Hàng loạt ông lớn công nghệ Trung Quốc rục rịch IPO

05/05/2018 11:44 GMT+7

Các nhà đầu tư đang chuẩn bị cho một năm sôi nổi IPO trong làng công nghệ Trung Quốc.

Theo CNN, nhà sản xuất smartphone Xiaomi nộp đơn chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) ở Hồng Kông trong tuần này. IPO Xiaomi được kỳ vọng là IPO lớn nhất thế giới từ năm 2014. Xiaomi là một trong vài hãng công nghệ Trung Quốc lớn trên thế giới có thể chào sàn chứng khoán trong năm 2018.
Bên cạnh Xiaomi còn có Didi Chuxing, hãng gọi xe lớn nhất Trung Quốc, và hãng thanh toán di động hàng đầu Ant Financial. Thêm vào đó, công ty phát nhạc trực tuyến phổ biến nhất Đại lục, do Tencent sở hữu, cũng sẽ lên sàn.
Các doanh nghiệp đã và đang xây dựng công ty đến “kích thước thú vị cho các nhà đầu tư tổ chức”, Hans Tung, đối tác quản lý của hãng đầu tư mạo hiểm GGV Capital, công ty rót vốn vào Didi và Xiaomi, cho hay. Các doanh nghiệp có thể phải đối mặt với một thị trường đầy biến động: 2018 là năm gập gềnh đối với nhiều cổ phiếu công nghệ, trong đó có cổ phiếu Tencent và Alibaba, hai hãng công nghệ hàng đầu Đại lục.
Dù vậy vẫn có nhiều sự háo hức xoay quanh các IPO lớn tiềm năng. Ông Tung dẫn giá trị thị trường “khủng” của Alibaba và Tencent như là ví dụ cho thấy các doanh nghiệp internet đang thúc đẩy tăng trưởng ở Trung Quốc. Tencent và Alibaba đang làm lu mờ cổ phiếu ngành năng lượng và ngân hàng, điều mà ông cho rằng không thể nào tưởng tượng được cách nay 5-10 năm.
Dưới đây là một số IPO tiềm năng không kém Xiaomi, có thể là mục tiêu theo dõi cho các nhà đầu tư.
Didi Chuxing
Logo Didi Chuxing Ảnh: Reuters
Didi nổi tiếng nhờ đẩy được Uber ra khỏi thị trường Trung Quốc trong năm 2016 sau trận chiến kinh doanh nhiều tỉ USD. Từ đó, nhà đầu tư bơm hàng tỉ USD vào công ty. Vòng tài trợ mới nhất của Didi định giá hãng ở mức 56 tỉ USD. Hiện hãng đang mở rộng hoạt động ra quốc tế, mua một đối thủ của Uber ở Brazil trong tháng 1 và vừa tung dịch vụ ở Mexico trong tháng 4.
Didi được cho là đang xem xét IPO vào cuối năm nay, động thái có thể giúp hãng đi trước Uber, vốn có kế hoạch lên sàn năm 2019. Didi chưa bình luận về thông tin này.
Ant Financial
Ant Financial Ảnh: Reuters
Ant Financial có thể là doanh nghiệp thứ nhì trị giá hàng chục tỉ USD mà tỉ phú Trung Quốc Jack Ma đưa lên sàn. Ant Financial nổi tiếng với dịch vụ thanh toán di động Alipay, được hàng trăm triệu người ở Trung Quốc sử dụng và cũng nỗ lực mở rộng hoạt động ra nước ngoài.
Ở Trung Quốc, Ant còn cung cấp hệ thống tín điểm tín dụng thử nghiệm được xây dựng từ dữ liệu người dùng, và một sản phẩm cho phép người dùng đầu tư khoản tiền nhỏ còn lại trong tài khoản Alipay vào quỹ thị trường tiền tệ khổng lồ.
Các nhà phân tích kỳ vọng Ant Financial sẽ theo chân Aibaba, lên sàn New York. Tháng trước, công ty chuẩn bị gọi vốn vòng mới được cho là sẽ định giá hãng ở mức 150 tỉ USD trước IPO tiềm năng. Hiện công ty chưa có lịch hay kế hoạch cụ thể để IPO.
Meituan-Dianping
Meituan-Dianping Ảnh: Reuters
Meituan-Dianping thích tự xưng là “Amazon của ngành dịch vụ”. Công ty khởi động dưới dạng một ứng dụng mà người dùng có thể nhận được phiếu giảm giá hay coupon nhà hàng, tương tự như Groupon.
Hiện hãng cung cấp một loạt dịch vụ khác: người dùng có thể gọi xe, gọi thức ăn đem đến tận nơi, đặt bữa trưa và thậm chí mua vé máy bay. Tất cả chỉ qua một ứng dụng trên điện thoại. Công ty vừa mở rộng dịch vụ sang lĩnh vực chia sẻ xe đạp bằng việc thâu tóm Mobike đầu tháng 4.
Vòng gọi vốn mới nhất của Meituan-Dianping định giá doanh nghiệp ở mức 30 tỉ USD, đưa hãng vào cùng hàng với Airbnb. Meituan-Dianping được cho là đang lên kế hoạch IPO vào cuối năm nay.
Tencent Music
Tencent Music Ảnh: Reuters
10 năm trước, viễn cảnh người Trung Quốc trả tiền để nghe nhạc gần như là buồn cười. Song nhờ sự đi lên của smartphone, chất lượng của các ứng dụng trực tuyến và mô hình “freemium”, tức người dùng nghe quảng cáo thay vì trả tiền, thuyết phục hàng triệu người đăng ký nghe nhạc có tốn phí.
Tencent Music thống trị lĩnh vực phát nhạc trực tuyến ở Trung Quốc thông qua nền tảng QQ Music, KuGou và Kuwo. Các dịch vụ này có khoảng 600 triệu người dùng, dù chỉ có 15 triệu người là trả tiền để nghe nhạc. Tencent Music được cho là có kế hoạch theo chân Spotify, hãng vừa lên sàn chứng khoán New York trong tháng trước. Hai công ty có quan hệ đối tác chiến lược và mua cổ phần thiểu số của nhau vào năm ngoái. Khi đó, Tencent Music được định giá khoảng 12 tỉ USD, song có thể sẽ tìm định giá cao hơn gấp đôi trong đợt IPO sắp tới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.