây. Nhiều vụ xả thải của DN khiến cá chết hàng loạt, nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm. Người dân đã nhiều lần phản đối, kiến nghị xử lý nhưng vẫn chưa ngăn chặn triệt để tình trạng này.
Ông Nguyễn Tấn Tiền, Phó chủ tịch UBND xã Tịnh Ấn Tây, cho biết người dân ở địa phương đã ý kiến rất nhiều lần. Đặc biệt, khi đến mùa hè nước cạn là nguồn nước ô nhiễm, ảnh hưởng đến các xã phía đông bắc của TP.Quảng Ngãi. Nước bị ô nhiễm khiến cá chết hàng loạt nên người dân rất bức xúc.
DOANH NGHIỆP E NGẠI
Còn tại Cụm công nghiệp Đồng Dinh (thuộc H.Nghĩa Hành), nhiều DN sản xuất kinh doanh lo ngại ô nhiễm môi trường nên đã chủ động đầu tư trạm xử lý nước thải riêng với kinh phí hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, họ vẫn không yên tâm vì những sự cố môi trường ngoài ý muốn có thể xảy ra bất cứ lúc nào, nên luôn chờ đợi một hệ thống xử lý nước thải tập trung do địa phương đầu tư.
Theo ông Phạm Quốc Vương, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng H.Nghĩa Hành, đến nay hệ thống xử lý nước thải tập trung tại Cụm công nghiệp Đồng Dinh vẫn chưa được đầu tư do nguồn kinh phí gặp khó khăn. Trước tình hình đó, UBND H.Nghĩa Hành đã nhiều lần đề xuất với UBND tỉnh Quảng Ngãi hỗ trợ đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung, nhằm từng bước hoàn thành hệ thống xử lý nước thải.
Cụm công nghiệp La Hà (H.Tư Nghĩa) cũng không có hệ thống xử lý nước thải tập trung, từng DN phải tự xử lý bằng phương pháp thô sơ và thủ công nên ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến môi trường. Ông Bùi Minh Tuấn, Giám đốc nhà máy bê tông La Hà (Cụm công nghiệp La Hà) bày tỏ: "Nguyện vọng của các DN là mong muốn cơ quan chức năng đầu tư một hệ thống xử lý nước thải tập trung của cụm công nghiệp, để nước thải của các công ty ở trong cụm công nghiệp được xử lý và thải ra môi trường đảm bảo".
XÃ HỘI HÓA ĐỂ ĐẦU TƯ HẠ TẦNG MÔI TRƯỜNG
Năm 2019, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã bố trí 10 tỉ đồng cho TP.Quảng Ngãi đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung ở Cụm công nghiệp làng nghề Tịnh Ấn Tây, với công suất 500 m3/ngày đêm, nhưng UBND TP.Quảng Ngãi không thực hiện mà trả lại vốn đầu tư.
Về vấn đề này, theo ông Trà Thanh Danh, Chủ tịch UBND TP.Quảng Ngãi, qua đăng ký chính thức của các cơ sở kinh doanh ở Cụm công nghiệp làng nghề Tịnh Ấn Tây thì tổng nhu cầu đăng ký xả thải qua trạm xử lý nước thải tập trung chỉ có 35 m3/ngày đêm. "Cân đối, tính toán thì UBND TP.Quảng Ngãi thấy việc đầu tư 10 tỉ đồng để làm trạm xử lý nước thải tập trung 500 m3/ngày đêm, nhưng chỉ vận hành xử lý 35 m3/ngày đêm là thật sự không hiệu quả, nên UBND TP.Quảng Ngãi trả lại vốn, không đầu tư", ông Danh giải thích.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2022) quy định tất cả các cụm công nghiệp đều phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung. Nếu cụm công nghiệp nào chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung thì trong thời gian 24 tháng phải đầu tư theo đúng quy định. Vậy mà tại tỉnh Quảng Ngãi, dù đã quá hạn theo quy định nhưng 100% các cụm công nghiệp tại địa phương này đều chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Để khắc phục tình trạng trên, bà Trần Thị Hạ Vũ, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ngãi, cho biết: "UBND tỉnh Quảng Ngãi đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thu hút các nhà đầu tư để đầu tư hạ tầng môi trường. Bởi vì ngoài kinh phí ngân sách nhà nước thì cũng cần nguồn kinh phí ngoài ngân sách để thu hút đầu tư, xã hội hóa lĩnh vực này ở các cụm công nghiệp".
Bình luận (0)