Cựu cán bộ sai phạm nộp ngay tiền khắc phục hậu quả: Án tù sẽ dưới khung?

05/01/2024 10:39 GMT+7

Theo luật sư, người phạm tội chủ động nộp lại toàn bộ tài sản chiếm đoạt, đã khắc phục hậu quả và đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra thì có thể được áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt của Nhà nước.

Quá trình tố tụng, các bị can, bị cáo sau khi chủ động nộp tiền khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại do mình gây ra, thì đa số đều xin HĐXX xem xét đó là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Tháng 10.2022, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm bị cáo Tất Thành Cang (cựu Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM) và đồng phạm có sai phạm bán rẻ 2 dự án: khu dân cư (KDC) Phước Kiển (xã Phước Kiển, H.Nhà Bè) và KDC Ven Sông (P.Tân Phong, Q.7), gây thiệt hại của Nhà nước hơn 735 tỉ đồng.

Cựu cán bộ sai phạm nộp ngay tiền khắc phục hậu quả: Án tù sẽ dưới khung?- Ảnh 1.

Bị cáo Tất Thành Cang bật khóc khi tự bào chữa

THANH NIÊN

Trong phiên tòa này, ở phần tự bào chữa, ông Tất Thành Cang bật khóc, trình bày mức án VKS đề nghị từ 8 - 10 năm tù với ông là quá nặng. Bị cáo xin HĐXX cho phép gia đình được làm việc với thư ký tòa án nhằm nộp tiền khắc phục hậu quả trước khi tòa tuyên án để được ghi nhận tình tiết giảm nhẹ.

Ông Tất Thành Cang lãnh thêm bản án 6 năm tù vì bán rẻ đất đai

Vụ án này, hậu quả được khắc phục toàn bộ, vì vậy ông Tất Thành Cang được tuyên 6 năm tù. Trong khi đó, cáo trạng truy tố ông Cang ở khoản 3 điều 219 bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017, tội “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí", khung hình phạt từ 10 - 20 năm tù.

Hay trong vụ “chuyến bay giải cứu”, cựu Phó giám đốc Công an TP.Hà Nội sau khi nộp 1,85 triệu USD thì được tuyên 4 năm tù, dù khung hình phạt là 8 - 15 năm tù; bị cáo Hoàng Văn Hưng (cựu Trưởng phòng 5, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an) sau khi khắc phục hậu quả 800.000 USD, từ tù chung thân giảm còn 20 năm tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với số tiền chiếm đoạt lớn của bị cáo Hưng, khung hình phạt cao nhất là tù chung thân.

Cũng như trường hợp cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế - Phạm Trung Kiên ngay khi nghe Viện KSND TP.Hà Nội đề nghị mức án tử hình vì nhận hối lộ 42,6 tỉ đồng, bị cáo đã vận động gia đình nộp toàn bộ tiền nhận hối lộ, từ đó được tòa tuyên tù chung thân.

Toàn cảnh bản án phúc thẩm vụ ‘chuyến bay giải cứu’: 3 y án tù chung thân

Áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt

Luật sư Tô Bá Thanh (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết, người phạm tội chủ động nộp lại tiền, tài sản để khắc phục hậu quả sẽ được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khi xét xử theo điểm b khoản 1 điều 51 bộ luật Hình sự. Bên cạnh đó, cơ quan tiến hành tố tụng còn có thể xem xét thêm một tình tiết giảm nhẹ là "người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải” theo điểm s khoản 1 Điều 51 bộ luật Hình sự. Như vậy, với việc chủ động bồi thường khắc phục hậu quả, người phạm tội có thể được hưởng hai tình tiết giảm nhẹ tại Điều 51 bộ luật Hình sự.

Cựu cán bộ sai phạm nộp ngay tiền khắc phục hậu quả: Án tù sẽ dưới khung?- Ảnh 2.

Tòa có thể áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ, bao gồm khắc phục toàn bộ hậu quả, thiệt hại do mình gây ra

THANH NIÊN

“Ngoài ra, tình tiết khắc phục hậu quả một phần hay toàn bộ còn được áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt theo điều 5 Nghị quyết 03/2020, ngày 30.12.2020 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao”, luật sư Tô Bá Thanh nhấn mạnh.

Cụ thể, luật sư Thanh nêu, theo điều 5 Nghị quyết 03/2020 về nguyên tắc xử lý đối với tội phạm tham nhũng, tội phạm khác về chức vụ, quy định: trong quá trình tố tụng, người phạm tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì không áp dụng mức cao nhất của khung hình phạt mà người phạm tội bị truy tố, xét xử.

“Hơn nữa, trường hợp người phạm tội có ít nhất 2 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 điều 54 bộ luật Hình sự hoặc người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể - thuộc trường hợp luật quy định tại Nghị quyết 03/2020, bao gồm "người phạm tội sau khi bị phát hiện đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, chủ động nộp lại toàn bộ tài sản chiếm đoạt, đã khắc phục toàn bộ hậu quả và đã bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra", thì cơ quan tiến hành tố tụng xem xét áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt miễn hình phạt theo quy định tại điều 59 bộ luật Hình sự.

Nhận hối lộ 31 triệu đồng, lãnh 7 năm 6 tháng tù

Tháng 10.2023, TAND H.Đăk Tô (tỉnh Kon Tum) xử sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Hứa Thị Thể (cựu cán bộ thuế Chi cục thuế khu vực số 2 H.Đăk Tô) 7 năm 6 tháng tù về tội nhận hối lộ 31 triệu đồng, để làm nhanh các thông báo thuế.

Quá trình điều tra, truy tố, xét xử, bị cáo Thể kêu oan. HĐXX sơ thẩm cho rằng lời kêu oan của bị cáo không có căn cứ. Đồng thời áp dụng 2 tình tiết định khung: phạm tội 2 lần trở lên; đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt, khung hình phạt từ 7 - 15 năm tù. Từ đó TAND H.Đăk Tô tuyên bị cáo Thể mức án 7 năm 6 tháng tù.

Cùng vụ án trên, bị cáo Đoàn Thị Ngọc Ngân (cựu cán bộ Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai - UBND H.Đăk Tô) bị xét xử về tội “đưa hối lộ”, khi thu tiền của người đưa cho bị cáo Thể.

Theo HĐXX, trước khi sự việc bị phát giác, Ngân chủ động tố giác hành vi nhận hối lộ của Thể đến công an nên hành vi đưa hối lộ của Ngân với số tiền 11,5 triệu đồng được coi là không có tội, theo khoản 7 Điều 364 bộ luật Hình sự. Vì vậy, cáo trạng chỉ truy tố Ngân tội đưa hối lộ 10 triệu đồng (số tiền này Ngân không chủ động tố giác), khung hình phạt cao nhất 3 năm tù là đúng người, đúng tội.

Song xét bị cáo Ngân thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội, phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, tự thú khi hành vi chưa bị phát giác, khắc phục toàn bộ hậu quả, vì vậy HĐXX tuyên phạt bị cáo 15 tháng tù.

Còn tiếp...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.