Hàng loạt trung tâm ngoại ngữ đóng cửa: Ai bảo vệ quyền lợi cho học viên?

21/10/2021 06:00 GMT+7

Hàng loạt trung tâm ngoại ngữ đóng cửa, dừng hoạt động, trả mặt bằng; học viên và người lao động không cách nào liên lạc để nhận lại học phí hoặc lương.

Trước tình trạng các cơ sở của hệ thống Trung tâm ngoại ngữ Thế hệ mới (SAS) tại TP.HCM đột ngột đóng cửa, ngày 11.10, học viên đã tập trung tại trụ sở Công an TP.HCM để đưa đơn tố cáo, đồng thời cũng đã gửi đơn tố cáo đến công an các quận, huyện nơi các cơ sở của hệ thống trung tâm ngoại ngữ này tọa lạc. Học viên cũng như các giáo viên, nhân viên của hệ thống trung tâm này trên toàn quốc cũng đang tiếp tục tụ họp trên các trang, nhóm Facebook cung cấp thông tin và gửi đơn tố cáo đến cơ quan chức năng.

Có dấu hiệu chiếm đoạt tiền lương và học phí

Tại Tây Ninh, các học viên đã nhờ luật sư Phan Vĩnh, Đoàn luật sư tỉnh Tây Ninh, đại diện và liên hệ cơ quan chức năng đòi quyền lợi.

Trao đổi với PV Thanh Niên, luật sư Phan Vĩnh cho biết chủ trung tâm có dấu hiệu chiếm đoạt tiền lương của giáo viên và học phí của học viên tại trung tâm này. Ngay từ tháng 4, một số giáo viên đã liên hệ với ông để nhờ đại diện đòi quyền lợi khi bị nợ lương kéo dài. Trong đó, có giáo viên người Philippines bị nợ lương đến hơn 80 triệu đồng. Rất nhiều học viên bị giữ học phí. Có người đóng hơn chục triệu đồng, có người được giảm học phí cũng đóng 6 - 7 triệu đồng. Trụ sở trung tâm SAS thì hiện tại đã treo bảng cho thuê. Theo ông Vĩnh, Sở GD-ĐT tỉnh Tây Ninh cũng cho biết chỉ quản lý chương trình chứ không quản lý con người nên không thể giải quyết được việc này.

Trung tâm ngoại ngữ SAS cơ sở Q.Gò Vấp đã ngừng hoạt động

ĐĂNG NGUYÊN

Ngày 17.10, trao đổi với PV Thanh Niên, ông V.P.T.A, Phó giám đốc hệ thống Trung tâm SAS tại TP.HCM, cho biết ngay cả ông cũng không liên hệ được với ông Đỗ Văn Quản, Giám đốc hệ thống này. Chỉ có ông Quản mới có thể giải quyết được quyền lợi cho học viên, còn ông T.A là phó giám đốc nhưng chỉ phụ trách về nội dung và giáo viên. Cũng theo ông T.A, chính ông cũng bị nợ lương trong cả năm qua và giáo viên của các trung tâm này bị nợ lương 4 - 5 tháng .

Sở GD-ĐT cũng không liên hệ được với giám đốc

Trong khi đó, trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Phúc Huy Tùng, Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên, Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết ngay khi nhận được đơn thư của học viên, Sở đã liên hệ và đề nghị ông Đỗ Văn Quản, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Giáo dục Master English, lên làm việc và giải trình. Ông Quản cho biết do dịch Covid-19 bùng phát trở lại đã gây ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động và nguồn tài chính của trung tâm. Do giãn cách quá lâu, cùng với việc vẫn phải tốn chi phí cố định, phát sinh dẫn đến trung tâm bị hụt nghiêm trọng về tài chính nên chưa thể chi trả đầy đủ tiền lương của nhân viên, giáo viên. Mặc dù đã cố gắng chuyển đổi sang hình thức dạy trực tuyến nhưng dịch kéo dài, tất cả các trung tâm phải đóng cửa và nhiều học viên không đồng ý chuyển qua học trực tuyến. Ông Quản cho biết sẽ giải quyết khiếu nại của các học viên, có hình thức chuyển đổi cách học phù hợp cho học viên cũng như gia hạn trả lương đối với giáo viên, nhân viên và có tính thêm lãi suất trong thời gian nợ lương.

Ngày 20.10, ông Nguyễn Phúc Huy Tùng cho biết: “Cho đến hôm nay Sở cũng chưa thể liên hệ được với ông Đỗ Văn Quản để xử lý vụ việc này”. Theo ông Tùng, hiện nay Phòng Giáo dục thường xuyên đã chuyển vụ việc qua Thanh tra Sở để đơn vị này xem xét, tham mưu xử lý.

Trong khi đó, ngay từ ngày 27.5, ông Nguyễn Phương Toàn, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang, đã tổ chức đối thoại với các học viên của Trung tâm ngoại ngữ SAS chi nhánh TP.Mỹ Tho với nội dung trung tâm này đã đóng cửa nhưng vẫn không trả lại tiền học phí khoảng 500 triệu đồng của 173 người. Theo ông Toàn, trước đó lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang đã làm việc với đại diện của SAS và chủ trung tâm này đã trình bày những khó khăn vì dịch Covid-19, đồng thời đưa ra lộ trình trả dần học phí cho học viên từ tháng 6 đến cuối năm nay, theo ông Toàn. Tuy nhiên cho đến nay học phí của học viên vẫn chưa được trả lại.

Có dấu hiệu hình sự

Luật sư Lê Dũng, Đoàn luật sư TP.HCM, nhận định vụ việc có dấu hiệu hình sự khá rõ. Chủ đầu tư có dấu hiệu bỏ trốn, không giải quyết học phí cho học viên và lương của giảng viên thì có thể xem xét yếu tố hình sự.

“Đây là quyền lợi cá nhân nên mỗi cá nhân cứ làm đơn tố cáo lên cơ quan công an. Cơ quan công an sẽ tập hợp đơn lại để giải quyết. Dấu hiệu hình sự ở trường hợp này tương đối rõ ràng”, luật sư Dũng nhận định.

Cũng theo luật sư Lê Dũng, vì là vụ việc liên quan quyền lợi các cá nhân nên Sở GD-ĐT các tỉnh, thành không thể đại diện cho các học viên để giải quyết quyền lợi. Tuy nhiên, với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước, Sở GD-ĐT có thể tập hợp thông tin, xem xét và đề nghị cơ quan công an vào cuộc để xử lý.

Hệ thống SAS có đến gần 70 trung tâm ngoại ngữ mở khắp các tỉnh, thành trên toàn quốc và tất cả đều đột ngột dừng hoạt động trong những ngày vừa qua. Hàng chục ngàn học viên vẫn đang trông chờ sự vào cuộc của cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi cho mình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.