Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Gia Lai, vụ đông xuân 2022 - 2023, toàn tỉnh gieo trồng hơn 77.000 ha cây trồng, trong đó diện tích lúa nước đạt hơn 26.800 ha. Thống kê chưa đầy đủ cho biết đã có hơn 300 ha lúa nước bị hạn hán với tỷ lệ thiệt hại trên 70%. Ngoài ra, còn có hàng ngàn héc ta cây trồng các loại cũng bị ảnh hưởng do hạn hán.
Ông Nguyễn Minh Hoàng, một nông dân ở H.Chư Sê (Gia Lai), nói: "Gia đình tôi có 200 gốc chanh leo, 1.200 cây cà phê, 1.600 trụ tiêu và 100 cây sầu riêng. Tất cả đều cần nước tưới nhưng không có mưa cũng như nguồn nước tưới từ suối, hồ nên bị ảnh hưởng nặng. Vụ trước, 200 gốc chanh leo của tôi thu được gần 8 tấn quả. Mùa này quả chanh bị khô do thiếu nước, chỉ thu được dưới 5 tấn. Cà phê đến kỳ tưới đợt 3 cũng thiếu nước. Nhiều nông dân khác cũng như tôi tìm thợ khoan giếng nhưng giếng có nước, giếng lại không".
Nguồn nước ở nhiều ao hồ, sông suối đã cạn kiệt nên những cơn giông rải rác vẫn chưa thấm vào đâu so với nhu cầu nước tưới của nhiều diện tích cây trồng. Bà Nguyễn Thị Hồng, một nông dân ở H.Đăk Đoa (Gia Lai), cho hay: "Nhà tôi có hơn 2 ha cà phê. Nước không đủ nên phải khoan giếng nhưng cũng chỉ đủ tưới tầm 3 giờ rồi phải đợi thêm hai ngày sau mới tưới tiếp. Vừa rồi có hai trận mưa giông nhưng chỉ mưa có hơn 1 giờ đồng hồ cũng chưa thể đủ nước cho vườn cây".
Năm nay, diễn biến thời tiết khó lường đã làm hàng trăm héc ta lúa nước gieo sạ muộn tại một số huyện như: Chư Sê, Đăk Đoa, Chư Prông… bị thiếu nước tưới cục bộ. Ông Nguyễn Thanh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN-PTNT Gia Lai), chia sẻ: "Ngay từ đầu vụ, sở đã có văn bản khuyến cáo người dân gieo sạ sớm, không sản xuất ở những khu vực thường xuyên bị hạn hoặc ở xa nguồn nước tưới nhằm giảm thiệt hại do hạn cục bộ. Đồng thời, chúng tôi cũng xây dựng kế hoạch phòng - chống hạn vụ đông xuân 2022 - 2023 phù hợp với thực tế của địa phương. Nhiều địa phương đã tiến hành nạo vét kênh mương dẫn nước, tưới luân phiên… nhằm giảm thiểu thiệt hại do hạn hán gây ra".
Bình luận (0)