Hàng ngàn hộ dân ở Quảng Ninh khát nước sạch

18/03/2019 08:28 GMT+7

Từ nhiều năm nay, hàng ngàn hộ dân tại huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh) đang phải dùng nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm ảnh hưởng đến sức khoẻ.

[VIDEO] Dân Quảng Ninh tốn bạc tỉ đào giếng, xây bể vì “khát” nước sạch
Chỉ cách trung tâm thành phố Hạ Long, thủ phủ của tỉnh Quảng Ninh vài cây số, nhưng từ nhiều năm nay, hơn 1.000 hộ dân tại các xã Lê Lợi, Thống Nhất, huyện Hoành Bồ đang phải dùng nguồn nước sinh hoạt lấy từ giếng khoan không đảm bảo vệ sinh. Đáng chú ý, thời gian gần đây nguồn nước này bị nhiễm phèn chuyển sang màu vàng đục và bốc mùi tanh hôi, khiến người dân phải sống trong tình cảnh "khát" nước sạch.
Chỉ tay vào giếng nước sau nhà, ông Bùi Vĩnh Chuyên (70 tuổi, xã Lê Lợi, huyện Hoành Bồ) ngán ngẩm cho biết: “Hàng chục năm nay, nhà tôi dùng nước sinh hoạt từ giếng khoan. Thế nhưng khoảng 1 năm trở lại đây, nước không còn trong, mỗi lần múc lên đổ ra toàn thấy vẩn đục. Thậm chí, tôi bị bệnh ngoài da, nấm đầu, đi khám bác sĩ nói do dùng nước nhiễm bẩn”.
Không chỉ gia đình ông Chuyên, nhiều hộ dân tại các xã Lê Lợi, Thống Nhất cũng không có nước sạch để dùng mà phải dùng giếng khoan, có nguy cơ mất an toàn cao. Ông Nguyễn Tiến Mạnh (50 tuổi, thôn An Biên 1, xã Lê Lợi, huyện Hoành Bồ) cho biết: “Gia đình tôi cùng 6 hộ khác chung tiền đầu tư 1 giếng khoan cùng bể lọc nước 10 khối. Vào mùa mưa, nước còn tạm ổn nhưng đến mùa khô thì nước lúc có lúc không. Đã vậy, nhiều tháng nay, nguồn nước này còn đục cặn, tôi phải mua thêm máy lọc nước để trong bếp, nhưng chưa yên tâm”.
Để có nước sạch, người dân phải đi mua nước ở các xã, thị trấn lân cận hoặc đầu tư hệ thống bể lọc, bình lọc với chi phí lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi hộ. Bể lọc với nhiều lớp cát, sỏi, than hoạt tính... nhưng nước vẫn tanh hôi, dù nhìn có vẻ trong hơn.
Theo ông Bùi Vĩnh Chuyên, từ năm ngoái, gia đình ông đã đầu tư hệ thống đường ống lấy nước từ 2 nguồn với gần 100 triệu đồng. Với nước ăn, ông Chuyên mua từ một cơ sở tại thị trấn Trới (huyện Hoành Bồ), cơ sở này dùng xe téc chở đến tận nhà với giá khoảng 200.000 đồng/khối. Trong khi đó, nước dùng để sinh hoạt việc khác như giặt quần áo, rửa nhà... thì phải mua của một hộ dân có giếng khoan gần nhà thông qua đường ống.
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Lành (xã Thống Nhất, huyện Hoành Bồ), chia sẻ: “Thương nhất là các cháu nhỏ, do dùng nước bị nhiễm bẩn nên bị nấm ngứa. Nhưng nhiều gia đình không có điều kiện, chỉ biết lọc qua rồi dùng luôn”.
Việc “khát” nước sạch kể trên đã được các hộ dân nhiều lần kiến nghị trong các cuộc tiếp xúc cử tri. Tuy nhiên, do kinh phí xây dựng nhà máy nước sạch quá lớn nên các địa phương vẫn chưa thể triển khai. Ông Hoàng Đức Tự, Chủ tịch UBND xã Lê Lợi (huyện Hoành Bồ), cho biết chưa kể người dân các xã khác, riêng xã Lê Lợi đã có khoảng 500 hộ dân đang thiếu nước sạch và phải dùng giếng khoan. Thời gian gần đây, nguồn nước giếng khoan cũng không còn đảm bảo.
“Có nước sạch là đòi hòi chính đáng và cấp thiết của người dân. Chính vì vậy, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị đến các cơ quan chức năng sớm triển khai hệ thống nước sạch đến từng hộ dân nhưng đến nay vẫn chưa thấy đâu”, ông Tự nói.
Theo UBND huyện Hoành Bồ, trước kiến nghị của dân, chính quyền địa phương đã báo cáo lên UBND tỉnh Quảng Ninh để thông qua việc triển khai đầu tư hệ thống nước sạch đến các xã Thống Nhất, Lê Lợi.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Trần Mạnh, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty CP nước sạch Quảng Ninh, cho biết: “Dự án cấp nước sạch cho các xã Lê Lợi, Thống Nhất đã được đơn vị chúng tôi lên phương án với tổng mức đầu tư hơn 20 tỉ đồng. Tuy nhiên hiện nay do vướng mắc trong việc lựa chọn nhà thầu nên việc thi công đang bị chậm lại. Dự kiến trong tháng 3 dự án sẽ được khởi công và đến tháng 9, người dân các xã sẽ có nước sạch để dùng”. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.