Hàng ngàn tàu cá nằm bờ vì quy định 'dài 15 m': Phải có hướng đảm bảo quyền lợi ngư dân

04/07/2019 09:00 GMT+7

Theo ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, UBND tỉnh này đã báo cáo và đề nghị Bộ NN-PTNT xem xét cho ý kiến để giải quyết những khó khăn, vướng mắc.

Đối với trường hợp 723 tàu cá có công suất lớn hơn 90 CV nhưng dài dưới 15 m đang hoạt động vùng khơi, UBND tỉnh Bình Định đề nghị cho phép các tàu này được tiếp tục hoạt động khai thác thủy sản ở vùng khơi đến khi giấy phép cũ hết thời hạn và được hưởng chính sách hỗ trợ theo QĐ 48/2010/QĐ-TTg.
Tỉnh cũng đề nghị xem xét, cho phép 723 tàu cá này cải hoán vỏ có chiều dài từ 15 m trở lên để khai thác vùng khơi và cấp bổ sung hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản ở vùng khơi cho tỉnh để cấp cho các tàu cá này.
“Trang thiết bị trên tàu thì đủ nhưng chiều dài không đủ điều kiện cấp giấy phép khai thác thủy sản ở vùng khơi, thì nên cho thời gian để chủ tàu cải hoán cho phù hợp. Nếu tàu nào không đánh bắt xa bờ nữa thì không cần cải hoán tàu mà sẽ cần thời gian để cải hoán thiết bị”, ông Trần Châu nói.
Ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Đà Nẵng, cho biết ngày 2.5.2019, Bộ NN-PTNT ban hành quyết định giao hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản tại vùng khơi, trong đó giao cho TP.Đà Nẵng 523 giấy phép, bằng với số tàu có chiều dài từ 15 m trở lên của TP. “Như vậy, 177 tàu cá có chiều dài dưới 15 m không thể thực hiện cải hoán vì không còn hạn ngạch để cấp gây khó khăn cho các tàu trong tổ chức hoạt động sản xuất”, ông Tám cho biết.
Ngày 4.6, ông Tám đã ký văn bản gửi Tổng cục Thủy sản đề nghị phối hợp, xem xét tham mưu Bộ NN-PTNT bổ sung hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản tại vùng khơi cho 177 tàu cá để tạo điều kiện cho các tàu dưới 15 m thực hiện cải hoán; ban hành chính sách hỗ trợ ngư dân có tàu cá dưới 15 m để tàu có kinh phí cải hoán; ban hành chính sách hỗ trợ xả bản, chuyển đổi nghề cho ngư dân có tàu dưới 15 m trong trường hợp không ban hành chính sách hỗ trợ ngư dân cải hoán.
Ông Nguyễn Như Đào, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, cho biết theo quyết định của Bộ NN-PTNT, tỉnh Khánh Hòa được giao 768 giấy phép khai thác vùng khơi. Như vậy, còn đến 598 tàu có chiều dài dưới 15 m, công suất trên 90 CV không được khai thác tại các ngư trường truyền thống Trường Sa, Hoàng Sa. Chi cục Thủy sản đã báo cáo Sở NN-PTNT kiến nghị UBND tỉnh đề nghị Bộ NN-PTNT xem xét, cấp bổ sung hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi cho tàu cá của tỉnh. UBND tỉnh đã có văn bản gửi Bộ NN-PTNT, đề nghị xem xét, cấp bổ sung 600 hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản vùng khơi cho tàu cá trên địa bàn tỉnh. Hiện tỉnh đang chờ ý kiến của Bộ về vấn đề này.
Trước phản ứng của hàng loạt địa phương, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng việc cấp hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản là đúng quy định pháp luật nhưng nếu có vấn đề thực tiễn đặt ra thì phải có hướng xử lý để đảm bảo quyền lợi của ngư dân, đảm bảo pháp luật và đảm bảo an ninh quốc phòng trên biển. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã yêu cầu Tổng cục Thủy sản tổng hợp toàn bộ số lượng tàu cá trong nước bị vướng thủ tục cấp giấy phép khai thác thủy sản như đã xảy ra ở Bình Định để trình lên Bộ NN-PTNT xem xét, bàn bạc lại.
“Rà soát lại xem có bao nhiêu chiếc trong tất cả các tỉnh, đề xuất xử lý như thế nào cho uyển chuyển để đảm bảo công ăn việc làm cho ngư dân mà thực thi pháp luật vẫn nghiêm”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.