Hàng ngàn tăng ni, phật tử tham dự lễ nhập kim quan thiền sư Thích Nhất Hạnh

24/01/2022 06:33 GMT+7

Sáng 23.1, Tổ đình Từ Hiếu cùng môn đồ, pháp quyến đã làm lễ nhập kim quan thiền sư Thích Nhất Hạnh, nghi lễ thực hiện theo nghi thức truyền thống của Phật giáo Huế.

Toàn bộ nghi thức rước kim thân, tẩm liệm đều do đệ tử của ngài thực hiện. Kim thân của ngài sau khi được rước từ thất Lắng Nghe đến lễ đài nơi tôn trí kim quan đã được khâm liệm theo hình thức truyền thống của Việt Nam. Điểm khác biệt đáng chú ý là khi rước nhục thân của thiền sư Thích Nhất Hạnh vào nhập quan, tất cả chúng đệ tử của ngài đều niệm danh hiệu “Nam mô Bồ tát Quan Thế Âm”, thay vì niệm danh hiệu “Nam mô tiếp dẫn đạo sư A Di Đà Phật” như những tang lễ Phật giáo thông thường. Đây cũng là điểm đặc biệt không giống với bất kỳ tang lễ Phật giáo nào từ trước đến nay.

Năng lượng tích cực trong im lặng từ tang lễ thiền sư Thích Nhất Hạnh

Kim thân của thiền sư Thích Nhất Hạnh được chúng đệ tử rước vào nơi tôn trí lễ đài để nhập kim quan

Lê Hoài Nhân

Buổi lễ có sự tham gia của đông đảo chư tôn đức, giáo phẩm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên-Huế cùng các tổ đình, tu viện, tự viện, niệm phật đường tại Thừa Thiên-Huế. Rất đông tăng ni, phật tử tham dự nhưng nghi lễ diễn ra trong im lặng theo đúng tinh thần di huấn “Tâm tang” của thiền sư Thích Nhất Hạnh.

Tang lễ của thiền sư Thích Nhất Hạnh kéo dài trong 7 ngày (từ 22 - 29.1) theo hình thức của một khóa tu im lặng. Trong suốt thời gian đó, ban tang lễ mong tang lễ tâm tang được diễn ra trong sự im lặng, trang nghiêm, thanh tịnh, tĩnh lặng và nhẹ nhàng. Sau lễ nhập kim quan, lễ trà tỳ (hỏa thiêu) sẽ được cử hành lúc 7 giờ sáng 29.1. Xá lợi của ngài sau khi thu được sẽ được an vị tại Tổ đình Từ Hiếu và các trung tâm khác của Làng Mai trên thế giới mà không cần phải xây tháp.

Truyền thông thế giới ngợi ca công đức

Sau khi thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch tại Huế ngày 22.1.2022, nhiều tờ báo, kênh truyền thông quốc tế đã đưa tin trang trọng, ngợi ca công đức của thiền sư.

Kênh CNN (Mỹ) đưa tin: “Thích Nhất Hạnh, một nhà sư Phật giáo nổi tiếng của VN, nhà hoạt động hòa bình và là một trong những người có tiếng nói hàng đầu phản đối chiến tranh VN, đã qua đời tại chùa Từ Hiếu, Huế, VN, thọ 96 tuổi. Thầy Thích Nhất Hạnh là người phi thường, đưa hòa bình, từ bi và trí tuệ chạm đến cuộc sống của hàng triệu người”.

CNN đưa thêm thông tin: Nhà sư rất được kính trọng từng dẫn đầu phái đoàn Phật giáo tham dự Cuộc đàm phán Hòa bình Paris vào năm 1969, khi ông vận động các nhà lãnh đạo phương Tây chấm dứt chiến tranh VN.

Hãng tin Reuters (Anh) nhận định: “Là một nhà tiên phong của Phật giáo ở phương Tây, thiền sư Thích Nhất Hạnh đã thành lập tu viện Làng Mai ở Pháp và thường xuyên nói chuyện về thực hành chánh niệm - xác định và cách ly bản thân khỏi những suy nghĩ nhất định mà không phán xét - cho giới doanh nghiệp cùng những người khắp thế giới theo học. Ông giống như một cây thông lớn, cho phép nhiều người an nghỉ dưới cành với lời dạy tuyệt vời về chánh niệm và lòng từ bi”.

Tờ The New York Times (Mỹ) bình luận: “Thích Nhất Hạnh là nhà sư Phật giáo VN, một trong những thiền sư có ảnh hưởng nhất thế giới, người truyền bá thông điệp về chánh niệm, từ bi và bất bạo động”.

Tờ National Catholic Reporter (Mỹ) chuyên về cộng đồng Công giáo cũng đưa tin về thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch, gọi ông là “người thầy của tỉnh thức và phi bạo lực”, giới thiệu về tư tưởng và thực hành của đạo Phật đến với vô số người.

Hãng AFP (Pháp) gọi ông là “một trong những tu sĩ có ảnh hưởng nhất thế giới” và “vị thiền sư, người có tầm ảnh hưởng trong Phật giáo, chỉ sau Đức Đạt Lai Lạt Ma”.

Tờ Bangkok Post (Thái Lan) viết: “Một trong những nhà sư Phật giáo có ảnh hưởng nhất thế giới - Thích Nhất Hạnh - đã qua đời tại VN hôm 22.1”.

Hãng tin AP (Mỹ) dẫn lời thiền sư Thích Nhất Hạnh: “Bình an mà chúng ta tìm kiếm không thể là sở hữu cá nhân của chúng ta. Chúng ta cần tìm thấy sự bình an nội tâm để chúng ta có thể đồng hành với những người đau khổ và làm điều gì đó để giúp đỡ anh chị em của chúng ta, có nghĩa là chính chúng ta”.

Tờ Independent (Anh) đánh giá: “Thiền sư Thích Nhất Hạnh được biết đến như một người tiên phong của Phật giáo ở phương Tây”.

Đỗ Tuấn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.