Hàng loạt đại học Mỹ quay lưng với Huawei và nhiều hãng Trung Quốc

24/01/2019 22:09 GMT+7

Các trường đại học hàng đầu Mỹ đang bỏ nhiều loại thiết bị do Huawei Technologies, ZTE và các công ty Trung Quốc khác sản xuất để tránh mất tiền tài trợ liên bang.

Theo Reuters, giới chức Mỹ cho rằng các nhà sản xuất viễn thông Trung Quốc cung ứng thiết bị cho phép Bắc Kinh do thám người dùng nước ngoài, trong đó có nhiều nhà nghiên cứu phát triển công nghệ tối tân ở phương Tây. Bắc Kinh và doanh nghiệp Trung Quốc nhiều lần phủ nhận cáo buộc.
Đại học California, Berkeley loại bỏ hệ thống hội nghị video của Huawei, trong khi khuôn viên trường này ở Irvine thì chuẩn bị thay thế năm thiết bị âm thanh video của Trung Quốc. Nhiều trường khác, chẳng hạn như Đại học Wisconsin, cũng đang trong quá trình xem xét các nhà cung ứng.
Đại học California, San Diego còn đi xa hơn. Tháng 8.2018, trường cho hay sẽ không nhận tài trợ hoặc ký thỏa thuận với Huawei, ZTE Corporation và nhiều nhà cung cấp thiết bị video và âm thanh Trung Quốc khác trong ít nhất sáu tháng. Quyết định có hiệu lực đến ngày 12.2, khi trường tái xem xét tình hình.
Đại học Wisconsin và nửa tá đại học khác, trong đó có Đại học California, Los Angeles và Đại học Texas thì xác nhận rằng họ đang trong quá trình xem xét thiết bị viễn thông mình sử dụng, hoặc đã tuân thủ Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Quốc gia (NDAA). Tại Đại học Stanford, giám đốc tuân thủ xuất khẩu Steve Eisner cho biết trường đã “tẩy rửa” khuôn viên nhưng “may mắn” là không tìm thấy bất cứ thiết bị nào cần phải bị bỏ.
Khuôn viên Đại học Stanford ở Stanford, California (Mỹ) Ảnh: Reuters
Những hành động này ít khi được chú ý, song lại thể hiện rõ nỗ lực của nhiều trường trong việc tránh xa nhóm doanh nghiệp Trung Quốc từng nhiều năm cung cấp cho họ thiết bị kỹ thuật hoặc tài trợ nghiên cứu học thuật. Hiện nhóm doanh nghiệp đến từ quốc gia Đông Á nằm trong tầm ngắm của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Động thái của các trường là câu trả lời cho NDAA mà ông Trump đã ký thành luật hồi tháng 8.2018. Đây là một phần trong chiến lược lớn hơn của chính quyền Mỹ nhằm chống lại những gì mà họ cho là mối đe dọa gia tăng từ Trung Quốc, đặc biệt là mảng cạnh tranh kinh tế và an ninh quốc gia.
NDAA có một điều khoản cấm các bên nhận tiền tài trợ liên bang sử dụng thiết bị viễn thông, dịch vụ ghi hình và thành phần mạng do Huawei, ZTE sản xuất. Luật cũng đưa nhiều hãng cung ứng thiết bị âm thanh và âm thanh Trung Quốc như Hikvision, Hytera cùng Dahua Technology vào danh sách đen.
Sinh viên đang học tại thư viện y sinh của Đại học California San Diego Ảnh: Reuters
Chính quyền Mỹ lo rằng những cái tên trên sẽ để lại “cửa hậu” giúp quân đội và chính phủ Trung Quốc tiếp cận thông tin. Các trường đại học không tuân thủ NDAA trước tháng 8.2020 có nguy cơ mất quyền nhận tiền tài trợ nghiên cứu và các khoản hỗ trợ khác từ chính phủ.
Điều này nếu xảy ra, sẽ là cú sốc với nhiều tổ chức như hệ thống Đại học California, nơi mà ngân sách nhà nước liên tục bị cắt giảm trong thập niên qua. Năm học 2016 - 2017, hệ thống Đại học California nhận được 9,8 tỉ USD tiền tài trợ liên bang. Gần 3 tỉ USD trong số này chảy vào hoạt động nghiên cứu, chiếm khoảng 1/2 vốn chi cho nghiên cứu của trường trong năm đó.
Trước NDAA, nhiều đại học Mỹ ghi nhận sức ảnh hưởng từ chính sách của ông Trump đối với Trung Quốc, khi Bộ Ngoại giao Mỹ rút ngắn thời gian thị thực với một số sinh viên Trung Quốc đã tốt nghiệp và xem xét hạn chế mới áp lên sinh viên nước này muốn vào Mỹ. Đến nay, Trung Quốc là nhóm sinh viên quốc tế lớn nhất ở Mỹ, góp không ít cho doanh thu các trường.
Với Stanford và nhiều tổ chức học thuật khác, Huawei không chỉ là nhà cung ứng thiết bị. Hãng tham gia vào nhiều chương trình nghiên cứu, thường với tư cách nhà tài trợ. Đại học San Diego, Đại học Texas, Đại học Maryland và Đại học Illinois Urbana-Champaign là vài trong số những trường có liên quan đến Huawei.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.