Đánh vào nhu cầu vay, trúng thưởng
Chị N.H (Q.4, TPHCM) kể chị đi gửi tiết kiệm ở Ngân hàng Vietcombank và nhận được một phiếu dự thưởng. Chuyện sẽ là bình thường nếu cô nhân viên nhà băng này không dặn đi dặn lại chị H. là giờ có nhiều hình thức lừa đảo liên quan đến các giải thưởng của các ngân hàng.
“Thế nên nếu chị trúng giải, ngân hàng sẽ gọi điện cho chị. Chị đừng có bấm vào bất cứ đường link nào liên quan đến giải thưởng nhé”, nhân viên ngân hàng khuyến cáo.
Cảnh báo này không thừa vì thời gian qua, nhiều người liên tục nhận được điện thoại của các đối tượng xưng là nhân viên ngân hàng, thông báo trúng thưởng hoặc có khoản tiền chuyển đến bị treo, “dụ” nạn nhân cung cấp thông tin, mã OTP. Chỉ cần nghe theo là tiền trong tài khoản bốc hơi ngay lập tức. Giả mạo trúng thưởng là vấn đề khiến rất nhiều người lo ngại vì xen lẫn vào thông tin của chương trình ngân hàng đang triển khai là những thông tin lừa đảo. Nếu không cảnh giác mà nhấp vào những đường link để đăng ký tham dự chương trình thì khả năng bị mất thông tin tài khoản ngân hàng rất cao.
Giả mạo các chương trình trúng thưởng, gửi thông báo trúng thưởng, tặng quà hoặc yêu cầu khách hàng vào website đăng nhập tên, mật khẩu internet banking và mã OTP để nhận thưởng… là một hình thức trong những chiêu lừa đảo đang nở rộ nhằm chiếm đoạt thông tin tài khoản cá nhân vào thời điểm cuối năm.
Người dân cần cảnh giác các thủ đoạn lừa đảo cuối năm |
Ngọc Thắng |
Tương tự, nhu cầu về tiền bạc của người dân tăng cao vào cuối năm nên đây cũng là thời điểm kẻ gian lợi dụng để thực hiện hành vi lừa đảo. Anh H. (Thái Bình) vay qua online thì được nhân viên công ty tài chính hướng dẫn làm thủ tục. Sau khi hồ sơ hoàn tất, người này báo bị sai số nên cần đóng tiền vào để sửa và giải ngân.
Nghe lời, anh H. chuyển 45 triệu đồng vào tài khoản của đối tượng nhưng chờ mãi vẫn không thấy khoản giải ngân cho vay nào. Lúc này anh H. biết bị lừa và đã trình báo cơ quan công an. Nhiều kẻ gian còn giả mạo các công ty tài chính hướng dẫn thủ tục cho vay và yêu cầu người dân cung cấp giấy tờ tùy thân, cũng như chụp hình CMND/ CCCD…
Sau đó, các đối tượng làm giả thông tin và lấy số này để đăng ký vay nhưng từ chối nghĩa vụ trả nợ. Thế là nhiều người không đi vay nhưng vẫn dính vào nợ xấu. Hoặc kẻ gian tự xưng là nhân viên công ty tài chính liên lạc khách hàng để thực hiện các hành vi lừa đảo như đến tận nhà khách hàng thu hồi thẻ do lỗi hoặc đề nghị thu hồi thẻ không sử dụng và tiến hành chiếm đoạt, thực hiện giao dịch rút tiền mặt qua thẻ; lừa hỗ trợ khoản vay tiêu dùng và yêu cầu khách hàng phải đóng phí vào tài khoản cá nhân…
Giả mạo, chiếm đoạt sim, chuyển nhầm tiền… để “thổi bay” tài khoản
Không những giả mạo nhân viên ngân hàng, viễn thông mà kẻ gian còn mạo danh cả cơ quan công an để lừa đảo chiếm đoạt tiền của người dân. Vào đầu tháng 11, bà D. (sinh năm 1953, Hà Nội) trình báo công an bị mất 6 tỉ đồng trong tài khoản. Trước đó, bà nhận được một cuộc điện thoại của một người tự nhận là đại tá công an. Người này nói bà D. bị nghi liên quan đến đường dây ma túy và yêu cầu bà cung cấp tài khoản ngân hàng để phục vụ điều tra. Sau khi làm theo yêu cầu của người này, toàn bộ số tiền trong tài khoản của bà D. lập tức “bốc hơi”.
Công an TP.Hà Nội cảnh báo thời gian qua đã có nhiều khuyến cáo về thủ đoạn của kẻ gian giả mạo cơ quan công an nhưng vẫn có người bị sập bẫy. Để làm việc với người dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương; tuyệt đối không yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.
