Hàng loạt hãng Mỹ đóng băng linh kiện, phần mềm bán cho Huawei

20/05/2019 13:33 GMT+7

Google không phải là cái tên công nghệ duy nhất quay lưng với công ty Trung Quốc. Intel, Qualcomm, Broadcom cũng đang làm tương tự.

Theo Bloomberg, các hãng công nghệ hàng đầu Mỹ, từ nhà sản xuất chip cho đến Google, vừa đóng băng cung ứng phần mềm và linh kiện quan trọng cho Huawei Technologies, tuân thủ lệnh hành pháp của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Điều này có nguy cơ gây khó khăn lớn cho hãng công nghệ là niềm tự hào của Trung Quốc.
Cụ thể, các nhà sản xuất chip gồm Intel, Xilinx, Broadcom và Qualcomm đã nói với nhân viên rằng hãng không cung cấp hàng cho Huawei cho đến khi có thông báo kế tiếp. Google thuộc Alphabet thì cắt nguồn cung phần cứng và một số dịch vụ phần mềm cho Huawei.
[VIDEO] Điện thoại Huawei tại Việt Nam ra sao khi Google ngừng hỗ trợ Android?

Tác động lên 5G thế giới

Động thái từ giới doanh nghiệp Mỹ đã được dự báo từ trước và được cho là sẽ gây nhiều trở ngại cho nhà cung ứng thiết bị mạng lớn nhất thế giới kiêm hãng smartphone lớn nhì thế giới. Tuần trước, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa Huawei vào danh sách đen, cáo buộc hãng này hỗ trợ Bắc Kinh gián điệp nước ngoài. Washington đe dọa cắt đứt Huawei khỏi phần mềm và chất bán dẫn mà công ty cần để sản xuất sản phẩm.
Việc chặn Huawei khỏi nguồn cung linh kiện quan trọng có thể làm gián đoạn hoạt động kinh doanh của nhiều cái tên Mỹ, chẳng hạn như hãng chip Micron Technology. Ngoài ra còn trì hoãn quá trình triển khai mạng không dây 5G trên toàn cầu, bao gồm cả ở Trung Quốc. Thực tế này có thể làm tổn thương nhiều hãng Mỹ đang có tăng trưởng phụ thuộc vào nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.
Nếu được thực hiện đầy đủ, động thái của Washington có thể tạo hiệu ứng lan truyền đến cả ngành công nghiệp bán dẫn thế giới. Intel là nhà cung ứng chip máy chủ chính cho Huawei, Qualcomm cung cấp bộ xử lý, modem cho smartphone, Xilinx bán chip lập trình được sử dụng trong mạng lưới còn Broadcom thì là nhà cung ứng chip chuyển đổi, một thành phần quan trọng khác trong máy móc mạng lưới.
[VIDEO] Google bất ngờ "đoạn tuyệt" Huawei, ngừng cập nhật và hỗ trợ
Ryan Koontz, nhà phân tích tại Rosenblatt Securities, cho hay: “Huawei phụ thuộc rất lớn vào chất bán dẫn Mỹ và có thể gặp khó nghiêm trọng nếu không có nguồn cung linh kiện Mỹ. Lệnh cấm từ Mỹ có thể khiến Trung Quốc chậm trễ trong việc triển khai mạng 5G cho đến khi nó được dỡ bỏ. Lệnh cấm còn tác động đến nhiều nhà cung ứng linh kiện toàn cầu”.
Thông tin này khiến chuỗi cung ứng công nghệ châu Á gặp khó trên thị trường tài chính hôm nay 20.5. Đơn cử, Sunny Optical Technology Group một lần nữa là cổ phiếu thể hiện tệ nhất trong chỉ số Hang Seng của Hồng Kông, trong khi cổ phiếu Luxshare Precision Industry giảm 9,8% trên sàn Thâm Quyến.

Tuyên chiến công nghệ, thương mại?

Huawei thực tế đã trữ đủ chip và các thành phần quan trọng khác để duy trì hoạt động kinh doanh riêng trong ít nhất ba tháng. Hãng chuẩn bị cho tình huống xấu từ trễ nhất là giữa năm 2018 bằng cách tích trữ linh kiện và thiết kế chip riêng. Giới giám đốc Huawei cho rằng doanh nghiệp là con bài mặc cả trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung Quốc đang tiếp diễn, tin rằng hãng có thể mua lại linh kiện Mỹ một khi hai bên đạt thỏa thuận thương mại.
Động thái từ phía Mỹ có khả năng kéo cao căng thẳng thương mại, công nghệ Washington - Bắc Kinh, làm dấy lên lo ngại cho rằng mục đích của ông Trump là kiềm chế Trung Quốc, kéo theo cuộc chiến tranh lạnh giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ngoài tranh chấp trên trường thương mại, Mỹ còn gây áp lực lên đồng minh để các nước này bỏ dùng hàng Huawei trong mạng lưới 5G tương lai.
“Trong kịch bản cực đoan nhất, việc mảng thiết bị mạng viễn thông của Huawei thất bại sẽ khiến Trung Quốc đi lùi nhiều năm, thậm chí bị Trung Quốc xem là động thái gây chiến. Thất bại như trên có thể tác động lớn đến thị trường viễn thông thế giới”, ông Koontz cho biết.
Áp lực từ phía Mỹ hôm nay giáng đòn trực tiếp vào bộ phận thiết bị di động đang phát triển nhanh của Huawei. Google cho biết Huawei sẽ chỉ còn khả năng truy cập phiên bản công khai của hệ điều hành di động Android của hãng. Đây là phần mềm smartphone phổ biến nhất thế giới. Huawei sẽ không còn cung cấp được các dịch vụ, ứng dụng độc quyền như Maps và Gmail. Yếu tố này sẽ hạ đáng kể doanh số smartphone Huawei ở ngoài Trung Quốc.
Hiện Huawei là thương hiệu smartphone lớn thứ nhì thế giới, sau Samsung Electronics và trước Apple. Trước thông tin đưa ra hôm nay 20.5, Huawei là một trong số ít đối tác phần cứng toàn cầu nhận quyền tiếp cận sớm vào phần mềm và tính năng Android từ Google.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.