Hàng loạt nhà cổ chờ… sập

06/03/2018 15:20 GMT+7

Khoảng 70 ngôi nhà cổ có tuổi đời hàng trăm năm trên địa bàn H.Hòa Vang (TP.Đà Nẵng) đang có nguy cơ đổ sập nhưng lại không đủ kinh phí để trùng tu, tôn tạo.

Chủ nhà cổ kêu cứu
Những ngày đầu năm 2018, chúng tôi tìm đến ngôi nhà cổ của cụ Ông Thị Mãn (89 tuổi, trú thôn Nam Phong, xã Hòa Châu, H.Hòa Vang). Theo cụ Mãn, ngôi nhà là tài sản do tổ tiên để lại, đã trải qua 5 đời với ngót 250 năm tuổi. Ngôi nhà 3 gian, 2 chái này khá xập xệ và nghiêng sang trái; mái nhà mục nát khiến nhiều mảng ngói âm dương bị tụt dần, có thể rơi bất cứ lúc nào.
Năm 2000, từng xảy ra sự cố một mảng tường lớn bên trái bất ngờ đổ sập, rất may lúc đó không có ai ở bên trong. Sau đó, bà Mãn cùng con trai phải đi ở nhờ hàng xóm hơn nửa năm để tích góp tiền xây tạm bức tường, cố giữ lại ngôi nhà. “Tôi bây giờ sắp gần đất xa trời, luôn nhớ lời dặn của ông cha phải giữ gìn ngôi nhà như thể báu vật. Tôi chỉ ước mong trước khi nhắm mắt xuôi tay được thấy ngôi nhà vẫn đứng vững. Có thế, tôi chết cũng yên lòng”, cụ Mãn rung rưng nước mắt.
Ngôi nhà cổ gần 200 năm tuổi của ông Thi Lý Thanh (trú thôn Dương Lâm, xã Hòa Phong) cũng cùng chung số phận, dù gia đình đã tiêu tốn nhiều tiền để trùng tu. Căn nhà có kiến trúc hình vuông, được con cháu kế thừa, giữ gìn qua 6 đời; các vách tường của mặt trước xây bằng vôi và gạch có trang trí hoa văn tinh xảo. Nổi bật nhất là bộ cửa chính làm bằng gỗ mít khiến ai nhìn thấy cũng phải trầm trồ.
Một vài hình ảnh nhà cổ ở Hòa Vang Ảnh: Huy Đạt
Tuy được chủ nhà dốc sức trùng tu nhưng ngôi nhà vẫn không thoát khỏi cảnh xuống cấp. Trong 16 trụ gỗ chính, nhiều trụ đã hư hại do mối mọt. Theo ông Thanh, do nằm ở vùng thấp trũng, dễ ngập lụt nên hầu hết các trụ gỗ mục ruỗng phần gốc. “Vì không hiểu biết gì về kiến trúc nhà cổ nên gia đình chúng tôi chưa dám trùng tu vì sợ sẽ làm hỏng giá trị của công trình. Rất mong các cơ quan chức năng quan tâm, hỗ trợ gia đình giữ lại ngôi nhà”, cụ Nguyễn Thị Tri (81 tuổi, mẹ ông Thanh) tâm sự.
Nhà tư nhân: Khó giữ!

Địa phương chỉ còn cách vận động người dân tự sửa chữa, nhưng lại rất cần có những ý kiến của cơ quan chức năng để công trình vẫn còn giá trị theo thời gian

Ông Bùi Nam Dũng
Phó chủ tịch UBND H.Hòa Vang

Ông Bùi Nam Dũng, Phó chủ tịch UBND H.Hòa Vang, cho biết hồi tháng 11.2017, Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT-DL) đã lập đoàn khảo sát để lên danh sách các nhà cổ cần được trùng tu trên địa bàn, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có kết quả. Mặc dù có giá trị lớn về văn hóa, kiến trúc nhưng các ngôi nhà nằm rải rác, gây khó trong công tác quản lý. “Không chỉ chủ những căn nhà cổ mà chính quyền địa phương cũng rất cần có những dự án phát triển du lịch sinh thái, trong đó có cơ chế để gìn giữ những ngôi nhà cổ hiện có”, ông Dũng nói.
Đối với các ngôi nhà cổ đang xuống cấp, chính quyền huyện mong muốn có nguồn kinh phí để giúp người dân tự trùng tu, nâng cấp. “Địa phương chỉ còn cách vận động người dân tự sửa chữa, nhưng lại rất cần có những ý kiến của cơ quan chức năng để công trình vẫn còn giá trị theo thời gian. Các công trình này cũng phản ánh một phần đời sống văn hóa, xã hội của một địa phương hoặc vùng miền”, ông Dũng nói thêm.
Trong khi đó, ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng VH-TT H.Hòa Vang, cho hay tại đợt khảo sát vừa rồi, đại diện Cục Di sản văn hóa có ý kiến cho rằng những nhà cổ trên địa bàn huyện chưa đảm bảo tiêu chí để công nhận di tích, nên chưa đủ điều kiện hỗ trợ kinh phí trùng tu. Với tình trạng này, "số phận" hàng chục nhà cổ vẫn đang treo lơ lửng.
Sẵn sàng phối hợp xác định giá trị từng nhà cổ
Trả lời PV Thanh Niên, ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở VH-TT TP.Đà Nẵng, cho biết TP đang có đề án bảo tồn và trùng tu các di tích lịch sử TP, triển khai trong giai đoạn 2016 - 2020. Tuy nhiên, đề án này không áp dụng cho nhà cổ tư nhân chưa được xếp hạng di tích.
Đối với những nhà cổ tại địa bàn H.Hòa Vang thì cần phải khảo sát. Muốn được trùng tu, tôn tạo thì phải được xếp hạng di tích. Muốn xếp hạng di tích thì phải căn cứ vào Luật Di sản văn hóa. Chỉ khi nào một di tích, một công trình, một địa điểm… được công nhận là di tích cấp TP trở lên thì mới có nguồn kinh phí để đầu tư.
“Nhà cổ nào đủ điều sẽ có kinh phí để bảo vệ; nếu không được công nhận, Sở sẽ kêu gọi xã hội hóa… Nếu nhà cổ thật sự có giá trị thì yêu cầu các địa phương báo cáo với Sở VH-TT. Ngành văn hóa sẵn sàng phối hợp với các địa phương để xác định giá trị từng nhà cổ”, ông Hùng nói.
Hoàng Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.