Trước hiện tượng hàng loạt trẻ nhập viện vì ngộ độc chì do uống và bôi thuốc cam (một loại thuốc bột, không rõ nguồn gốc có màu xám hoặc màu xanh, màu vàng cam), hôm qua Bộ Y tế đã có cuộc họp để chấn chỉnh việc quản lý hành nghề y học cổ truyền và ngăn chặn các ca ngộ độc mới do “thuốc cam” trôi nổi.
Ông Cao Minh Quang, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết trong vòng 4 tháng qua, riêng Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận 130 trẻ ngộ độc chì do “thuốc cam”. Bệnh nhân đến từ 27 huyện thuộc 15 tỉnh, trong đó một số nơi có số ca mắc cao như Bắc Giang, Hà Nội, Phú Thọ, Nam Định…
Theo báo cáo của Sở Y tế tại các địa phương, phần lớn “thuốc cam” được người dân mua từ người bán thuốc dạo, ông lang, bà mế. Kiểm nghiệm nhiều mẫu thuốc cho thấy, hàm lượng chì trong thuốc rất cao, có mẫu lên đến 85% chì, nếu bị ngộ độc loại này mãn tính, có thể gây thiểu năng tâm thần, đần độn.
Bộ Y tế yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động y dược học cổ truyền, thu hồi và cấm lưu hành các “thuốc cam” không nhãn mác, không nguồn gốc, không số đăng ký.
Đặc biệt, Cục Quản lý khám chữa bệnh khẩn trương xây dựng phác đồ điều trị ngộ độc chì, đồng thời khẩn trương lên kế hoạch dự trù với 3 thuốc thải độc chì hiện chưa có tại VN: BAL, CANA2-EDTA và Succimer.
Nam Sơn
>> Ngộ độc chì, trẻ dễ động kinh
>> Đình chỉ cơ sở bán thuốc cam chứa chì
>> Nhiễm độc chì do uống thuốc cam
>> Ngộ độc chì do uống thuốc dỏm
>> Bữa sáng giúp trẻ ngừa nhiễm độc chì
Bình luận (0)