Hàng 'made in Triều Tiên' phổ biến nhờ các lệnh trừng phạt quốc tế

11/05/2017 10:28 GMT+7

Giữa lúc các biện pháp trừng phạt áp đặt lên Triều Tiên gắt gao hơn, ngày càng có nhiều hàng hóa địa phương xuất hiện trong cửa hàng nước này.

Theo AFP, khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump xem xét các biện pháp trừng phạt kinh tế gắt hơn để thúc giục quốc gia bị cô lập bỏ các chương trình vũ khí, Triều Tiên theo đuổi chiến lược kép để phát triển cả nền kinh tế lẫn quân đội.
Từ kem đánh răng hương cà rốt, mặt nạ bột than cho đến xe máy, pin mặt trời, du khách đến Triều Tiên cho hay họ đang nhìn thấy ngày càng nhiều hàng “made in North Korea” trong các cửa hàng và siêu thị nước này, thay thế hàng nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc.
Đa phần hàng tiêu dùng ở Triều Tiên còn đến từ Đại lục, song dưới thời lãnh đạo của ông Kim Jong-un, nước này nỗ lực hơn để bán hàng sản xuất nội địa để tránh dòng tiền chảy ra và củng cố ý thức quốc gia về sự giàu có, sự tự lực, các doanh nhân đến thăm Triều Tiên cho hay.
Hiện không có dữ liệu cho thấy Triều Tiên sản xuất bao nhiêu sản phẩm trong nước và số liệu xuất khẩu từ các quốc gia như Trung Quốc, Malaysia - những nước bán hàng tiêu dùng đến Triều Tiên - có thể không là thước đo chính xác. Bộ Thương mại Trung Quốc từ chối bình luận về việc liệu xuất khẩu từ Trung Quốc sang nước này có giảm vì hàng nội địa hay không.
Nhiều du khách cho hay với sự thúc đẩy từ giới lãnh đạo, nhiều doanh nghiệp lớn Triều Tiên như hãng hàng không quốc gia nằm dưới sự kiểm soát của quân đội Air Koryo, và tập đoàn Naegohyang đã và đang đa dạng hóa việc sản xuất hàng tiêu dùng, trong đó có thuốc lá, quần áo thể thao.
Triều Tiên là một trong những nước cô lập nhất thế giới. Các chuyến tham quan của người nước ngoài bị kiểm tra rất chặt. Một nhóm phóng viên hãng Reuters ở Bình Nhưỡng hồi tháng trước được phép đến cửa hàng tạp hóa với nhân viên bảo vệ của chính phủ. Các kệ hàng chất đầy đồ uống, bánh quy và nhiều mặt hàng thực phẩm cơ bản khác. Nhiều du khách khác thì nhìn thấy đồ hộp, cà phê, mỹ phẩm, kem đánh răng, xà phòng, xe đạp và nhiều đồ dùng khác được bày bán ở thủ đô.
Trợ lý cửa hàng Rhee Kyong Sook, 33 tuổi, chia sẻ: “Nhờ các nhà máy mới mở ra, thương hiệu, đóng gói và các thành phần sản phẩm của chúng tôi được cải thiện”. Giáo viên thể dục Kim Chul Ung, 39 tuổi, cho hay: “Tôi có thể nếm được mùi trái cây thật trong thức uống được làm ở Triều Tiên so với thức uống có xuất xứ từ nước khác”.
Công nhân Triều Tiên Ảnh: Reuters
Du khách đến Triều Tiên còn cho biết hàng tiêu dùng nội địa ngày càng phức tạp hơn, nhiều loại hàng hóa có mã QR hoặc code. Các nhà phân phối cũng cạnh tranh hơn, cung cấp mẫu thử cho khách mua hàng - điều mà họ không làm cách đây 5 năm.
“Khoảng năm 2013, ông Kim Jong-un bắt đầu nói về sự cần thiết của việc thay thế hàng nhập khẩu. Rõ ràng họ nhận thấy có quá nhiều sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, không chỉ hàng cao cấp mà còn cả nhu yếu phẩm như thức ăn”, chuyên gia Andray Abrahamian của hãng Choson Exchange ở Singapore, công ty đào tạo người Triều Tiên kỹ năng kinh doanh, cho hay.
Hiện tại, danh mục các sản phẩm Air Koryo sản xuất có thuốc lá, đồ uống có gas, các trạm taxi và trạm xăng. Hãng Naegohyang khởi động là một nhà máy thuốc lá ở Bình Nhưỡng song trong những năm gần đây mở rộng để sản xuất hàng điện tử, quần áo thể thao. Công ty thậm chí còn tài trợ cho một đội bóng đá nữ cùng tên.
Giới doanh nghiệp Triều Tiên không báo cáo doanh thu hay lợi nhuận và cũng không thể xác định được đối tác, liên doanh. Các nhà giao dịch và chuyên gia bán lẻ cho biết thị trường Triều Tiên hấp dẫn nhờ tầng lớp “donju”, hay những người tạo ra của cải trong nền kinh tế chất xám ngày càng được công nhận và kiểm soát bởi nhà nước, gia tăng.
“Người Triều Tiên ngày càng không muốn dùng hàng Trung Quốc vì họ nghĩ chúng có chất lượng kém”, một thương gia giấu tên ở Đông Nam Á, người xuất khẩu hàng tiêu dùng sang Triều Tiên, cho biết. Đại lục vướng nhiều bê bối an toàn thực phẩm trong những năm gần đây.
Dù vậy, quốc gia Đông Á vẫn phụ thuộc nhiều vào thương mại với Trung Quốc. Phần lớn nguyên liệu để làm sản phẩm tiêu dùng vẫn đến từ hoặc thông qua Đại lục. Đơn cử, sản phẩm cà phê hòa tan “made in North Korea” ngày càng phổ biến dùng đường rất có thể đến từ Trung Quốc hoặc một nước nào đó sản xuất đường, rồi đến Triều Tiên thông qua Trung Quốc.
“Chúng ta thấy sự gia tăng trong các sản phẩm nội địa, trong đó có xe máy, pin mặt trời, thực phẩm, song mối quan hệ kinh doanh mà các sản phẩm này phụ thuộc vẫn là Trung Quốc”, chuyên gia Abrahamian nói. Vì phụ thuộc vào Đại lục, các hãng Triều Tiên sẽ chịu ảnh hưởng nếu lệnh trừng phạt kinh tế mạnh tay hơn được áp đặt lên nước này. Tuần này, Washington được cho là đang đàm phán với Trung Quốc về phản ứng mạnh mẽ hơn từ Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về việc phóng tên lửa của Triều Tiên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.