Tình hình lao động, việc làm tại TP.HCM:

Hàng ngàn doanh nghiệp ở TP.HCM 'chưa biết sẽ thế nào' trong quý 3/2023

18/05/2023 13:25 GMT+7

4 tháng đầu năm 2023, chỉ số lao động tại TP.HCM giảm 2,2%. Dự kiến về quý 3/2023, đa số doanh nghiệp chưa biết tình hình lao động của mình sẽ theo chiều hướng nào.

Tăng trưởng thương mại - dịch vụ chậm

Theo Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, trong 4 tháng đầu năm 2023, TP.HCM tiếp tục đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, chuyển dịch theo hướng nông nghiệp đô thị, áp dụng công nghệ cao.

Tình hình sản xuất công nghiệp trong tháng 4 có khởi sắc hơn, tuy nhiên doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn khi thiếu đơn hàng sản xuất, công nhân thiếu việc làm. Tính 4 tháng đầu năm 2023, so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trên địa bàn TP.HCM tăng 1,4%; chỉ số lao động giảm 2,2%.

Đồng thời, mức tăng trưởng của hoạt động thương mại, dịch vụ còn chậm do lượng khách quốc tế đến TP.HCM không nhiều, hoạt động bất động sản, ăn uống, vui chơi giải trí chưa phục hồi mạnh như trước đại dịch.

Hàng ngàn doanh nghiệp ở TP.HCM 'chưa biết sẽ thế nào' trong quý 3:2023

Về hoạt động doanh nghiệp, từ đầu năm tính đến ngày 20.4, TP.HCM đã cấp phép cho 14.752 doanh nghiệp với vốn đăng ký hơn 144.568 tỉ đồng, giảm 24,8% về vốn so với cùng kỳ năm ngoái. 

Trong đó, liên quan 9 ngành dịch vụ chủ yếu, TP.HCM có 10.879 doanh nghiệp thành lập, tăng 10,4% so với cùng kỳ; vốn đăng ký đạt 84.505 tỉ đồng, giảm 41,2%.

Tình hình lao động, việc làm tại TP.HCM nhìn lại 4 tháng đầu năm 2023 - Ảnh 1.

Tình hình sản xuất công nghiệp trong tháng 4 có khởi sắc hơn, tuy nhiên doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn khi thiếu đơn hàng sản xuất, công nhân thiếu việc làm

NHẬT THỊNH

Quý 3/2023, hàng ngàn doanh nghiệp 'chưa biết sẽ thế nào'

Năm 2022, lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế tại TP.HCM là hơn 4,4 triệu người. Dự kiến với mục tiêu tăng trưởng GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) của TP.HCM trong năm 2023 đạt 7,5% thì con số này là hơn 4,5 triệu người.

Hiện TP.HCM có gần 2,5 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, giảm 3% so với cuối năm 2022; số lao động thất nghiệp tăng 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

TP.HCM đã khảo sát 3.795 doanh nghiệp trong tháng 3, kết quả cho thấy có 30,75% doanh nghiệp phản ánh lao động giảm; 50,65% doanh nghiệp có lao động giữ nguyên và 18,6% doanh nghiệp có lao động tăng.

Xem nhanh 20h ngày 17.5: Hưng Vlog ẩn video mật ong | Công ty PouYuen Việt Nam sắp cắt giảm hàng ngàn lao động

Nhóm cắt giảm lao động chủ yếu thuộc lĩnh vực giày da - dệt may, xây dựng, chế biến lương thực và thực phẩm.

Dự kiến quý 2/2023, có khoảng 71,78% doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh như cũ; 20,95% dự kiến tăng và 7,27% dự kiến giảm.

Đồng thời, khi đánh giá quý 3/2023, có 57,57% doanh nghiệp chưa biết tình hình lao động của mình sẽ theo chiều hướng nào; 32,14% duy trì như cũ; 8,72% dự kiến tăng và 1,55% dự kiến giảm.

Trước mắt, Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (Q.Bình Tân) dự kiến chấm dứt hợp đồng lao động với 5.744 lao động trên nguyên tắc thỏa thuận.

TP.HCM có kiến nghị gì?

TP.HCM kiến nghị Quốc hội, Chính phủ trong thời gian tới, khi ban hành chính sách hỗ trợ liên quan người lao động, cần nghiên cứu theo hướng ban hành hỗ trợ 1 lần với mức tiền cụ thể để doanh nghiệp, người lao động không phải làm hồ sơ theo từng tháng như chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà. Điều này cũng giúp cho công tác quản lý tối ưu hơn.

Ngoài ra, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM kiến nghị Bộ LĐ-TB-XH rà soát các quy định thuộc thẩm quyền của Bộ để sửa đổi, bổ sung các quy định về báo cáo tình hình sử dụng lao động. Bởi hiện nay có nhiều doanh nghiệp (kể cả khu vực nhà nước) không thông báo tình hình biến động lao động cho Trung tâm dịch vụ việc làm, Cổng dịch vụ công quốc gia. Điều này dẫn tới việc theo dõi tình hình lao động - việc làm gặp nhiều khó khăn.

Đơn vị cũng kiến nghị với các doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch nhân sự hằng năm trên cơ sở kế hoạch kinh doanh; thực hiện đúng quy định pháp luật lao động như tham gia bảo hiểm xã hội, hỗ trợ đào tạo nghề…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.