Hàng ngàn người đội mưa dự lễ cầu siêu thai nhi ở Tây Thiên

16/08/2018 15:25 GMT+7

WHO xếp Việt Nam vào danh sách 5 nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới, dẫn đầu châu Á. Vì điều này mà luôn có rất đông người làm cha mẹ tới chùa đăng ký cầu siêu cho thai nhi dịp rằm tháng 7.

Mới đây, trong một đàn lễ cầu siêu tại Đại Bảo tháp Mandala Tây Thiên (Vĩnh Phúc) đã có gần 5.000 người cùng lúc đội mưa, chịu đựng nắng nóng gay gắt nguyên ngày dài ngồi tụng kinh “Sám hối với thai nhi”.
Không nhớ đã bao lần miệt mài đi Tây Thiên cầu siêu độ, nhưng anh Hoàng Khánh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết mình chưa năm nào lỗi hẹn với đàn lễ đặc biệt của các em bé Đỏ (cách gọi tâm linh cho hài nhi yểu mạng).

Có khá đông nam giới đi cầu siêu cho trẻ em cõi âm Ảnh Mai An
Năm nay, anh Khánh lại về Bảo tháp cầu siêu cho thai nhi 3 tháng tuổi mà anh với bạn gái lỡ “tạo tác” rồi phá bỏ thời tuổi trẻ. Cậu sinh viên thủa nào giờ đã tuổi ngũ tuần, vài chục năm trôi qua song niềm day dứt thì vẫn ở lại, hằn in trong tâm trí. “Tâm linh tôi tin nghĩ, con đã siêu sinh ở một nơi miền xa ngái, mà sao vẫn khoắc khoải nỗi niềm…”, anh Khánh trải lòng.
Tại đàn tràng có khá đông nam giới đi cầu siêu thai nhi. Anh Trần Đình Dũng (Tam Đảo, Vĩnh Phúc) đến cầu nguyện cho con trai 1 tuổi rưỡi và thai nhi 6 tuần tuổi.
13 năm trước, anh chị kết hôn và nhanh nhóng đón tin vui sinh con trai đầu lòng. Vào tuổi ăn dặm, thằng bé bắt đầu dấu hiệu ốm bệnh, lo nhất là cái hạch nhỏ bên má phải cứ nổi to dần. Vợ chồng như chết lặng lúc nhận hung tin con mắc bệnh bạch cầu cấp (một dạng ung thư máu).
Hôm đó là 27 tết, anh Dũng vội xin nghỉ phép ra Hà Nội chăm con nằm điều trị tại Viện Huyết học T.Ư. “Tôi ở bên cháu đúng 7 ngày ngắn ngủi, để rồi chẳng bao giờ còn được ôm con trong đời nữa…”, anh Dũng nghẹn lời.
Huyền già hơn nhiều so với tuổi 34. Hai gò má quá cao nhô trên gương mặt buồn gầy sạm nắng. Cô với mẹ già từ Hải Phòng lên đây cầu siêu cùng lúc cho 3 hương linh bé bỏng là con ruột của mình. Một thai nhi mất từ trong bụng mẹ, còn hai bé trai sinh đôi do mắc viêm não bẩm sinh đã lần lượt lìa xa vợ chồng Huyền lúc chưa đầy 1 năm tuổi. Chờ đợi, mong ngóng suốt những năm qua, Huyền vẫn chưa thể có thai trở lại. Trong tận cùng nỗi đau mất con, cô khao khát được nghe tiếng trẻ thơ gọi mẹ…
Không bận tâm mưa nắng, mọi người tập trung đọc kinh cầu nguyện Ảnh Mai An
Ở một góc khác của đàn tràng, Hạnh là phật tử trẻ đã lập gia đình 2 năm nhưng chưa có con. Cô đến dự lễ cầu siêu độ thai nhi cũng là tích phúc cho mình sớm làm mẹ. Hạnh chia sẻ, thật buồn lòng vì trong khi có bao nhiêu phụ nữ ngày đêm mong cầu sinh con, thì lại cũng tồn tại vô số người nhẫn tâm phá bỏ thai nhi.
“Phá thai là tội giết người, người nữ bỏ thai người nam đồng phạm và cả người thực hiện thủ thuật cũng phạm vào tội này, oán thán vì thế mà ngút trời, đeo đẳng trong nhiều kiếp”, anh Trần Vũ Thành, Chủ tịch CLB Trí thức trẻ Hà Nội, tham gia tác nghiệp chụp ảnh đàn lễ, thẳng thắn bày tỏ.
Khoảng 250.000 - 300.000 ca phá thai báo cáo chính thức mỗi năm
Tháng 5.2018, Bộ Y tế đã công bố số liệu khảo sát thực trạng phá thai tại Việt Nam khiến nhiều người đau lòng. Mỗi năm cả nước có khoảng 250.000 - 300.000 ca phá thai được báo cáo chính thức.
Thống kê từ 2 bệnh viện phụ sản lớn nhất khu vực phía nam là Từ Dũ và Hùng Vương, số lượng phụ nữ nạo phá thai những năm qua gần như không giảm. Bác sĩ Nguyễn Thị Bích Ty (BV Từ Dũ) cho biết, riêng 6 tháng đầu năm 2017, có 14.159 ca, trong đó phá thai ở trẻ vị thành niên hơn 1.000 ca. Trung bình mỗi ngày BV tiếp nhận khoảng 80 ca đến bỏ thai.
Trong số hàng ngàn người dự khóa lễ cầu siêu thai nhi mùa Vu lan này, có cả những bạn trẻ chưa kết hôn. Lời giảng của sư thầy Thanh Tịnh về mối nhân duyên, tình thâm cốt nhục thiêng liêng giữa cha mẹ và con trẻ gợi cho họ nhiều suy ngẫm.
Sư thầy giảng: Khi tinh cha huyết mẹ nhập vào nhau, tại thời điểm này, thai nhi chỉ là một hòn máu nhỏ chưa bằng hạt đậu, nhưng tinh thần của đứa trẻ đã được nhập vào. Hài nhi trong bụng đã là người. Các em khao khát được cất tiếng khóc chào đời và đón nhận tình thương của cha mẹ, nhưng lại bị tước đi mạng sống nên vô cùng hoảng sợ, oán thán...
Dưới góc nhìn tâm linh, khi vong linh đứa trẻ không siêu thoát, niềm oán hận không được giải trừ, thì người lớn cũng không thanh thản, cuộc sống gặp nhiều trắc trở. Trong quan niệm của nhà Phật, đến với nhau là một niềm duyên. Tạo ra một đứa trẻ mà vứt bỏ đi thì vô tình người làm cha mẹ đã gieo một nghiệp xấu, ai oán đối với người thương yêu nhất. Bậc làm cha mẹ và người trẻ tuổi nên hiểu ý nghĩa này để giữ gìn, không làm điều sai trái.
GS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Chủ tịch Hội Nội tiết Sinh sản và vô sinh TP.HCM khuyến cáo: Những cô gái trẻ vì nạo phá thai không an toàn mà gánh chịu hậu quả, như thủng tử cung, thủng ruột, viêm phúc mạc, tổn thương niêm mạc tử cung, dính buồng trứng, tắc vòi trứng, vĩnh viễn mất đi khả năng làm mẹ, thậm chí tử vong...
Bên cạnh đó là những ám ảnh tâm lý, ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống tinh thần về sau.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.