Các vụ việc lừa đảo liên tục xảy ra cho thấy một phần do người dân không đủ tỉnh táo để thoát những cái bẫy của bọn tội phạm nhưng các bên như nhà mạng, ngân hàng cũng có phần trách nhiệm.
Tương tự, chị N.T.H.T (TP.HCM) vẫn chưa lấy lại được số tiền 2,1 tỉ đồng trong tài khoản ngân hàng đã biến mất. Sau khi nghe cuộc gọi hướng dẫn nâng cấp sim điện thoại, chị T. làm theo và nhanh chóng bị chiếm rồi vô hiệu hóa sim điện thoại. Sau đó, toàn bộ số tiền 2,1 tỉ đồng trong tài khoản tiết kiệm online của chị “không cánh mà bay”.
Ngay sau đó, ngân hàng nơi chị T. mở tài khoản đã phải gia tăng thêm các lớp bảo mật để hạn chế tình trạng khách hàng bị chiếm đoạt sim và mất tiền trong tài khoản. Các trường hợp chiếm đoạt sim điện thoại để trộm tiền trong tài khoản ngân hàng không hiếm. Mới đây, cơ quan công an TP.HCM đã khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt 5,3 tỉ đồng của bà N.H.T.T. Khi sim điện thoại bị khóa, bà N.H.T.T thấy bất thường nên kiểm tra lại 2 tài khoản ngân hàng thì phát hiện số tiền nói trên đã mất.
Mới đây, Vietcombank phát đi cảnh báo khách hàng tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng. Kẻ gian giả mạo đầu tin nhắn SMS VCB gửi tin đến điện thoại khách hàng về việc tài khoản bị khóa và yêu cầu khách hàng đăng nhập vào đường link đính kèm. Vietcombank khuyến cáo khách hàng các trang giả mạo website, fanpage Facebook có đường link và tên gọi tương tự với trang chính thống Vietcombank, những tin này là lừa đảo nên khách hàng không nên bấm vào, đồng thời khẳng định Vietcombank không gửi tin nhắn SMS đi kèm các đường link.
Hàng loạt các thủ đoạn lừa đảo mà kẻ gian đã sử dụng trong thời gian qua được các ngân hàng liệt kê và khuyến cáo người dân cần cảnh giác. Đó là giả mạo nhân viên ngân hàng để lấy thông tin nhân thân, mật khẩu, số thẻ… Một chiêu tưởng chừng đơn giản là chuyển nhầm tiền. Kẻ gian chuyển một khoản tiền nhỏ vào tài khoản của khách hàng, mạo danh ngân hàng gọi điện, gửi tin nhắn (hiển thị tên thương hiệu ngân hàng) thông báo giao dịch bị treo và yêu cầu truy cập link để tra soát giao dịch, xác nhận thông tin, mở khóa lệnh chuyển tiền… nhằm lừa đảo khách hàng cung cấp thông tin bảo mật của dịch vụ ngân hàng điện tử (tên truy cập, mã OTP và mật khẩu).
Hoặc cũng với chiêu chuyển nhầm, kẻ gian yêu cầu chuyển lại một tài khoản khác (không phải tài khoản chuyển nhầm). Sau một thời gian, chủ tài khoản chuyển nhầm sẽ đứng ra đòi tiền... Theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI, các thủ đoạn lừa đảo ngày càng nhiều và tinh vi. Khi các giao dịch trong xã hội ngày càng tăng, ứng dụng thanh toán bằng công nghệ vào cuộc sống ngày càng nhiều thì việc kẻ gian lợi dụng sở hở này hay kia để lừa đảo là điều khó có thể tránh khỏi. Điều này không chỉ xảy ra tại Việt Nam mà cả nước ngoài cũng có.
“Các vụ việc lừa đảo liên tục xảy ra cho thấy một phần do người dân không đủ tỉnh táo để thoát những cái bẫy của bọn tội phạm nhưng các bên như nhà mạng, ngân hàng cũng có phần trách nhiệm”, ông Đức nhận định. Việc xử lý, bắt những kẻ lừa đảo diễn ra trong thời gian dài và hình thức xử phạt chưa đủ tính răn đe khiến các hình thức lừa đảo cứ nở rộ mà không giảm đi. Vì vậy, cần có những quy định trừng phạt nghiêm khắc hơn để răn đe. Riêng đối với người dân, cần cảnh giác để tự bảo vệ mình trước những hình thức lừa đảo.
Bình luận (0)