Hàng loạt ứng viên rút lui trong nỗ lực ngăn chặn đảng cực hữu tại Pháp

02/07/2024 19:03 GMT+7

Các lực lượng chính trị tại Pháp đang hợp sức ngăn cản đảng cực hữu có được quyền lực tuyệt đối khi sẵn sàng cho ứng viên rút lui để dồn phiếu cho đối tác.

Reuters đưa tin hơn 180 ứng viên tranh cử vào quốc hội Pháp đã xác nhận sẽ không tham gia cuộc bầu cử vòng hai vào ngày 7.7. Những người khác có thời gian đến 18 giờ ngày 2.7 để đưa ra quyết định.

Đây là nỗ lực của các đảng nhằm ngăn chặn đảng cực hữu, chống nhập cư, hoài nghi châu Âu Tập hợp Quốc gia (RN) của bà Marine Le Pen giành đa số ghế tại quốc hội 577 ghế.

Hàng loạt ứng viên rút lui trong nỗ lực ngăn chặn đảng cực hữu tại Pháp- Ảnh 1.

Bà Marine Le Pen tại trụ sở đảng RN tại Paris ngày 2.7

AFP

RN được cho là đứng vị trí dẫn đầu sau vòng một vào ngày 30.6. Cuộc bầu cử được Tổng thống Emmanuel Macron tiến hành sớm và là canh bạc mạo hiểm của nhà lãnh đạo sau khi liên minh trung dung của ông bị RN đánh bại trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu trước đó.

Kết quả dự phóng cho thấy lực lượng của ông Macron chỉ xếp thứ ba, thua cả liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân Mới (NFP).

Hiện chưa rõ RN có thể giành quá bán, tức 289 ghế, để chiếm quyền kiểm soát quốc hội hay không nhưng các đảng phái khác đang gấp rút xây dựng "mặt trận cộng hòa" trong 24 giờ qua nhằm ngăn chặn khả năng đó.

Tổng thống Pháp Macron nhận đòn choáng váng từ phe cực hữu trong vòng 1 bầu cử quốc hội

Các đảng đang cho ứng viên của họ rút lui và vận động cử tri ủng hộ bất cứ ứng viên nào có nhiều khả năng đánh bại đối thủ thuộc RN nhất.

"Trận đấu chưa kết thúc. Chúng ta phải huy động toàn bộ lực lượng", thị trưởng Paris Anne Hidalgo, thuộc đảng Xã hội nói với đài France 2.

Chưa rõ các đồng minh của Tổng thống Macron có rút lui trong các cuộc tranh cử địa phương để hỗ trợ các ứng viên đối thủ có vị trí tốt hơn hay không, nếu những người đó thuộc đảng Nước Pháp bất khuất (LFI) cực tả của ông Jean-Luc Melenchon.

Tuy nhiên, Tổng thống Macron nói trong cuộc họp nội các ngày 1.7 rằng ưu tiên là ngăn chặn RN chạm đến quyền lực và các ứng viên LFI có thể được ủng hộ nếu cần.

Theo Reuters, "mặt trận cộng hòa" từng hiệu nghiệm như trong cuộc bầu cử năm 2002, khi các cử tri từ nhiều phe đồng loạt ủng hộ ông Jacques Chirac để đánh bại ông Jean-Marie Le Pen, cha của bà Marine Le Pen, trong cuộc tranh cử tổng thống Pháp.

Hàng loạt ứng viên rút lui trong nỗ lực ngăn chặn đảng cực hữu tại Pháp- Ảnh 2.

Thủ tướng Pháp Gabriel Attal trả lời phỏng vấn báo chí trong chuyến vận động cử tri ở Paris ngày 2.7

AFP

Tuy nhiên, chưa thể đoán chắc liệu cử tri hiện nay có sẵn sàng làm theo điều mà những lãnh đạo chính trị hướng dẫn, trong khi bà Marine Le Pen đã có nỗ lực nhằm làm mềm hình ảnh của RN trong mắt hàng triệu cử tri.

Ngày 2.7, bà Le Pen tuyên bố sẽ không cố thành lập chính phủ nếu RN và đồng minh không có thế đa số có thể hoạt động hiệu quả tại quốc hội.

Trước viễn cảnh không có đảng nào giành được quá bán số ghế, các chính trị gia đã đề xuất nhiều phương án cho phần còn lại của nhiệm kỳ Tổng thống Macron. Thủ tướng Gabriel Attal gợi ý về một liên minh tình thế của các đảng cánh tả, cánh hữu và trung dung truyền thống để thông qua các dự luật trong quốc hội mới. Ông Xavier Bertrand, thành viên cấp cao của đảng Những người cộng hòa (LR) trung hữu kêu gọi lập "chính phủ lâm thời" để điều hành đến kỳ bầu cử tổng thống kế tiếp vào năm 2027.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.