Hình ảnh ban giám hiệu bị lan truyền trên mạng xã hội |
CHỤP MÀN HÌNH FACEBOOK |
Bị tố lừa đảo
Những ngày gần đây, ban giám hiệu, hiệu trưởng của nhiều trường học từ mầm non đến THPT tại TP.HCM bị “khủng bố” bởi hàng trăm cuộc gọi điện thoại và hình ảnh, thông tin cá nhân của họ bị tung lên mạng xã hội.
Các đối tượng đứng sau những cuộc gọi khủng bố tinh thần này đã gây áp lực, yêu cầu giáo viên, nhân viên của trường, phụ huynh học sinh phải trả nợ.
Trong một trường hợp cụ thể, nhiều giáo viên của Q.11, TP.HCM hồi cuối tuần rồi nhận được lời mời kết bạn trên Facebook từ một tài khoản mang tên một trường mầm non.
Nhìn kỹ, các giáo viên chỉ thấy tài khoản này đăng tải vài bức ảnh các thành viên ban giám hiệu của hai trường mầm non Q.11 kèm bài đăng "tố giác nhóm đối tượng lừa đảo quyên góp lũ lụt miền Trung".
Trong một bài đăng, tài khoản này rò rỉ thông tin cá nhân của một số thầy cô như tên tuổi, số điện thoại và chức vụ, nơi công tác, đồng thời tố cáo "nhóm đối tượng này đã lợi dụng, hình ảnh, chức danh để kêu gọi phụ huynh và các nhóm thiện nguyện quyên góp từ thiện lên đến hàng trăm triệu đồng. Ăn cắp hình ảnh trẻ em khuyết tật, người già, lũ lụt… để trục lợi ăn chia nhau".
Bài đăng còn có đoạn: "Tôi đã đến tận nơi để điều tra, số tiền đó không hề tới tay người cần hỗ trợ. Tôi kêu gọi cộng đồng mạng và người dân khu vực TP.HCM hãy tỉnh táo và tẩy chay những thành phần xấu, là giáo viên mà lừa đảo đến như vậy thì dạy cho con em học thành kẻ lừa đảo hay sao? Chúng tôi không cần lấy lại số tiền đã quyên góp chỉ cần làm sáng tỏ tệ nạn xã hội ở hai trường này”.
Trả lời PV Thanh Niên, một thành viên trong ban giám hiệu bị bêu tên trên tài khoản Facebook, cho biết: “Tôi đã nhận được một cuộc gọi yêu cầu tôi phải bảo một nhân viên trong trường từng quản lý trước đây trả nợ. Tôi đã nói rõ với người gọi rằng tôi không còn công tác tại trường đó và đây là chuyện cá nhân nhưng tôi vẫn tiếp tục bị hăm dọa. Sau đó, tôi còn thấy hình ảnh 'tố cáo' tôi trên mạng xã hội”.
Đã báo công an
Còn hiệu trưởng một trường THPT tại TP.Thủ Đức (TP.HCM) phải chịu trận hàng trăm cuộc gọi bất kể ngày đêm, gây áp lực về việc vay nợ, mua vật liệu xây dựng không trả tiền của giáo viên, phụ huynh học sinh của trường.
Nữ hiệu trưởng chia sẻ, ngay khi nhận được cuộc gọi đầu tiên, nhà trường đã liên hệ với giáo viên và phụ huynh. "Hai giáo viên khẳng định là không vay tiền. Một giáo viên bị mất CMND; một giáo viên có tên trong hộ khẩu của người thân nhưng không rõ người thân có vay tiền hay liên quan đến người vay nào khác hay không. Phụ huynh học sinh thì có khoản nợ với ngân hàng, chứ không liên quan đến vay nợ cá nhân", nữ hiệu trưởng nói.
Hiệu trưởng này cho biết thêm, trong những cuộc gọi sau đó, cô nêu rõ phản hồi từ phía giáo viên và phụ huynh, nhưng “chủ nợ” vẫn tiếp tục yêu cầu phải trả tiền. Hai giáo viên bị "tố" vay tiền cũng đã thử gọi vào những số điện thoại liên hệ với hiệu trưởng thì rơi vào tình trạng không liên lạc được.
Chưa dừng ở đó, thông tin cá nhân của cô hiệu trưởng cùng các giáo viên tại TP.Thủ Đức còn bị lan truyền theo dạng tin nhắn đến danh sách bạn bè trên mạng xã hội với nội dung: "Cảnh báo lừa đảo lợi dụng tín nhiệm là hiệu trưởng rồi đi vay tiền xong tối hẹn trả thì trốn tránh, hiện tại tổng số nợ lên đến 150 triệu đồng. Anh chị em khách hàng hay người quen đừng cả tin ứng tiền cho con nợ này. Đồng lõa là đồng nghiệp P.T.H. Ai biết thông tin con nợ này cảnh cáo con nợ này ra trả nợ gấp. Hình ảnh sẽ được đăng tải cho đến khi trả hết nợ".
Nữ hiệu trưởng trường THPT tại TP.Thủ Đức cho biết: “Tôi bị khủng hoảng vì liên tục có những cuộc gọi đến trường, yêu cầu gặp trực tiếp, điện thoại cá nhân để gây áp lực trả nợ. Thêm vào đó, khi thấy hình ảnh, thông tin cá nhân bị lan truyền trên mạng xã hội, tôi thật sự hoảng sợ. Vì vậy, để tránh những thông tin ảnh hưởng đến danh dự cá nhân và nhà trường, tôi đã báo công an để có hướng xử lý, ngăn chặn kịp thời”.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng phòng Chính trị tư tưởng Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết, trong những ngày gần đây hộp thư công vụ cũng liên tục nhận được những thư tố cáo giáo viên trường A, hiệu trưởng trường B lừa đảo, vay nợ không trả… Sở GD-ĐT cũng đã và đang có phối hợp với Công an TP.HCM để có biện pháp hỗ trợ nhà trường, có những chỉ đạo thuộc lĩnh vực ngành, địa phương để đảm bảo an ninh trật tự, đảm bảo an toàn, danh dự cá nhân của học sinh, giáo viên, hiệu trưởng các trường trên không gian mạng, trong nhà trường, xã hội.
Bình luận (0)